Đổi mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước ngành BHXH

20/06/2017 09:02 AM


BHXH Việt Nam vừa có Công văn số 2368/BHXH-TĐKT gửi các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua- khen thưởng (TĐKT) theo Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị.

Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ IV ngành BHXH.

Công văn nêu rõ, sau 3 năm thực hiện Hướng dẫn số 423/HD-BHXH của BHXH Việt Nam, công tác TĐKT của Ngành đã có chuyển biến tích cực, từng bước đổi mới về nội dung và hình thức. Công tác khen thưởng bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật và của Ngành, bám sát thực tiễn; từ đó động viên, tôn vinh các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, phong trào thi đua trong Ngành phát triển chưa đồng đều, chưa liên tục, nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao; việc khen thưởng có nơi còn thiếu chính xác, chưa kịp thời, khen thưởng cho NLĐ trực tiếp còn ít; chưa chú trọng công tác tuyên truyền… làm hạn chế động lực phấn đấu của tập thể và cá nhân.

Để đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và trong công tác khen thưởng, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam nghiêm túc thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau:

Một là, các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu và Hội đồng TĐKT của cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm trong thực hiện công tác TĐKT theo nội dung tại Hướng dẫn số 423/HD-BHXH đã ban hành.

Hai là, các đơn vị thực hiện đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng: Tập trung về cơ sở, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm về thực hiện chính sách BHXH, BHYT; phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; công tác thu, chi, quản lý quỹ BHXH, BHYT và cải cách TTHC… để tổ chức phát động thi đua thường xuyên, thi đua theo đợt (theo chuyên đề) với mục tiêu thi đua rõ ràng; xây dựng tiêu chí đánh giá kết quả thi đua cụ thể và có kế hoạch triển khai hiệu quả, tránh hình thức. Bên cạnh đó, cần thường xuyên thực hiện việc đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu thi đua theo tháng, quý; kịp thời lựa họn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức, chỉ đạo các phong trào thi đua. Các phòng chuyên môn nghiệp vụ cần quan tâm tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến được trao đổi kinh nghiệm; đồng thời tuyên truyền nêu gương, tạo sự lan tỏa trong cơ quan, đơn vị và trong Ngành. Gắn các phong trào thi đua trong Ngành với thực hiện “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ba là, đổi mới công tác khen thưởng bảo đảm tính chính xác, công khai, minh bạch và kịp thời; định kỳ hằng quý tiến hành rà soát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân sáng tạo trong công tác, lập thành tích xuất sắc đem lại hiệu quả thiết thực; từ đó phổ biến và nhân rộng trong Ngành. Trong đó, chú trọng khen thưởng tập thể, NLĐ trực tiếp và nơi có nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

Bốn là, tăng cường tuyên truyền, biểu dương tôn vinh các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tại cơ sở, đơn vị trong toàn Ngành; đẩy mạnh thực hiện các chương trinh, kế hoạch của BHXH Việt Nam về “giới thiệu, phổ biến nhân rộng gương điển hình tiên tiến” và “kế hoạch xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến giai đoạn 2016-2020”…

Năm là, đẩy mạnh cải cách TTHC, hệ thống hóa quy trình, thủ tục hồ sơ và ứng dụng CNTT trong công tác TĐKT.

PV