BHXH Việt Nam làm việc với Sở Y tế, BHXH TP.Hồ Chí Minh và một số cơ sở khám bệnh

07/06/2024 03:45 PM


Sáng 7/6, BHXH Việt Nam tổ chức buổi làm việc với Sở Y tế, BHXH TP.Hồ Chí Minh và một số cơ sở y tế trên địa bàn về công tác phối hợp quản lý chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT trên địa bàn Thành phố. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa chủ trì buổi làm việc.

Tham dự Hội nghị có: Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam; lãnh đạo Sở Y tế, BHXH TP.Hồ Chí Minh và 19 cơ sở KCB BHYT.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa cho biết, việc kiểm soát chi phí KCB BHYT là nhằm hạn chế những chỉ định quá mức cần thiết, bất hợp lý, thực hành tiết kiệm chống lãng phí quỹ BHYT, tập trung nguồn lực điều trị cho những người bệnh nặng, mạn tính. Đây là định hướng xuyên suốt trong toàn Ngành, đảm bảo kiểm soát khoa học, minh bạch, công khai và nhân văn.

Tại Hội nghị, BHXH TP.Hồ Chí Minh đã báo cáo về tình hình khám chữa bệnh BHYT 5 tháng đầu năm 2024. Theo đó, BHXH TP.Hồ Chí Minh đã tích cực vào cuộc, tăng cường công tác cảnh báo, làm việc với các cơ sở y tế; nhận diện được nhiều yếu tố rủi ro, bất hợp lý, lãng phí để tập trung đánh giá, kiểm soát…

Theo đó, BHXH TP.Hồ Chí Minh đã thực hiện các giải pháp: Phối hợp với Sở Y Tế thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí KCB BHYT trên địa bàn; Công văn số 1040/BHXH-GĐĐT ngày 17/4/2024 của BHXH Việt Nam về việc hướng dẫn cảnh báo các chi phí KCB BHYT tăng cao theo quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP.

Cụ thể, gửi văn bản thông báo số dự kiến chi cho từng đơn vị; văn bản thông báo các cơ sở KCB có chỉ số gia tăng trong quý 1/2024, tháng 4 và đề nghị điều chỉnh chi phí KCB bất hợp lý; Có các văn bản thông báo so sánh giá thuốc, VTYT để cơ sở KCB thương thảo với đơn vị cung cấp giảm giá; Tổ chức họp riêng với trên 40 cơ sở KCB có chi phí tăng cao được BHXH Thành phố cảnh báo, yêu cầu các cơ sở KCB chủ động phân tích nguyên nhân và điều chỉnh các nguyên nhân chủ quan gây gia tăng chi phí KCB; Sau cuộc họp, Sở Y tế đã có CV số 4164/SYT-KHTC gửi các cơ sở KCB yêu cầu chấn chỉnh các nội dung trên.

Tại buổi làm việc, đại diện các cơ sở KCB, BHXH TP.Hồ Chí Minh, Sở Y Tế đã trao đổi, thảo luận, đề xuất  nhiều giải pháp để việc quản lý chi phí BHYT đạt hiệu quả. Các thành viên Đoàn công tác BHXH Việt Nam cũng nêu rõ những vướng mắc về việc kiểm soát chi phí KCB BHYT, đồng thời lưu ý các giải pháp cần thực hiện.

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa đề nghị: Sở Y tế phối hợp BHXH TP.Hồ Chí Minh trong việc thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố về tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí KCB BHYT trên địa bàn; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT tại các cơ sở KCB (Đăng ký hành nghề; Điều kiện cung cấp dịch vụ KCB BHYT; sử dụng quỹ KCB BHYT; đảm bảo quyền lợi người bệnh); phối hợp chỉ đạo các cơ sở KCB kịp thời điều chỉnh các chỉ số KCB tăng cao không hợp lý; sử dụng hiệu quả chi phí KCB; tiếp tục tham gia các buổi làm việc với cơ sở y tế có chỉ số KCB tăng cao;

BHXH TP.Hồ Chí Minh: Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ sở KCB; rà soát, phát hiện các bất thường được cảnh báo trên Hệ thống giám định/giám sát BHYT; gửi thông tin cảnh báo kịp thời cho cơ sở KCB BHYT về các chi phí KCB BHYT tăng cao so với mức chi phí bình quân của cơ sở KCB cùng hạng, cùng tuyến, cùng chuyên khoa; gửi thông tin so sánh giá thuốc, VTYT để cơ sở KCB lựa chọn.

Các cơ sở KCB BHYT: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND Thành phố; Bộ Y tế, Sở Y tế về hành nghề KCB BHYT; điều kiện cung cấp dịch vụ KCB BHYT; sử dụng quỹ KCB BHYT; đảm bảo quyền lợi người bệnh; tích cực chuẩn hóa dữ liệu và điều chỉnh các chi phí chưa hợp lý đã được cơ quan BHXH thông báo; tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của nhân viên y tế trong quản lý sử dụng quỹ KCB BHYT theo quy định của pháp luật./.

Trần Phi (BHXH TP.HCM)