Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT

26/09/2022 09:10 AM


Ngày 23/9/2022, tại tỉnh Lạng Sơn, BHXH Việt Nam đã phối hợp cùng Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo (Ban Tuyên giáo Trung ương) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng góp phần đưa chính sách, pháp luật BHXH, BHYT vào cuộc sống”.

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn Nguyễn Trọng Sơn khẳng định BHXH, BHYT là hai chính sách quan trọng, giữ vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội, thể hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hướng đến mục tiêu phát triển con người, thúc đẩy công bằng và tiến bộ, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Thời gian qua, công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện trên địa bàn đã từng bước được đổi mới với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, phù hợp với từng chủ thể, đặc thù vùng miền, chú trọng truyền thông trực tiếp tại cơ sở.  

Tính đến hết tháng 8/2022, toàn tỉnh có 52.424 người tham gia BHXH bắt buộc; 13.814 người tham gia BHXH tự nguyện; 684.623 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ 85,91% dân số. Công tác giải quyết các chế độ BHXH, BHYT cho người lao động kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT.

Để Hội thảo đạt hiệu quả cao, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn đề nghị các đại biểu cùng nhau phân tích, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tham mưu, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện trên địa bàn. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động công tác tuyên truyền miệng về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trong thời gian tới, nhằm hướng đến thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.

Theo Giám đốc BHXH tỉnh Lạng Sơn Nông Thị Phương Thảo, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao BHXH tỉnh luôn xác định, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT giữ vai trò quan trọng, là “chìa khóa” để thực hiện hiệu quả phát triển người tham gia BHXH, BHYT, nhất là công tác truyền thông trực tiếp, tuyên truyền miệng. Trong 8 tháng đầu năm, BHXH tỉnh đã tổ chức 1.999 cuộc truyền thông nhóm nhỏ, trực tiếp tại các hộ gia đình, các điểm kinh doanh; 80 hội nghị truyền thông, hội nghị khách hàng với 3.857 lượt người tham dự; 02 lễ ra quân quy mô toàn tỉnh. Truyền thông trực tiếp được đánh giá là mang lại hiệu quả cao, phù hợp với tình hình thực tế.

Tại Hội thảo, đã có 9 tham luận nhằm đánh giá về những kết quả đạt được trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT cũng như nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tại tỉnh Lạng Sơn những năm qua, nhất là việc tuyên truyền, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình qua phương pháp tuyên truyền miệng, đối thoại trực tiếp.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo - Ban Tuyên giáo Trung ương Đỗ Phương Thảo khẳng định sự đóng góp tích cực của hệ thống tuyên giáo, báo cáo viên cơ sở trong công tác tuyên truyền thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, ghi nhận các ý kiến tham luận của các đại biểu.

Trong thời gian tới, để công tác tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT được đổi mới hơn nữa, bà Thảo đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm, làm tốt vai trò tham mưu, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho lực lượng làm công tác tuyên truyền. Các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH tỉnh trong công tác tuyên truyền. Ngành Tuyên giáo nói chung, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở nói riêng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, đổi mới cả nội dung, hình thức, phương pháp để người dân nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về ý nghĩa, giá trị, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT, từ đó tích cực, tự giác tham gia để được chăm sóc sức khỏe, ổn định cuộc sống khi về già./.

Phạm Linh