"Hệ thống ASXH ở Việt Nam: Quan điểm, chủ trương, chính sách, thực trạng và giải pháp"

28/11/2019 04:11 PM


Là tiêu đề của Hội nghị Thông tin chuyên đề do Đảng bộ cơ quan BHXH Việt Nam tổ chức sáng 28/11/2019. Tham dự Hội nghị có TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Nga; Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh; các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ cùng toàn bộ đảng viên trong cơ quan BHXH Việt Nam.

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - Báo cáo viên tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đảng viên đã được Báo cáo viên - TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thông tin, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc đã thông qua nhiều bộ Luật quan trọng, trong đó, có Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức… Đây là những bộ Luật có ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội nói chung và ngành BHXH nói riêng. 

 Trao đổi về những điểm mới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi), TS. Bùi Sỹ Lợi cho biết, Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được thông qua, trong đó có 06 điểm cơ bản: Mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động đối với người làm việc không có quan hệ lao động về một số tiêu chuẩn lao động; điều chỉnh khung làm thêm giờ; thời gian làm việc bình thường; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; bổ sung một ngày nghỉ hưởng nguyên lương đối với người lao động; hình thành tổ chức về lao động ngoài Công đoàn. Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã đáp ứng được yêu cầu xây dựng một Bộ luật hài hòa, ổn định.

Về hệ thống an sinh xã hội, TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, nước ta có bốn trụ cột an sinh, đó là: Phòng ngừa rủi ro; giảm thiểu rủi ro; khắc phục rủi ro và các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản. Trong đó, BHXH Việt Nam nắm trọn trụ cột giảm thiểu rủi ro, bao gồm chính sách BHXH, BHYT. TS. Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao vai trò và thành tựu mà BHXH Việt Nam đạt được trong suốt 25 hình thành và phát triển đã chăm lo, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước và được Quốc hội, Chính phủ ghi nhận. Nhất là thành tựu trong công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Bằng chứng là, từ 2007 đến 2017, số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ đạt khoảng 240.000 người, nhưng sau 01 năm Nghị quyết 28-NQ/TW được ban hành và đi vào cuộc sống, với sự chỉ đạo quyết liệt của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH tự nguyện là 499 nghìn người, tăng 1,21 lần so với giai đoạn 10 năm trước đó.

Toàn cảnh Hội nghị

Để đạt được những kết quả nổi bật, TS. Bùi Sỹ Lợi khẳng định, có sự đóng góp quan trọng của công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, BHXH Việt Nam cần tiếp tục đổi mới phương pháp truyền thông, tăng cường phối hợp với các tổ chức, đoàn thể “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để người dân hiểu sâu sắc về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình… Đối với BHXH bắt buộc, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, sử dụng hiệu quả chức năng thanh tra được Chính phủ giao đảm bảo mọi người lao động đều được tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức, ngành BHXH sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và trở thành Ngành quan trọng trong việc chăm lo an sinh xã hội của đất nước.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy cơ quan BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Nga gửi lời cám ơn đến TS. Bùi Sỹ Lợi đã truyền đạt đến toàn thể đảng viên cơ quan BHXH Việt Nam những thông tin thiết thực về quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong lĩnh vực an sinh xã hội. Đồng chí Nguyễn Thị Nga đề nghị, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc tiếp thu để nâng cao năng lực, trình độ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao trong tình hình mới./.

PV