Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045

15/10/2021 02:56 PM


Sáng ngày 15/10, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Xây dựng Đề án chiến lược ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. TS.Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Chủ nhiệm Đề án chủ trì Hội thảo với sự tham dự của các nhà khoa học, quản lý về BHXH, BHYT trong và ngoài Ngành.

Tại Hội thảo, ThS.Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học BHXH, Thư ký Đề án trình bày các nội dung cơ bản của Đề án xây dựng chiến lược ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Đề án được xây dựng tổng hợp nội dung từ 95 chuyên đề thành phần, với sự tham gia của 21 đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và 21 BHXH tỉnh, thành phố thực hiện trong suốt thời gian qua. Đề án đã làm rõ cơ sở lý luận về xây dựng và tổ chức thức hiện chiến lược; đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2020; xác định mục tiêu chiến lược, lộ trình thực hiện, các giải pháp chủ yếu, kiến nghị, đề xuất…

Các nhóm nội dung chủ yếu của Đề án tập trung vào các vấn đề như tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; phát triển người tham gia BHXH, BHYT; kiểm soát chặt chẽ, minh bạch tài chính quỹ; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư các quỹ theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ; đổi mới nội dung, phương pháp truyền thông; kiện toàn tổ chức bộ máy, cải cách chế độ công vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lược; tăng cường, mở rộng năng lực hệ thống CNTT; phát triển công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; hội nhập và hợp tác quốc tế..

Các nội dung chủ yếu được nghiên cứu, xây dựng các mục tiêu phát triển bám sát chủ trương định hướng của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHYT thể hiện rõ qua Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; các giải pháp cũng được xây dựng với căn cứ xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, nhất là các vấn đề tác động ảnh hưởng mạnh đến BHXH, BHYT như: già hóa dân số, biến đổi khí hậu, bẫy thu nhập trung bình, hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0…

Ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý trên 3 góc độ chủ yếu, theo đó, làm rõ bối cảnh, các yếu tố tác động đến chính sách và tổ chức thực hiện BHXH, BHYT; xu hướng phát triển BHXH, BHYT; góp ý chi tiết dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo Chiến lược phát triển Ngành BHXH Việt Nam dự thảo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Các ý kiến của nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ các bộ, ngành cũng đã tham gia, thảo luận sâu hơn về các mục tiêu, giải pháp được đề cập trong Đề án.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách- pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao nội dung báo cáo tổng hợp trong Đề án với khối lượng thông tin rất lớn, có giá trị thực tiễn và khoa học. Tuy nhiên, ông Quảng cũng lưu ý đến việc xây dựng mục tiêu phát triển của Đề án; theo đó, cần chú trọng đến phát triển quy mô, hiệu quả hoạt động bộ máy của ngành, đây là cơ sở nền tảng quan trọng để thực hiện và đạt mục tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

Ông Lê Tiến Đạt, đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) góp ý, chiến lược phát triển ngành BHXH cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng phục vụ, chú trọng công tác chăm sóc khách hàng. Đây là yếu tố quan trọng để tạo thuận lợi cho người tham gia cũng như cho các DN, qua đó sẽ nâng cao sự hấp dẫn của chính sách. Ông Đạt cũng nhấn mạnh đến công tác truyền thông đến NLĐ, chủ SDLĐ nên tập trung hơn, tránh dàn trải; có hình thức hợp lý hơn phù hợp với xu thế hiện nay, nhất là việc truyền thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động (smartphone)…

Phát biểu tại Hội thảo, TS.Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Chủ nhiệm Đề án Nghiên cứu xây dựng Chiến lược ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trân trọng cảm ơn và ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến góp ý từ các nhà khoa học, nhà quản lý về BHXH, BHYT. Ban chủ nhiệm Đề án sẽ tiếp tục nghiên cứu tiếp thu các ý kiến và tổng hợp, hoàn chỉnh nội dung Đề án để có được kết quả cuối cùng tốt nhất. Quá trình phía trước còn nhiều thách thức, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn mong các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và có ý kiến góp ý gửi về để Tổ thư ký tiếp tục hoàn thiện Đề án. Trên cơ sở các ý kiến, góc nhìn đánh giá đa chiều tại hội thảo, các thành viên của Ban Chủ nhiệm cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn cùng Tổ Thư ký hoàn chỉnh nội dung Đề án.

PV