Ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả TTHC

16/12/2019 09:28 AM


BHXH Việt Nam vừa ban hành Quyết định số 2192/QĐ-BHXH về Quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế "Một cửa", "Một cửa liên thông" trong toàn Ngành (gọi chung là Bộ phận "Một cửa").

Theo đó, Quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ phận "Một cửa" có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2019 và thay thể Quyết định số 999/QĐ-BHXH ngày 24/9/2015 của BHXH Việt Nam; đồng thời, bãi bỏ chế độ báo cáo tại Công văn số 3889/BHXH-PC ngày 8/10/2015 của BHXH Việt Nam về việc báo cáo hàng tháng việc thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc tại Công văn số 3711/BHXH-PC.

Bộ phận "Một cửa" cần đặt vị trí thuận tiện, dễ tìm, quy mô phù hợp (Ảnh minh hoạ)

Quy chế quy định: Bộ phận "Một cửa" được tổ chức tại BHXH cấp tỉnh và cấp huyện, đặt ở vị trí thuận tiện, dễ tìm, quy mô diện tích phù hợp để thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch và viên chức thực hiện nhiệm vụ.

Bộ phận "Một cửa" có nhiệm vụ công khai đầy đủ, kịp thời bằng phương tiện điện tử hoặc bằng văn bản danh mục TTHC được thực hiện tại bộ phận này; các nội dung TTHC được công khai theo quy định của pháp luật về kiểm soát TTHC và Nghị định số 61; hỗ trợ những trường hợp không có khả năng tiếp cận TTHC được công khai bằng phương tiện điện tử. Đồng thời, hướng dẫn thực hiện TTHC; tiếp nhận hồ sơ TTHC; giải quyết hoặc chuyển hồ sơ giải quyết TTHC; trả kết quả giải quyết TTHC; theo dõi, giám sát và thu lệ phí theo quy định đối với việc giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, Bộ phận “Một cửa” phối hợp với các phòng, bộ phận nghiệp vụ liên quan để giải quyết, trả kết quả giải quyết cho tổ chức, cá nhân và trường hợp TTHC yêu cầu giải quyết ngay trong ngày hoặc các TTHC được giao hoặc ủy quyền cho viên chức tại Bộ phận "Một cửa" giải quyết; hỗ trợ tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Trách nhiệm của viên chức làm việc tại Bộ phận "Một cửa" là cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC; hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC đầy đủ, rõ ràng, chính xác.

Ngoài ra, đối với trách nhiệm của Văn phòng BHXH tỉnh và Bộ phận "Một cửa" của BHXH huyện cũng được quy định rõ. Cụ thể, Văn phòng BHXH tỉnh trình Giám đốc BHXH tỉnh phê duyệt danh sách nhân sự cử ra Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Bộ phận "Một cửa" của BHXH huyện trình Giám đốc BHXH huyện phê duyệt danh sách nhân sự cử ra Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND, UBND huyện. Quản lý toàn diện các hoạt động của Bộ phận "Một cửa"; tổng hợp, báo cáo tình hình kết quả thực hiện theo chế độ báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo yêu cầu.

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu BHXH cấp tỉnh và BHXH cấp huyện tổ chức thực hiện Quy chế về tổ chức và hoạt động của Bộ phận "Một cửa" theo quy định. Định kỳ hàng quý thực hiện chốt số liệu hồ sơ TTHC đã tiếp nhận, giải quyết, chuyển kỳ sau vào lúc 0h ngày 15 của tháng cuối quý. Số liệu phát sinh sau ngày 15 của tháng cuối quý được cộng dồn vào quý của kỳ báo cáo tiếp theo; số lượng hồ sơ được tính theo số lượng TTHC gắn với từng đối tượng. Đồng thời, thực hiện báo cáo, đánh giá đột xuất về công tác tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC theo yêu cầu của BHXH Việt Nam. Chủ động xây dựng và ban hành quy trình nội bộ đối với việc giải quyết từng TTHC thuộc thẩm quyền, theo căn cứ danh mục TTHC được công bố của BHXH Việt Nam. Tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các đơn vị trong quá trình giải quyết công việc của các cá nhân, tổ chức. Thường xuyên tự đánh giá chất lượng, tiến độ giải quyết TTHC của đơn vị và của BHXH cấp huyện trực thuộc.

Đối với Vụ Pháp chế, cần chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả TTHC của BHXH cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC của toàn Ngành. Làm đầu mối tổng hợp, đánh giá, báo cáo Chính phủ tình hình, kết quả giải quyết TTHC của Ngành định kỳ trước ngày 25 của tháng cuối quý và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

BHXH Việt Nam cũng yêu cầu Trung tâm CNTT duy trì, đảm bảo hoạt động hiệu quả của Hệ thống thông tin "Một cửa điện tử" ngành BHXH và kết nối, tích hợp với Hệ thống quản lý và đánh giá về kiểm soát TTHC, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia để cung cấp thông tin về tình hình, kết quả giải quyết TTHC trong kỳ báo cáo theo quy định; liên thông với phần mềm của đơn vị cung cấp dịch vụ Bưu chính công ích. Tổ chức quản lý và giám sát các hoạt động cung cấp thông tin của các đơn vị, cá nhân và tổ chức I-VAN lên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam. Nghiên cứu thiết lập mã số hồ sơ TTHC do Hệ thống thông tin "Một cửa điện tử" cấp tự động để sử dụng thống nhất trong hoạt động giao dịch giữa các bên liên quan theo quy định. Bên cạnh đó, hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, phí, lệ phí, nhận kết quả qua giao dịch điện tử; hỗ trợ xác thực thông tin công dân, DN thông qua việc kết nối với CSDL quốc gia về dân cư, CSDL quốc gia về đăng ký DN và các CSDL liên quan khác.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Quy chế, BHXH tỉnh và các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam kịp thời phản ánh những vướng mắc, bất cập hoặc đề xuất giải pháp gửi về Vụ Pháp chế (BHXH Việt Nam) để tổng hợp, báo cáo Tổng Giám đốc./.

PV