BHXH Việt Nam: Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách

01/10/2024 09:48 AM


Trong quý III/2024, BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện rà soát, đơn giản, điều chỉnh và bổ sung các dịch vụ công (DVC trực tuyến) trên phần mềm Giao dịch điện tử, Cổng DVC quốc gia, giúp người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT ngày càng thuận lợi, nhanh chóng.

BHXH Việt Nam tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách

BHXH Việt Nam vừa có báo cáo số 3393/BC-BHXH ngày 30/9/2024, gửi Văn phòng Chính phủ về công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông và thực hiện TTHC trên môi trường điện tử Quý III năm 2024.

Theo đó, BHXH Việt Nam đã thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế một số nội dung tại 3 TTHC lĩnh vực thực hiện chính sách BHYT. BHXH Việt Nam đã thực hiện tích hợp bổ sung thêm 9 DVC trực tuyến của BHXH Việt Nam trên Cổng DVC quốc gia gồm: (1) Ủy quyền lĩnh thay các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp; (2) Truy lĩnh lương hưu, trợ cấp BHXH của người hưởng đã chết nhưng còn chế độ chưa nhận; (3) Giải quyết điều chỉnh, hủy quyết định, chấm dứt hưởng BHXH; (4) Giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động do thương tật tái phát; (5) Giải quyết hưởng chế độ tử tuất đối với người đang tham gia BHXH tự nguyện, bảo lưu thời gian đóng BHXH chết; (6) Giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng đối với người có Quyết định hoặc Giấy chứng nhận chờ đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu hoặc hưởng trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP; (7) Giải quyết hưởng trợ cấp đối với nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp, chưa được giải quyết chế độ mà từ trần từ ngày 01/01/2012 trở về sau theo Nghị định số 14/2020/NĐ-CP; (8) Giải quyết hưởng BHXH một lần đối với trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc chưa đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc đối với trường hợp lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; (9) Giải quyết hưởng BHXH một lần đối với người lao động ra nước ngoài để định cư. Tính đến thời điểm hiện tại, BHXH Việt Nam đã tích hợp, cung cấp 37 DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tiếp tục triển khai tốt các DVC theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06), gồm: (1) Liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 06 tuổi; (2) Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí.

Trên ứng dụng VssID-BHXH số, BHXH tiếp tục cung cấp 7 DVC trực tuyến dành cho cá nhân; phối hợp với Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Cục C06) - Bộ Công an thực hiện điều chỉnh, nâng cấp ứng dụng VssID đáp ứng yêu cầu kết nối, tích hợp tài khoản định danh điện tử (tài khoản VNeID) với ứng dụng VssID (đăng nhập ứng dụng VssID bằng tài khoản VNeID).

BHXH Việt Nam cũng tiếp tục thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích người hưởng chuyển đổi từ phương thức nhận các chế độ bằng tiền mặt sang hình thức không dùng tiền mặt. Đặc biệt, cơ quan BHXH đã phối hợp với cơ quan công an tại địa phương, xuống tận cơ sở, từng nhà người dân để tiếp cận, vận động, tuyên truyền, khuyến khích người hưởng mở, đăng ký nhận chế độ qua tài khoản cá nhân; rà soát, xác thực tình trạng của người hưởng tại nơi cư trú… Nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ người hưởng nhận chế độ BHXH hằng tháng qua tài khoản cá nhân cao như: Hà Tĩnh (99%), Hà Nội (98%), Bắc Ninh (93%), Bình Dương (91%), TP. Hồ Chí Minh (79%),...

Phạm Chính