Chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Hỗ trợ tài chính, rút ngắn thời gian thất nghiệp

06/05/2025 08:59 AM


Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu, thị trường lao động Việt Nam đang ngày càng sôi động nhưng cũng tiềm ẩn nhiều biến động. Mất việc làm, dù là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan đều là nỗi lo lớn của người lao động. Trong hoàn cảnh ấy, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không chỉ đơn thuần là một khoản trợ cấp tài chính tạm thời, mà còn là một cơ chế hỗ trợ toàn diện giúp họ ổn định cuộc sống, duy trì sinh kế và sớm trở lại quỹ đạo nghề nghiệp.

BHTN là khoản trợ cấp mà nhiều người lao động sẽ nhận được sau khi nghỉ việc, nhằm bù đắp một phần thu nhập trong thời gian tìm kiếm công việc mới. Nguồn Internet

“Chiếc phao cứu sinh” về tài chính

Khi người lao động bị mất việc, điều họ lo ngại trước tiên chính là thu nhập bị gián đoạn. Các chi phí sinh hoạt hằng ngày như tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống, học phí cho con… vẫn phải chi trả đều đặn, trong khi nguồn thu chính bị đứt gãy. Lúc này, trợ cấp thất nghiệp đóng vai trò như một “chiếc phao cứu sinh”, giúp người lao động tạm thời vượt qua giai đoạn khó khăn.

Chị Trần Thị Tuyết N. (33 tuổi, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) là nhân viên văn phòng, vừa kết thúc hợp đồng lao động vào tháng 12/2024. Vì nghỉ việc vào thời điểm cuối năm nên chị N. khá lo lắng về thu nhập bị gián đoạn, nhất là có quá nhiều thứ phải chi tiêu trong dịp Tết. Sau khi được cơ quan BHXH chốt sổ xác nhận thời gian đóng BHXH và tập hợp đủ các giấy tờ liên quan, chị đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Định để nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chị cho rằng, việc đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp rất quan trọng bởi đã giảm bớt áp lực tài chính mà chị đang phải đối mặt lúc này.

Ông Nguyễn Văn P. (50 tuổi, ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đang điều trị bệnh xơ gan cổ trướng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Sau khi phải nghỉ việc để điều trị bệnh, ông đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Vừa mất việc, lại thêm sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, trợ cấp thất nghiệp lúc này không chỉ giúp gia đình ông giảm bớt gánh nặng tài chính mà còn là nguồn động viên tinh thần trong giai đoạn khó khăn nhất. Đối với ông, mỗi đồng tiền hỗ trợ lúc này đều rất quý báu, giúp ông yên tâm điều trị và bớt lo lắng về các khoản chi tiêu hằng ngày.

Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 và sau đó là “làn sóng sa thải” do tình hình kinh tế toàn cầu suy giảm, trợ cấp thất nghiệp đã phát huy rõ nét vai trò “tấm đệm” bảo vệ hàng triệu người lao động. Hàng loạt gói hỗ trợ từ quỹ BHTN đã được triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, giúp người lao động trụ vững giữa khó khăn.

Rút ngắn thời gian thất nghiệp

Không dừng lại ở hỗ trợ tài chính, giá trị của chính sách trợ cấp thất nghiệp ở Việt Nam còn bao gồm các hoạt động hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề tại các trung tâm dịch vụ việc làm trên toàn quốc. Đây là điểm nhấn mang tính đột phá, bởi đã thể hiện quan điểm phát triển bền vững: Không để người lao động phụ thuộc vào trợ cấp, mà tạo điều kiện để họ sớm có việc làm mới, có kỹ năng tốt hơn, thích ứng với nhu cầu của thị trường.

Anh Nam (30 tuổi) đã làm việc 5 năm tại một công ty may mặc ở tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, do công ty thu hẹp sản xuất, anh là một trong số lao động bị mất việc làm. Sau khi nhận trợ cấp thất nghiệp, anh Nam được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương tư vấn chuyển sang học nghề khác, đồng thời, hỗ trợ đào tạo và giới thiệu việc làm phù hợp với ngành nghề vừa đào tạo. Phấn khởi với công việc mới, anh Nam cho rằng, hoạt động hỗ trợ tư vấn, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm rất quan trọng, giúp người lao động như anh rút ngắn thời gian thất nghiệp, sớm quay trở lại thị trường lao động.

Cũng là lao động mới bị mất việc làm, chị Hạnh (35 tuổi, kế toán cho một doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội) đã được Trung tâm Dich vụ việc làm thành phố Hà Nội hỗ trợ học lại kỹ năng mềm như Excel nâng cao, kế toán doanh nghiệp theo chuẩn mới với mức học phí được hỗ trợ 100%. Kết thúc khoá học, chị Hạnh còn được giới thiệu phỏng vấn tại một số công ty đang tuyển dụng kế toán. Vừa được nhận trợ cấp thất nghiệp giúp ổn định cuộc sống trước mặt, lại được giới thiệu phỏng vấn tại một công ty mới, chị Hạnh xúc động chia sẻ “với những lợi ích mang lại, BHTN – chính sách nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta đã trở thành 'chỗ dựa' cả về vật chất, tinh thần cho người lao động”.

Mới đây, anh Nguyễn Bảo Quốc, ngụ Quận 6, thành phố Hồ Chí Minh quyết định nộp đơn tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên thuộc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh sau hai năm làm bảo vệ nhưng thu nhập bấp bênh. Được giới thiệu vào làm công nhân ở một cơ sở sản xuất thạch cao đóng ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân đến nay đã gần một tháng, anh Quốc cho rằng “công việc và thời gian làm hoàn toàn phù hợp sức khỏe của tôi, thu nhập 8,5 triệu đồng/tháng, so ra cao hơn công việc cũ nên tôi sẽ cố gắng làm việc để có nguồn thu nhập ổn định”.

Rõ ràng, chính sự kết hợp giữa hỗ trợ tài chính và hướng nghiệp từ chính sách BHTN đã giúp nhiều người rút ngắn thời gian thất nghiệp, nhanh chóng tái hòa nhập thị trường lao động một cách hiệu quả. Điều này phản ánh sâu sắc bản chất tốt đẹp của chính sách an sinh xã hội Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “lấy dân làm gốc” xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Hướng đến một chính sách nhân văn và bền vững

Năm 2013, trên cơ sở kế thừa, phát triển chính sách BHTN được quy định tại Luật BHXH 2006 và kinh nghiệm thực hiện BHTN tại các nước trên thế giới, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Việc làm; trong đó, chính sách BHTN được mở rộng đối tượng tham gia, bổ sung thêm chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLÐ, hướng tới BHTN không chỉ hỗ trợ về kinh tế cho NLÐ thất nghiệp mà còn giúp họ sớm tìm được việc làm, duy trì việc làm đã có để hạn chế không bị thất nghiệp lại trong tương lai. Từ đó đến nay, BHTN được duy trì và phát triển với bốn chế độ, gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tìm việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLÐ. Sau hơn 9 năm thực hiện theo Luật Việc làm, chính sách BHTN đã đạt được các kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Thực tế cho thấy, trong giai đoạn khó khăn như đại dịch COVID-19 hay các đợt cắt giảm lao động quy mô lớn, chính sách BHTN đã chứng minh vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội. Nhiều người lao động đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định. Từ đó, góp phần giúp ổn định thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song chính sách BHTN cần tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với tình hình mới.

Hiện nay, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang trong quá trình hoàn thiện để trình Quốc hội tại kỳ họp tới. So với Luật Việc làm năm 2013, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi lần thứ 3 có nhiều điểm mới nổi bật, tác động tích cực đến quyền lợi của người lao động như: Mở rộng đối tượng tham gia BHTN bao gồm người làm việc theo hợp đồng ngắn hạn (từ 1 tháng trở lên). Tăng mức hỗ trợ trợ cấp thất nghiệp tối đa 60% lương trung bình và hỗ trợ đào tạo nghề cho người thất nghiệp….

Cùng với đó, mở rộng đối tượng được Nhà nước hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Mở rộng đối tượng vay vốn, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Ưu đãi lãi suất cho các nhóm yếu thế (người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo); Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn; Việc làm công được ưu tiên cho người yếu thế; Hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp và phát triển kỹ năng nghề…

Có thể đánh giá, chính sách BHTN không chỉ thể hiện sự ưu việt về mặt thể chế, mà còn khẳng định giá trị nhân văn sâu sắc trong chiến lược phát triển con người và đảm bảo an sinh xã hội. Trong mọi hoàn cảnh, bảo hiểm thất nghiệp luôn là chỗ dựa vững chắc, là biểu tượng cho tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau” mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Thu Thủy