Nghệ An: Đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT

01/03/2024 08:05 AM


Xác định công tác thu, giảm tiền chậm đóng BHXH, BHYT là nhiệm vụ hàng đầu để chính sách BHXH ngày càng bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, thời gian qua, BHXH tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp mang tính đột phá.

Ảnh minh hoạ

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An gặp khó khăn đã tác động không nhỏ tới việc thu các loại bảo hiểm. BHXH tỉnh Nghệ An đã chủ động triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt, thu vượt mức các chỉ tiêu BHXH, BHYT cấp trên giao.

Theo đó, ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước và thu các loại bảo hiểm trên địa bàn; đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT vào chỉ tiêu kinh tế, xã hội hằng năm của tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo BHXH cấp huyện tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành chỉ thị về thu BHXH, BHYT trên địa bàn.

Thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở và cơ bản Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp làm trưởng ban… Bên cạnh đó, BHXH tỉnh phối hợp một số cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Cục Thuế, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc tỉnh… tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT và các vấn đề liên quan khác.

Là một trong những đơn vị đạt kết quả tốt trong năm 2023, Giám đốc BHXH thị xã Thái Hòa Vương Đình Nhất cho biết, xác định sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp là một trong những yếu tố then chốt, quyết định đến hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho người lao động và nhân dân, nên đơn vị đã tham mưu Thị ủy, Ủy ban nhân dân thị xã ra chỉ thị, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã, phường. Kết quả thực hiện được xem là một tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương. Cùng với đó, chủ động gửi danh sách các đơn vị nợ và tham mưu Ban Thường vụ Thị ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã chỉ đạo các xã, phường, các phòng chuyên môn đôn đốc thu, giảm nợ BHXH, BHYT trên địa bàn. Ngoài ra, làm việc trực tiếp với các đơn vị nợ tại trụ sở cơ quan cùng các giải pháp đôn đốc thu và giảm nợ... Nhờ đó, số thu trên địa bàn năm 2023 đạt 101,74% kế hoạch giao, tăng 12,34% so với năm 2022; số tiền chậm đóng chiếm 0,72% số phải thu, thấp hơn kế hoạch được giao…

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An Lê Viết Thức cho biết: Với sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt ngay từ đầu năm, BHXH tỉnh đã ban hành các kịch bản, giao cụ thể cho từng cơ quan bBHXH cấp huyện về phát triển người tham gia , số thu, số nợ theo từng tháng cùng giải pháp thực hiện để đạt được mục tiêu đề ra. Kết quả đạt được làm cơ sở đánh giá xếp loại đối với cá nhân và những đơn vị.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tổ chức đối thoại, tư vấn những vấn đề liên quan trong lĩnh vực BHXH, BHYT cho hàng nghìn doanh nghiệp cùng người lao động. Trong năm 2023, đơn vị đã phối hợp ngành Thuế, Công an, Lao động-Thương binh vã Xã hội… tổ chức hội nghị với 751 đơn vị sử dụng lao động chưa tham gia hay tham gia chưa đầy đủ cho người lao động để tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đối tượng đóng, mức đóng, phương thức đóng, trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động, người lao động, các hành vi vi phạm pháp luật liên quan…

Đơn vị đã phối hợp, rà soát doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, nhưng chưa tham gia BHXH, BHYT để có giải pháp đưa người lao động vào tham gia. Qua rà soát, phát hiện 6.528 lao động thuộc đối tượng tham gia và đã đưa được 5.865 lao động tham gia BHHX. Hằng tháng, đơn vị phối hợp với Đảng ủy Khối Doanh nghiệp cung cấp số lao động, số tiền nợ, số tháng nợ của các đơn vị sử dụng lao động có cơ sở đảng thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp để làm căn cứ xếp loại…

Trong năm 2023, BHXH Nghệ An đã gửi gần 36 nghìn lượt thông báo nợ đến các đơn vị sử dụng lao động; mời 2.425 đơn vị trực tiếp cơ quan BHXH để tuyên truyền, đôn đốc nộp tiền các loại bảo hiểm cho người lao động, thu được 42,8 tỷ đồng; tổ chức làm việc trực tiếp tại 7.967 đơn vị để đôn đốc thu và thu nợ được hơn 99,5 tỷ đồng.

Linh hoạt xử lý các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT

Trưởng phòng Quản lý Thu-Sổ, thẻ Bảo hiểm xã hội tỉnh Nghệ An Hoàng Quang Phúc cho biết: BHXH tỉnh đã tiến hành phân loại đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN. Đối với loại hình doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nợ dưới hai tháng sẽ giao cho cán bộ chuyên quản trực tiếp xuống đơn vị lập biên bản làm việc, đôn đốc.

Đối với các đơn vị nợ từ hai tháng đến sáu tháng, BHXH cấp huyện mời lên làm việc tại trụ sở để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; đồng thời đôn đốc, hướng dẫn đơn vị đóng nộp theo quy định. Đối với các đơn vị có số tháng chậm đóng lớn, hoặc khi đã mời lên làm việc mà không lên, hoặc không thực hiện đúng cam kết khắc phục số tiền chậm đóng, cơ quan BHXH sẽ tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất theo quy định.

Các đơn vị không chấp hành kết luận thanh tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan BHXH sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an. Tuy nhiên, qua làm việc trực tiếp với đơn vị, cơ quan BHXH thực hiện phân loại các đơn vị chậm đóng vì lý do làm ăn gặp khó khăn để động viên, chia sẻ và linh hoạt trong thời gian đóng bảo hiểm; hoặc có giải pháp cứng rắn hơn đối với các doanh nghiệp lợi dụng việc làm ăn khó khăn để chây ỳ đóng bảo hiểm. Hằng tháng, BHXH tỉnh đăng công khai danh sách các đơn vị nợ  trên website của mình để người lao động biết, buộc các đơn vị sử dụng lao động phải có trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động theo quy định...

Là đơn vị có hơn 800 công nhân, hằng tháng chi hơn một tỷ đồng đóng các loại bảo hiểm, thời gian qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh có lúc gặp khó khăn, nhưng Nông trường Tây Hiếu 1 vẫn luôn hoàn thành việc đóng BHXH, BHYT, BHTN. Giám đốc Nông trường Lê Đình Linh cho biết: “Được tuyên truyền về trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, chúng tôi đã cam kết “có thể nợ lương, nợ thưởng, nhưng không nợ BHXH, BHYT, BHTN”.

Giám đốc BHXH huyện Nghĩa Đàn Thái Văn Giang chia sẻ: Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu được giao, ở một số đơn vị BHXH, BHYT, BHTN không đầy đủ hoặc chậm đóng, lãnh đạo BHXH huyện nhiều lần gặp người đứng đầu doanh nghiệp để từ đó cùng nhau giải quyết vướng mắc. Đối với những doanh nghiệp nợ BHXH vì làm ăn khó khăn, thì linh động trong việc đóng  để chia sẻ cùng doanh nghiệp; với doanh nghiệp cố tình chây ỳ, thì cơ quan BHXH phối hợp đơn vị chức năng xử lý. Do đó, đến cuối năm 2023, tỷ lệ nợ trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn chỉ còn 0,68%, thấp hơn so với dự toán được giao, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022...

Hiện, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, số lượng doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ khá nhiều, những đơn vị này sản xuất manh mún, thu nhập kinh doanh không ổn định, cho nên việc thanh toán tiền lương và trích đóng các loại bảo hiểm cho người lao động không thường xuyên, kịp thời.

Bên cạnh đó, số tiền thu trên mỗi doanh nghiệp không lớn, nhưng số lượng doanh nghiệp nhiều, dẫn đến tổng số nợ tiền cao. Nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải giải thể, phá sản, ngừng hoạt động... để lại số nợ  lớn, việc xử lý số tiền nợ đọng đối với các đơn vị này hết sức khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động…

Đây là thách thức trong công tác thu trong năm 2024 của BHXH tỉnh Nghệ An. Ngày 30/1, tỉnh Nghệ An ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về việc tăng cường công tác thu ngân sách nhà nước và thu BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh năm 2024. Trong đó, tập trung đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn pháp luật về chính sách thuế,BHXH để các tổ chức, cá nhân tiếp cận chính sách kịp thời nhằm phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán năm 2024.

  • TIN BÀI LIÊN QUAN