Nhiều DN ngành may “né” tham gia BHXH cho NLĐ

05/06/2017 04:55 PM


Mới đây, Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg (Cộng hòa Liên bang Đức) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Thực trạng điều kiện lao động ngành may ở Việt Nam và phương thức cải thiện”. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính, Giám đốc Văn phòng Quỹ Rosa Luxemburg Đông Nam Á Liliane Danso Dahmen; Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn Vũ Quang Thọ chủ trì Hội thảo.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, dệt may Việt Nam, đặc biệt ngành may là ngành kinh tế quan trọng của đất nước. (Nguồn ảnh: Báo LĐ)

Lương chỉ đáp ứng được 75-80% mức sống tối thiểu

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, dệt may Việt Nam, đặc biệt ngành may là ngành kinh tế quan trọng của đất nước, có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai cả nước với giá trị xuất khẩu đóng góp từ 10-15% GDP. Số lượng lao động trong ngành dệt may có khoảng 2,5 triệu người, chiếm hơn 20% lao động trong khu vực công nghiệp và gần 5% tổng lực lượng lao động cả nước.

Những năm qua, các DN may ở Việt Nam đã có nhiều biện pháp để cải thiện điều kiện lao động, cải thiện môi trường làm việc, tạo việc làm cho NLĐ. Tuy nhiên, hiện nay lao động ngành may Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề: Tiền lương, thu nhập của lao động còn thấp; thời gian làm thêm giờ, tăng ca nhiều; đời sống khó khăn.

Với 80% lao động là nữ, họ phải làm việc trong điều kiện lao động khắc nghiệt, thiếu an toàn vệ sinh lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và bệnh nghề nghiệp cao… Số lượng DN đảm bảo các tiêu chuẩn lao động quốc tế còn hạn hẹp, việc cải thiện điều kiện lao động chưa hiệu quả.

Kết quả khảo sát về thực trạng điều kiện lao động ngành may Việt Nam của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy, tiền lương cơ bản của công nhân may khá thấp: Trung bình chỉ đạt 4.332.000 đồng/tháng, đáp ứng được 75-80% mức sống tối thiểu. Tiền lương chỉ cao hơn ngành chế biến nông, lâm thủy sản; ngành điện, điện tử và ngành xây dựng, vận tải, kho bãi.

Trung bình, lao động dệt may phải tăng ca từ 47-60 giờ/tháng để bù đắp thêm vào tổng thu nhập nhằm trang trải cuộc sống. (Nguồn ảnh: Internet)

Tăng ca - để đảm bảo duy trì cuộc sống

Một trong những điển hình trong ngành may là tình trạng tăng ca. Trung bình, lao động dệt may phải tăng ca từ 47-60 giờ/tháng, trong khi đó quy định của pháp luật là 30 giờ/tháng. Khoản thu nhập trung bình từ tăng ca mà NLĐ thu được là 1.336.000 đồng/người, chiếm khoảng 22,4% tổng thu nhập - số tiền này được NLĐ dùng bù đắp thêm vào tổng thu nhập để trang trải cuộc sống.

Khảo sát này cũng chỉ rõ, lương thấp là nguyên nhân của trên 80% các cuộc đình công. Lương thấp nhưng thường xuyên bị vi phạm, có tới 60-70% các DN không tuân thủ các quy định về trả lương tăng ca, ngày nghỉ hưởng lương, an toàn vệ sinh lao động,...

Đặc biệt, về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các DN ngành may Việt Nam còn kém. Nhiều DN trốn đóng, nợ đóng BHXH ảnh hưởng tới quyền lợi an sinh thiết thân của NLĐ.

Bên cạnh đó, nếu DN có tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ thì mức đóng thấp, chỉ đóng theo mức lương cơ bản (sát với  mức lương tối thiểu vùng), làm ảnh hưởng đến mức hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của NLĐ; hoặc DN sẽ lựa chọn cách sử dụng làm thêm giờ, tăng thêm các khoản phụ cấp, hỗ trợ không thường xuyên để “né” trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ.

Làm sao để cải thiện điều kiện lao động cho NLĐ?

Trước thực trạng còn nhiều nổi cộm nêu trên, hội thảo nhằm chia sẻ, thảo luận kinh nghiệm, đặc biệt là kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Lao động quốc tế, Rosa Luxemburg, FES, Oxfam về bảo vệ quyền xã hội của NLĐ tại các nước Campuchia, Thái Lan nhằm xây dựng chiến lược cải thiện điều kiện lao động cho NLĐ.

Hội thảo cũng là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức rộng rãi hơn nữa về vấn đề lao động ngành may và có tác động đến việc cải thiện điều kiện lao động tại các DN dệt may, góp phần phát triển bền vững ngành may Việt Nam./.

Trọng Nguyễn