Người cao tuổi và nỗi lo đường đến “dân số già” quá ngắn

16/04/2018 04:38 PM


Năm 2017, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) Việt Nam từ 60 trở lên chiếm 10,95% trên tổng dân số. Theo dự báo, tỷ lệ dân số cao tuổi sẽ còn tăng nhanh, thời gian quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” ở nước ta ngắn hơn nhiều nước trên thế giới.

Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng giúp NCT tránh được bệnh tật, giảm chi phí khám chữa bệnh.

Nghịch cảnh tuổi thọ cao, sức khỏe yếu

Năm 2011, tỷ lệ NCT (từ 65 tuổi trở lên) ở Việt Nam chiếm 7%, theo quy ước của Liên Hợp Quốc, nước ta đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng thêm 33 tuổi, từ 40 tuổi vào năm 1960 lên 73 tuổi năm 2016. Năm 2017, tỷ lệ NCT Việt Nam từ 60 trở lên là 10,95%. Theo dự báo, tỷ lệ dân số cao tuổi sẽ còn tăng nhanh; thời gian quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” ngắn hơn nhiều nước trên thế giới.

Hiện nước ta có khoảng 10,1 triệu NCT. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng NCT Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%. Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già thì với tốc độ già hóa như hiện nay, Việt Nam chỉ mất khoảng 15 năm. Vấn đề thách thức đang đặt ra là dù chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhưng tốc độ già hóa nhanh trong bối cảnh nước ta vẫn là một nước có mức thu nhập trung bình thấp.

Tuy đời sống và tuổi thọ được nâng cao, nhưng có thể nói NCT ở nước ta "thọ" nhưng "yếu". Theo các con số thống kê, có tới 95% người trên 60 tuổi có bệnh tật, trong đó khoảng 55% người mắc các bệnh mãn tính như: Tiểu đường, tim mạch, huyết áp... Số ngày ốm trung bình của một cụ già trong một tháng là 2,4 ngày. Một cái "yếu" khác là NCT nước ta phần lớn vẫn còn nghèo. Theo Tổng cục Thống kê hiện có tới 70% số NCT không có tích lũy vật chất. Tỉ lệ NCT có lương hưu hoặc được hưởng trợ cấp xã hội chiếm một con số khá khiêm tốn, khoảng 20%.

Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Nguyễn Văn Tân cho biết, hiện trạng NCT Việt Nam đều trải qua thời kì khó khăn do chiến tranh, đa số không có tài sản tích lũy, 70% không có lương hưu và BHYT. NCT Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, làm nông nghiệp nên đời sống rất vất vả. Đa số không có điều kiện chăm sóc và thăm khám sức khỏe định kì... Số năm đau ốm trung bình của một người Việt Nam là 7,3 năm (khoảng 11% tổng số tuổi thọ).

Tại Hội thảo triển khai Dự án hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ứng phó với già hóa dân số do Tổng cục DS-KHHGĐ phối hợp với tổ chức JICA Nhật Bản và Tổ chức Phúc lợi xã hội YASURAGI tổ chức ngày 12/4, tại Hà Nội, Phó Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh: Để thích ứng với già hóa dân số, để NCT không bị bỏ lại bên lề của sự phát triển kinh tế - xã hội thì hỗ trợ chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng giúp NCT tránh được bệnh tật, giảm chi phí khám chữa bệnh là rất cần thiết.

Xây dựng mô hình chuẩn tại cộng đồng

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng và triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe dự phòng cho NCT dựa vào cộng đồng; phát hiện điều trị sớm bệnh, phổ biến các phương pháp tự chăm sóc sức khỏe, giảm nguy cơ tàn phế cho NCT, giảm thời gian và chi phí điều trị, tăng tuổi thọ khỏe mạnh, là một hướng đi phù hợp góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe NCT và ứng phó với già hóa dân số tại Việt Nam.

Với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của JICA Nhật Bản, Tập đoàn Phúc lợi xã hội Yasuragi, Dự án Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khỏe NCT ứng phó với già hóa dân số được triển khai tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Tp.Hà Nội với hai mục tiêu: Tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý về chăm sóc sức khỏe NCT thông qua việc triển khai bền vững chương trình dự phòng chăm sóc sức khỏe NCT ở cộng đồng tại địa bàn thí điểm theo kinh nghiệm của Nhật Bản; thử nghiệm mô hình dự phòng chăm sóc sức khỏe cho NCT tại địa bàn thí điểm theo kinh nghiệm của Nhật Bản.

Nhật Bản vốn được biết đến với hệ thống chăm sóc sức khoẻ hiện đại, tuy nhiên ý thức “phòng bệnh hơn chữa bệnh” của người dân cũng đóng góp không nhỏ trong việc nâng cao sức khoẻ, đặc biệt với những đối tượng có sức đề kháng kém như NCT. Nhờ việc thăm khám sức khỏe định kỳ, NCT Nhật Bản đã phòng tránh nguy cơ bệnh tật, cũng như kịp thời chữa trị ngay khi có những dấu hiệu lạ trong cơ thể.

Để việc thực hiện Dự án thành công, ông Nguyễn Văn Tân đề nghị Tp.Hà Nội, quận Nam Từ Liêm phối hợp cùng ngành Dân số tập trung triển khai các hoạt động theo đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao, đóng góp quan trọng vào hoạt động chăm sóc và phát huy NCT tại Việt Nam. “Tôi cũng đề nghị phía Việt Nam cần quan tâm, học tập các kinh nghiệm chăm sóc NCT của Nhật Bản, nhất là về chế độ phúc lợi xã hội; chính sách dự phòng chăm sóc sức khoẻ NCT và bài học thực tiễn; hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT toàn diện và dịch vụ điều dưỡng chăm sóc tại nhà để áp dụng phù hợp trong điều kiện thực tế của Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Tân nói.

Mục tiêu của Dự án là xây dựng mô hình chuẩn về chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng để có thể nhân rộng trên địa bàn cả nước sau khi Dự án kết thúc, góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe dài hạn cho NCT tại cộng đồng. Dự án hướng tới việc tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý, từ đó, thử nghiệm mô hình dự phòng chăm sóc sức khỏe cho NCT trên địa bàn thí điểm theo kinh nghiệm Nhật Bản. Thời gian thực hiện từ tháng 7/2017 đến 3/2020.

Để thích ứng với già hóa dân số, chăm sóc và phát huy NCT, Việt Nam đã xây dựng và triển khai các chính sách chăm sóc và phát huy NCT. Nghị quyết 21/NQTW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2030: Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% NCT có thể BHYT, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung./.

Theo GĐ&XH