Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT

18/08/2022 02:55 PM


Là yêu cầu của Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường tại buổi làm việc với Trung tâm Truyền thông sáng 18/8/2022.

Tham dự buổi làm việc có Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh; Chánh Văn phòng Hội đồng quản lý BHXH Chu Minh Tộ; cùng Lãnh đạo, Trưởng, Phó phòng các phòng trực thuộc Trung tâm Truyền thông, Văn phòng Hội đồng quản lý BHXH.

Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT.

Công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT đúng, trúng và đi trước một bước

Báo cáo tại buổi làm việc, thay mặt Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam) Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Nguyễn Hòa Bình cho biết, công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT đã bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHTN, BHYT; tinh thần chỉ đạo của Lãnh đạo Ngành BHXH Việt Nam. Các thông tin được thực hiện đảm bảo đúng định hướng, trọng tâm, trọng điểm theo từng thời kỳ, theo chủ đề, chủ điểm. Xác định truyền thông phải đúng, trúng và đi trước một bước, thời gian qua, các hình thức, phương pháp truyền thông chính sách BHXH, BHTN, BHYT tiếp tục được đổi mới, đa dạng, linh hoạt; được triển khai đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện trên các ứng dụng internet; bảo đảm người dân có thể tiếp cận kịp thời, dễ dàng mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT.

Công tác truyền thông đã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật BHXH, BHTN, BHYT của người lao động, người sử dụng lao động; nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ việc đóng BHXH, BHTN, BHYT không chỉ là nghĩa vụ mà còn là yếu tố quan trọng để nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Trong năm 2021 và 7 tháng đầu năm 2022, công tác truyền thông được triển khai sâu rộng, hiệu quả đã tạo sự đồng thuận trong việc xây dựng và thực hiện chính sách BHXH, BHYT; ngày càng gắn với công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT; đồng thời, là kênh hữu hiệu để tiếp nhận những thông tin phản hồi của các chủ thể tham gia BHXH, BHYT về hiệu quả thực thi chính sách, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đề xuất những giải pháp điều chỉnh, xây dựng chính sách ngày càng hoàn thiện.

Tháo gỡ khó khăn vướng mắc

Về những khó khăn, vướng mắc, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHTN, BHYT là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, tuy nhiên, tại một số nơi, một số thời điểm, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa có sự chỉ đạo toàn diện, quyết liệt cho nên hiệu quả tuyên truyền BHXH, BHTN, BHYT chưa sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và tầng lớp Nhân dân.

Việc tổ chức các hình thức truyền thông trực tiếp với số lượng người tham gia đông gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19, vì vậy phải chuyển sang hình thức truyền thông trực tuyến dẫn đến chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Chính sách BHXH tự nguyện hiện nay chưa thực sự hấp dẫn người tham gia, đặc biệt là việc điều chỉnh tăng mức tối thiểu đóng BHXH tự nguyện từ 01/01/2022 đã ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả công tác truyền thông phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.

Trung tâm Truyền thông kiến nghị, Hội đồng quản lý BHXH tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát việc tổ chức thực hiện hiệu quả công tác truyền thông Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; Luật BHXH, Luật BHYT.

Tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác giám sát, chỉ đạo các địa phương đổi mới nội dung, hình thức truyền thông chính sách BHXH, BHTN, BHYT. Đưa công tác truyền thông vào chỉ tiêu, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền các cấp trong hoạt động giám sát để nâng cao nhận thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện chính sách tại địa phương.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách BHXH, BHYT theo hướng linh hoạt, đa dạng, đa tầng hiện đại theo tinh thần của Nghị quyết 28-NQ/TW; Nghị quyết 125 /NQ-CP của Chính phủ. Đặc biệt, có chính sách hỗ trợ người dân, nhất là người bị ảnh hưởng bởi Quyết định 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 để phát triển người tham gia BHYT hộ gia đình, từ đó, tạo điều kiện để công tác truyền thông đạt hiệu quả cao.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết, công tác truyền thông được xác định là “chìa khoá” để thực hiện hiệu quả việc phát triển người tham BHXH, BHYT, bằng chứng là ngày 21/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1676/QĐ-TTg về đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH; Ban Cán sự Đảng ban hành Nghị quyết số 96/NQ-BCS ngày 24/8/2017 về "Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông BHXH, BHYT trong tình hình mới.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh phát biểu tại buổi làm việc

Công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong thời gian qua đã được triển khai một cách chủ động, đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến cơ sở; hình thức đổi mới; số lượng đa dạng, phong phú; bước đầu hướng tới thay đổi từ truyền thông truyền thống chuyển sang truyền thông có tính tương tác cao. Cổng TTĐT BHXH Việt Nam là một trong số ít các Cổng TTĐT của Bộ, ban, ngành sử dụng đồng thời hai ngôn ngữ tiếng Việt và Tiếng Anh. Các ấn phẩm truyền thông như tờ rơi,… sử dụng ba ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc và sắp tới sẽ dịch sang tiếng Nhật Bản.

Đặc biệt, với việc tổ chức thành công các Lễ ra quân toàn quốc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đã cho thấy hiệu quả tích cực trong việc linh hoạt các giải pháp truyền thông phát triển người tham gia của Ngành. Kết quả, sau các buổi lễ ra quân, bên cạnh số lượng người tham gia BHXH, BHYT phát triển được tăng kỷ lục, thì với việc Lễ ra quân được tổ chức đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, có sự tham dự của Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; các đoàn diễu hành qua các tuyến phố, nơi đông người với các thông điệp truyền thông nêu bật được giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT đã tạo được dấu ấn vô cùng quan trọng, giúp người dân ngày càng hiểu sâu sắc hơn giá trị, lợi ích của BHXH, BHYT yên tâm, tin tưởng tham gia; góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân vào chính sách BHXH, BHYT; đồng thời cũng đã củng cố, xây dựng được hình ảnh ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của Nhân dân.

Theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành trong những tháng cuối năm rất khó khăn và thách thức, chính vì vậy, công tác truyền thông cần tiếp tục phát huy hiệu quả, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, đưa chính sách BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đi sâu vào cuộc sống. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành BHXH Việt Nam là một tuyên truyền viên tích cực, quyết tâm hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.

Đồng thời, Phó Tổng Giám đốc cũng đề nghị, Hội đồng quản lý BHXH tiếp tục quan tâm, huy động sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành và địa phương để công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT ngày càng được triển khai hiệu quả.

Tiếp tục đổi mới các hoạt động truyền thông chính sách BHXH, BHYT trong bối cảnh số hóa

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH Nguyễn Văn Cường đánh giá cao những nỗ lực, sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Trung tâm Truyền thông trong việc triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Việc chủ động nắm bắt, đi trước, đón đầu đã phát huy tối đa hiệu quả trong công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT.

Phát huy những kết quả nổi bật, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý BHXH yêu cầu Trung tâm Truyền thông tiếp tục đổi mới các hoạt động truyền thông trong bối cảnh số hóa. Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Thời gian qua, sau đại dịch Covid 19, tận dụng nền tảng số, tiếp xúc phổ cập và cá nhân hoá các dịch vụ đã tạo ra cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, bình đẳng và nhân văn rộng khắp “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo đó, Trung tâm Truyền thông cần thích ứng với xu hướng, có sự bứt phá trong triển khai thực hiện các chương trình phối hợp truyền thông với các Bộ, ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương. Các hoạt động phối hợp truyền thông đảm bảo phù hợp với từng nhóm chủ thể tham gia; chú trọng truyền thông về những câu chuyện, con người thực tế trong đời sống hàng ngày để làm nổi bật lên giá trị, lợi ích khi tham gia BHXH, BHTN, BHYT. Nội dung tuyên truyền cần đảm bảo kịp thời, chính xác, ngắn gọn, rõ ràng, ngôn ngữ biểu đạt phù hợp với nhận thức của người dân mang lại hiệu quả thiết thực và phù hợp. Đồng thời, hằng năm phải có đánh giá kết quả trong công tác phối hợp truyền thông chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Với nền tảng sẵn có thực hiện phát triển kênh truyền hình riêng về chính sách an sinh xã hội của ngành BHXH … Phân loại các nhóm đối tượng trong truyền thông để khai thác triệt để nền tảng công nghệ số quốc gia trong thời gian tới... Tận dụng tối đa lợi ích của cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam và các kênh truyền thông mạng xã hội của Ngành (Fanpage, Zalo BHXH Việt Nam) để đa dạng hóa các hình thức truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên môi trường mạng xã hội (video đồ họa, infographic, motion graphic…).

Đặc biệt, các hình thức truyền thông được triển khai đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm dân cư, văn hóa vùng miền tại địa phương; chú trọng triển khai các hình thức truyền thông trực tuyến trên môi trường Internet, truyền thông nhóm nhỏ, truyền thông trên hệ thống truyền thanh cơ sở về các nội dung đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia; nhận thức đầy đủ, sâu sắc tính nhân văn của chính sách an sinh xã hội chia sẻ, bù đắp; ý nghĩa, giá trị của việc hưởng lương hưu hằng tháng, những thiệt thòi khi người lao động lựa chọn nhận BHXH một lần; lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; những nội dung về BHXH, BHTN, BHYT được dư luận xã hội quan tâm; đấu tranh, phản bác những quan điểm, luận điểm sai trái, xuyên tạc về việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH, BHTN, BHYT…

Truyền thông mạnh mẽ để kêu gọi các tổ chức, các mạnh thường quân về gói hỗ trợ mua thẻ BHYT cho đồng bào thiểu số, người nghèo ...

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông đảm bảo thống nhất, hiệu quả tổ chức thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW; Nghị quyết số 20-NQ/TW; Quyết định số 659/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác BHXH, BHYT; cùng toàn thể ngành BHXH hoàn thành mục tiêu cụ thể về phát triển người tham gia BHXH, BHYT giai đoạn từ nay đến năm 2025 và giai đoạn đến năm 2030 và tiếp theo. Nhằm tăng nhanh diện bao phủ người tham gia BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân và đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHXH. Truyền thông mạnh mẽ hơn nữa ứng dụng VssID - BHXH với nhiều tiện ích, tạo thuận lợi cho người tham gia BHXH, BHYT trong thời gian tới. Xây dựng mạng xã hội an sinh của Ngành BHXH Việt Nam; phối hợp với các đơn vị liên quan phát triển kênh truyền hình an sinh để chủ động trong việc truyền thông chính sách BHXH, BHYT; Đa dạng hóa các hình thức truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên môi trường mạng xã hội (video đồ họa, infographic, motion graphic…). …

Trung tâm Truyền thông tiếp tục chủ động xây dựng và trình Lãnh đạo Ngành ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai hiệu quả các hoạt truyền thông chính sách BHXH, BHTN, BHYT trong những tháng cuối năm 2022; chú trọng truyền thông về các nội dung dự kiến đề xuất sửa đổi trong Luật BHXH, Luật BHYT và các Luật khác; tăng cường thông tin về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là về chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình để tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia.

Thực hiện công tác nghiên cứu, khảo sát, thăm dò ý kiến của các tầng lớp Nhân dân nhằm đưa ra các giải pháp truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN thiết thực, hiệu quả và phù hợp.

Trong quá trình triển khai, thực hiện tại địa phương, cần nêu gương các cá nhân, tập thể đã có mô hình, cách làm hay trong lĩnh vực truyền thông chính sách BHXH, BHYT để lan tỏa và nhân rộng toàn quốc.

Toàn cảnh buổi làm việc

Thay mặt Hội đồng quản lý BHXH, Phó Chủ tịch chuyên trách Nguyễn Văn Cường ghi nhận các đề xuất, kiến nghị tại cuộc làm việc; đồng thời, chỉ đạo Văn phòng Hội đồng quản lý BHXH tổng hợp các ý kiến tại Buổi làm việc đưa vào nội dung Báo cáo tại phần thảo luận trình Hội đồng quản lý BHXH trong kỳ họp quý III năm 2022 để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách và kiến nghị, đề xuất trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ gửi các Thành viên Hội đồng quản lý BHXH tại Kỳ họp tới xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc gửi cơ quan chức năng liên quan xem xét giải quyết.

Tiếp thu ý kiến của Hội đồng quản lý BHXH, Lãnh đạo Ngành BHXH Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Truyền thông trân trọng cảm ơn những chỉ đạo thiết thực của Phó Chủ tịch chuyên trách Nguyễn Văn Cường, Phó Tổng Giám Đào Việt Ánh. Với tinh thần cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến chỉ đạo, trong thời gian tới, Trung tâm Truyền thông sẽ tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới công tác truyền thông để chính sách BHXH, BHYT ngày càng đi vào cuộc sống./.