Toàn Ngành BHXH Việt Nam nỗ lực, có nhiều đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội cho người dân

20/05/2024 04:53 PM


Sáng ngày 20/5/2024, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tại Kỳ họp, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Báo cáo nhấn mạnh, tình hình kinh tế- xã hội nước ta thời gian qua tiếp tục phục hồi, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra; công tác an sinh xã hội được đảm bảo.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trao đổi với người dân về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT của Ngành

Là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng thực hiện chính sách BHXH, BHYT (2 trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội), năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, toàn ngành BHXH Việt Nam tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, không ngừng nỗ lực, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần vào kết quả chung cả nước.

Tăng nhanh, bền vững độ bao phủ BHXH, BHYT

Thời gian qua, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, Ngành BHXH Việt Nam đã chủ động bám sát Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch, phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT; thực hiện có hiệu quả, quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao như độ bao phủ BHXH, BHYT. Cùng với sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, thống nhất, linh hoạt, sáng tạo, sát sao, kịp thời của Lãnh đạo Ngành, toàn Ngành BHXH Việt Nam đã thống nhất, xác định rõ quan điểm chỉ đạo xuyên suốt "lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", với phương châm hành động trong toàn Ngành "Đoàn kết, kỷ cương, linh hoạt, sáng tạo, chuyên nghiệp, hiệu quả"; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Ngành để nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHTN, BHYT trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người tham gia ngày càng toàn diện.

Mục tiêu mà Ngành luôn đặt ra để nỗ lực thực hiện, phấn đấu là hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT tăng trưởng bền vững; vượt số thu và số tiền chậm đóng giảm sâu nhất từ trước đến nay. Với phương châm “hoàn thành chỉ tiêu độ bao phủ BHXH, BHTN, BHYT; giảm số tiền chậm đóng vừa là nhiệm vụ chính trị vừa là trách nhiệm của ngành BHXH Việt Nam Đảng, Nhà nước và người dân”. Số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN được duy trì và tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước và luôn hoàn thành, vượt chỉ tiêu được giao tại các Nghị quyết của Đảng.

Độ bao phủ BHXH, BHYT ngày càng tăng nhanh, bền vững, đảm bảo quyền lợi người tham gia

Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ người tham gia BHXH của cả nước đạt khoảng 39,25% so với lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi với 18,259 triệu người, (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ), trong đó khoảng 3,92% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện với gần 1,83 triệu người (vượt 1,42% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết 28-NQ/TW của BCH Trung ương). Tỷ lệ người tham gia BHTN đạt 31,58% LLLĐ trong độ tuổi với 14,693 triệu người (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ).

Đặc biệt, tỷ lệ người tham gia BHYT phát triển bền vững hằng năm và tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân: năm 2021 tỷ lệ bao phủ BHYT là 91,01% dân số (vượt 0,01%); năm 2022 là 92,04% (vượt 0,04%); năm 2023 đạt 93,35% (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ) với trên 93,307 triệu người tham gia.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, toàn Ngành BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện đồng bộ, tăng cường các giải pháp, đảm bảo số người tham gia BHXH, BHYT, BHYT tiếp tục tăng trưởng. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 1,56% so với cùng cùng kỳ năm 2023; số người tham gia BHXH tự nguyện tăng 3,71% so với cùng kỳ năm 2023; số người tham gia BHTN tăng 1,74% so với cùng kỳ năm 2023; số người tham gia BHYT tăng 0,02% so với cùng kì năm 2023.

Việc giữ vững tốc độ tăng trưởng BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt tỷ lệ người tham gia BHYT phát triển bền vững trong điều kiện khó khăn, một lần nữa khẳng định sự kiên định, quyết tâm, nỗ lực hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của toàn ngành BHXH Việt Nam khi vừa giữ vững kết quả đã đạt được, vừa thực hiện có hiệu quả lộ trình BHXH, BHYT toàn dân với chỉ tiêu nhiệm vụ năm sau luôn cao hơn năm trước, để “về đích” sớm nhất có thể theo các mục tiêu Nghị quyết của Đảng và Chính phủ.

Đảm bảo tốt quyền lợi người tham gia

Với nền tảng độ bao phủ BHXH, BHYT, BHTN không ngừng mở rộng, toàn ngành BHXH Việt Nam tiếp tục quyết liệt chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, đổi mới tác phong làm việc theo hướng phục vụ; đảm bảo quyền lợi tối đa cho người tham gia theo Luật định. Qua đó, góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, nhất là với người lao động bị mất việc làm, thu nhập; cũng như phục vụ kịp thời các hoạt động khám chữa bệnh (khám chữa bệnh), chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Kết quả, trong năm 2023, toàn Ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời: 95.670 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 8.849.210 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết 1.050.028 người hưởng trợ cấp thất nghiệp, 19.185 người hưởng hỗ trợ học nghề. Năm 2023, cả nước có hơn 174,8 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng trên 23,4 triệu lượt khám chữa bệnh so với năm 2022; số chi khám chữa bệnh BHYT khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng. Nhờ tham gia BHYT, nhiều người dân được quỹ BHYT chi trả số tiền khám chữa bệnh lên tới hàng tỷ đồng.

BHXH Việt Nam luôn chủ động phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ ban hành các Nghị quyết nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác khám chữa bệnh BHYT. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng thường xuyên quán triệt, chỉ đạo BHXH các tỉnh phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đảm bảo kịp thời nguồn kinh phí khám chữa bệnh BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh hoạt động, phục vụ quyền lợi cho người tham gia BHYT theo Luật định.

Sự chủ động, kịp thời của ngành BHXH Việt Nam trong công tác giải quyết, chi trả chế độ cho người tham gia thể hiện tinh thần trách nhiệm, nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ và đảm bảo an sinh xã hội; qua đó, góp phần hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người lao động, nhất là với người lao động bị mất việc làm, thu nhập, cũng như phục vụ kịp thời các hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Những kết quả đó đã được cử tri và Nhân dân đánh giá cao trong Báo cáo tóm tắt ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Công tác chuyển đổi số của Ngành mang lại nhiều lợi ích lớn cho người dân, doanh nghiệp

Người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều lợi ích từ kết quả chuyển đổi số về BHXH, BHYT

Với quyết tâm kiến tạo, phát triển ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp (DN), thời gian qua, trên cơ sở nền tảng, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) sẵn có, BHXH Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và trở thành một trong những Bộ, ngành đi đầu về xây dựng Chính phủ số. Các kết quả đạt được đã và đang phục vụ hiệu quả cho các hoạt động công tác của Ngành và đem lại rất nhiều lợi ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách.

BHXH Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong đồng bộ dữ liệu, triển khai các tiện ích lớn. Cụ thể. thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư ngay từ khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành chính thức. Tính đến ngày 30/4/2024, Hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực hơn trên 96,8 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Việc đồng bộ, xác thực thông tin định danh của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN với CSDL quốc gia về dân cư giúp chuẩn hóa dữ liệu giữa 2 CSDL quốc gia (dân cư và bảo hiểm), nâng cao tính chính xác của thông tin, dữ liệu. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai cung cấp các dịch vụ, tiện ích cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên nền CSDL quốc gia về dân cư.

Theo đó, các quy trình, thủ tục, giấy tờ về BHXH, BHYT ngày càng rút gọn; nâng cao tính chính xác, chi trả đúng người, đúng chế độ. Người dân, doanh nghiệp có thể đăng ký, tham gia, thụ hưởng các chế độ không bị giới hạn về không gian, thời gian, thời tiết và tình trạng sức khỏe; tiết kiệm chi phí đi lại.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm không dùng tiền mặt. Đến nay, có khoảng 64% số người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị, tăng khoảng 3% so với năm 2022. Ngày 22/3/2024, BHXH Việt Nam và Bộ Công an đã thống nhất ban hành quy trình phối hợp triển khai thực hiện phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư nhằm vận động, tuyên truyền người dân nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, kết hợp xác minh, làm sạch dữ liệu người hưởng.

Cùng với lợi ích mang tới cho người dân, doanh nghiệp, việc triển khai công tác chuyển đổi số, Đề án 06, toàn bộ hệ thống phần mềm ứng dụng, dữ liệu được BHXH Việt Nam được quản lý, vận hành tập trung tại Trung tâm dữ liệu của Ngành đảm bảo đồng bộ, mang lại lợi ích lớn trong công tác quản lý, đảm bảo công khai minh bạch, phòng chống rủi ro.

Có thể nói, với việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp trong ứng dụng CNTT, đẩy mạnh việc chuyển đổi số, đã tối ưu hóa việc sử dụng, khai thác CSDL của Ngành để phục vụ người dân, DN; giải quyết, chi trả chế độ, chính sách kịp thời, nhanh chóng, chính xác; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ, phòng chống gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT…

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh lắng nghe tâm tư của người lao động trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT

Kịp thời giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và Nhân dân

Với số người tham gia BHXH, BHYT, BHYT tiến tới bao phủ toàn dân nên đối tượng phục vụ của ngành BHXH Việt Nam là rất lớn. Vì thế công tác tiếp nhận, giải đáp, trả lời ý kiến của cử tri, Nhân dân luôn là nhiệm vụ quan trọng, được Ngành đặc biệt quan tâm.

Hiện nay, BHXH Việt Nam đã đa dạng hóa các kênh trong tiếp nhận ý kiến của cử tri, người tham gia, thụ hưởng chính sách qua: Hệ thống tiếp nhận Phản ánh - kiến nghị của Văn phòng Chính phủ; Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam với một chuyên mục riêng về Phản ánh - kiến nghị; qua Tổng đài Hỗ trợ và chăm sóc khách hàng 1900 9068; Tiếp công dân định kỳ; hộp thư điện tử của BHXH Việt Nam, trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook… BHXH Việt Nam cũng tổ chức các Chương trình đối thoại về chính sách BHXH, BHYT trên các cơ quan thông tấn, báo chí và Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam để tiếp nhận và trả lời các kiến nghị, góp ý.

BHXH Việt Nam cũng tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị qua các cơ quan báo chí gửi tới. Hằng năm, qua các kênh này, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và trả lời, giải đáp kịp thời hàng nghìn câu hỏi, kiến nghị của người dân, người lao động.

Về các câu hỏi, ý kiến của cử tri liên quan đến Ngành trước các kỳ họp Quốc hội, BHXH Việt Nam luôn nghiêm túc, trách nhiệm, kịp thời trả lời bằng văn bản, giải quyết trong thẩm quyền.

Đơn cử, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận 15 kiến nghị của cử tri. Trong đó có 6 kiến nghị không thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam. Đối với 9/15 kiến nghị thuộc thẩm quyền, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, BHXH Việt Nam đã thực hiện trả lời, giải quyết đúng thời hạn theo quy định. Qua đó, đã kịp thời giải đáp các đề xuất, kiến nghị của cử tri trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, được cử tri và Nhân dân đồng tính, đánh giá cao./.

Box:

Thống kê của BHXH Việt Nam, tính riêng từ năm 2023 đến hết tháng 4/2024, trường hợp được chi trả cao nhất là một bệnh nhân nhi (sinh năm 2019, Kinh Môn, Hải Dương) với chi phí hơn 4,465 tỷ đồng, với chẩn đoán bệnh chính là “Tăng huyết áp, Đái tháo đường type, Suy thận”. Trường hợp cao thứ 2 lên tới 4,372 tỷ đồng là bệnh nhân sinh năm 2018, trú tại TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, được chẩn đoán bệnh chính là “Thiếu yếu tố VIII di truyền”. Bên cạnh đó, còn có 6 bệnh nhân BHYT đã được Quỹ BHYT chi trả trên 3 tỷ đồng trong năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024. Đó là bệnh nhân nhi sinh năm 2018 (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) với chẩn đoán bệnh chính là Bệnh tích lũy glycogen; bệnh nhân sinh năm 2018 (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), chẩn đoán bệnh chính là Hội chứng loạn sản tuỷ xương, Bệnh bạch cầu cấp loại tế bào không xác định; bệnh nhân sinh năm 2019 (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) với chẩn đoán bệnh chính là Bệnh tích luỹ glycogen”; bệnh nhân sinh năm 2021 (huyện Ba Vì, TP.Hà Nội), chẩn đoán bệnh chính là Bệnh tích lũy glycogen; bệnh nhân sinh năm 2020 (quận 12, TP.HCM) được chẩn đoán bệnh chính là Bệnh tích lũy glycogen; bệnh nhân sinh năm 2021 (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) với chẩn đoán bệnh chính là Bệnh tích lũy glycogen. Thống kê cũng cho thấy nhiều bệnh nhân đã và đang được quỹ BHYT chi trả mức phí hàng tỷ đồng như bệnh nhân sinh năm 2020 (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), chẩn đoán bệnh chính là Bệnh tích lũy glycogen, được chi trả chi phí KCB BHYT 2,676 tỷ đồng; bệnh nhân sinh năm 2022 (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), chẩn đoán bệnh chính là Bệnh tích lũy glycogen được quỹ BHYT chi trả hơn 2,534 tỷ đồng…

Phạm Chính