BHXH TP.HCM: Phối hợp nhằm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn

25/01/2021 10:59 AM


Theo BHXH TP.HCM, năm 2020, số người tham gia BHXH bắt buộc 2.385.539 người, đạt 100% kế hoạch, (giảm 3,97% so với năm 2019); tham gia BHXH tự nguyện 56.348 người, đạt 100,91% so với kế hoạch (tăng 139,13% so với năm 2019); tham gia BH thất nghiệp 2.334.294 người, đạt 100% kế hoạch (giảm 3,94% so với năm 2019); tham gia BHYT 7.896.071 người, chưa bao gồm lực lượng vũ trang, đạt 100% kế hoạch (tăng 4,7% so với năm 2019).

Ông Phan Văn Mến Giám đốc BHXH TP.HCM cho biết, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng vượt bậc so những năm trước, để có được kết quả này, theo cơ quan BHXH TP.HCM, là nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các cơ quan BHXH quận, huyện; cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tham gia tuyên truyền để từng người dân nhận thấy được chính sách nhân văn, hướng đến cộng đồng của chính sách của BHXH tự nguyện.

Đối với trường hợp nợ BHXH, BHXH TP.HCM đã chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố hình sự tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp sang Công an TP.HCM là 76 đơn vị với số tiền trốn đóng 153,7 tỷ đồng, trong đó 59/76 đơn vị có phản hồi từ cơ quan Cảnh sát điều tra.

Sau khi 59 đơn vị làm việc với cơ quan công an thì có 3 đơn vị đã thực hiện thanh toán số tiền nợ, trốn đóng và một số đơn vị đã thực hiện thanh toán hơn 20% số tiền nợ đóng BHXH cho người lao động.

Người dân nhận chi trả  lương hưu (nguồn: Internet)

Các doanh nghiệp bị cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố là doanh nghiệp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động nhưng chưa khắc phục hậu quả lại tiếp tục vi phạm.

Theo ông Phan Văn Mến, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc truy tố hình sự đối với doanh nghiệp nợ BHXH nên các thủ tục, hồ sơ chuyển giao vẫn còn nhiều điểm khúc mắc khiến cho tiến độ giải quyết chậm. Tuy nhiên, sau nhiều lần phối hợp, các đơn vị cũng đã thống nhất được quy trình với Công an Thành phố nên trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh quá trình hoàn tất hồ sơ, thủ tục để sớm truy tố các doanh nghiệp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trong năm 2020, BHXH TP.HCM đã thực hiện kiểm tra và phối hợp thanh kiểm tra liên ngành tại 1477 đơn vị. Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã đề nghị các đơn vị lập thủ tục tham gia cho 478 lao động với số tiền 4,5 tỷ đồng, điều chỉnh mức đóng cho 209 lao động với số tiền 536 triệu đồng.

BHXH TP.HCM đã thực hiện kiểm tra và phối hợp thanh kiểm tra liên ngành tại 1.477 đơn vị. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, BHXH TP.HCM đã đề nghị các đơn vị lập thủ tục tham gia cho 478 lao động với số tiền 4,5 tỷ đồng, điều chỉnh mức đóng cho 209 lao động với số tiền 536 triệu đồng.

Các đơn vị khắc phục số tiền nợ quỹ BHXH, BHYT là 77,5/231 tỷ đồng, thu hồi về Quỹ BHYT do các cơ sở khám chữa bệnh chi sai quy định trên 7,9 tỷ đồng. Lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính đối với 61 đơn vị với số tiền xử phạt 4,7 tỷ đồng.

Người dân đến tới làm việc tại cơ quan BHXH (nguồn: Internet)

Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, cơ quan BHXH TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra. Qua đó, hiệu quả thu hồi nợ sau công tác thanh kiểm tra đạt trên 50%, góp phần tác động tích cực trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT và ổn định an sinh xã hội trên địa bàn.

Năm 2021, BHXH TP. HCM đặt mục tiêu phấn đấu số người tham gia BHXH bắt buộc là 2.612.965 người, tăng 10%; BHXH tự nguyện 75.000 người, tăng 15,38%; BHYT là 8.355.937 người, tăng 8,48% so với năm 2020. Như vậy, tỷ lệ lao động tham gia BHXH là 55,62%, tỷ lệ lao động tham gia BH thất nghiệp là 53,61%, tỷ lệ dân số tham gia BHYT từ 91,5% đến 92%.

Đồng thời, BHXH TP.HCM sẽ đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động nộp BHXH, BHYT hàng tháng bằng các hình thức đốc thu, gửi thư, mail nhắc nợ; mời các đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên đến cơ quan BHXH làm việc cam kết đóng theo quy định. Đồng thời, chuyển danh sách các đơn vị nợ sang Sở Công thương để phối hợp hỗ trợ tình trạng hoạt động của doanh nghiệp; chuyển danh sách các đơn vị nợ từ 2 tháng trở lên sang Ban Quản lý khu chế xuất-khu công nghiệp để phối hợp đôn đốc nhắc nợ và thông báo công khai tình trạng nợ BHXH, BHYT và BH thất nghiệp.

Hàng quý thực hiện chuyển danh sách các đơn vị nợ gửi Liên đoàn lao động và báo cáo UBND cùng cấp để có chỉ đạo kịp thời. Đối với số tiền nợ từ ngân sách nhà nước, chỉ đạo BHXH quận huyện làm việc với Phòng Tài chính và cơ quan quản lý đối tượng để thống nhất số liệu và chuyển tiền kịp thời vào quỹ BHXH, BHYT.

Người dân tới giao dịch tại bộ phận một cửa (nguồn: Internet)

 

Quang Hùng