Tăng cường công tác bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và doanh nghiệp
05/02/2025 02:44 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Duy trì các thị trường lao động ngoài nước truyền thống; phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của lao động Việt Nam; tăng cường công tác bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và doanh nghiệp... là những hoạt động về hợp tác về lao động, việc làm giữa Việt Nam và các nước được chú trọng trong năm 2025.
Ảnh minh hoạ, nguồn Internet
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, trong thời gian qua, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trong đó số lượng lao động tăng mạnh, chất lượng lao động Việt Nam không ngừng được nâng cao. Năm 2024, cả nước đưa được 158.588 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 126,9% kế hoạch năm. Hiện nay, có khoảng 700.000 người lao động Việt Nam đang làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ, hàng năm mang về lượng kiều hối khoảng 4 tỷ USD.
Kết quả trên có được nhờ duy trì ổn định các thị trường truyền thống. Trong đó, Nhật Bản nhiều năm liền giữ vững vị trí đứng đầu về tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc với 71.518 lao động (30.295 lao động nữ) mỗi năm. Tiếp sau đó là Đài Loan (Trung Quốc) với 62.282 lao động (19.824 lao động nữ), Hàn Quốc 13.649 lao động (1.465 lao động nữ), Trung Quốc 2.335 lao động (5 lao động nữ), Hungary 759 lao động (145 lao động nữ), Singapore 1.544 lao động nam, Rumani 1.023 lao động (95 lao động nữ), Ba Lan 331 lao động (70 lao động nữ), Hồng Kông- Trung Quốc 582 lao động (14 lao động nữ), Algeria 397 lao động (6 lao động nữ), Ả-rập Xê-út 660 lao động (445 lao động nữ), Nga 591 lao động (148 lao động nữ), Macao 346 lao động (130 lao động nữ)...
Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng góp phần giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người lao động và đào tạo cho Việt Nam đội ngũ lao động hiểu biết về khoa học, công nghệ, tác phong lao động công nghiệp; qua đó góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Vì vậy, bước sang năm 2025, hoạt động xuất khẩu lao động được dự báo sẽ rất sôi động khi các hoạt động hợp tác về lao động, việc làm giữa Việt Nam và các nước ngày càng sâu sắc.
Do đó, cùng với ổn định, duy trì các thị trường lao động ngoài nước truyền thống, việc phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của lao động Việt Nam sẽ được đẩy mạnh trong năm 2025. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị nguồn lao động, thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; đảm bảo tất cả người lao động đều được giáo dục định hướng về phong tục, tập quán, pháp luật có liên quan của nước tiếp nhận lao động.
Đặc biệt, chú trọng tăng cường công tác bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước. Đáng chú ý, thị trường khu vực Châu Âu được đánh giá là thị trường tiềm năng, có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. Các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc... cũng mở rộng ngành nghề tiếp nhận cũng như trình độ tăng lên.
Theo ông Nguyễn Bá Hoan- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, thị trường xuất khẩu lao động năm 2024 có nhiều điểm sáng, một trong những điểm sáng phải kể đến là mở ra thị trường lao động nông nghiệp ở Australia, thúc đẩy nhiều thị trường khác chuẩn bị đưa vào khai thác. Tuy nhiên, việc phát triển thị trường xuất khẩu lao động cũng tồn tại một số khó khăn. Trong đó, một số thị trường mới đòi hỏi trình độ ngoại ngữ cao, đặc biệt là các nước Châu Âu như: Đức, Áo… đều yêu cầu trình độ ngoại ngữ B1, B2 khung Châu Âu. Tại thị trường Nhật Bản cũng yêu cầu người lao động phải đạt trình độ tiếng Nhật nhất định…
Bên cạnh đó, việc tuyển chọn nguồn lao động cũng đối mặt với không ít khó khăn. Ngoài ra, một bộ phận nhỏ người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa chấp hành tốt kỷ luật lao động, trong đó có thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản… Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo quyết liệt các doanh nghiệp phải tuyển chọn kỹ và đào tạo bài bản trước khi xuất cảnh.
Về thị trường xuất khẩu lao động 2025, ông Nguyễn Bá Hoan cho biết, giữa tháng 1/2025, Việt Nam và Phần Lan đã ký Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề, lao động thời vụ đi làm việc tại Phần Lan. Tiếp theo, sẽ hướng đến ký Bản ghi nhớ với Ba Lan, Hy Lạp… Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với Đức, trong đó có Diễn đàn Lao động Việt Nam với Đức, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Đức.
Thị trường Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cũng rất tiềm năng đối với lao động Việt Nam. Đặc biệt, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đang tích cực phối hợp với các cơ quan triển khai nhiều giải pháp, để trong thời gian tới được tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại UAE với số lượng càng nhiều càng tốt.
Theo dự kiến, trước mắt có thể đưa 10.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại UAE, nhất là lao động trong các lĩnh vực liên quan đến công nghệ cao, phần mềm, máy tính... Với lao động chất lượng cao, UAE có những ưu đãi rất đặc biệt, trả lương rất cao. “Với lao động chất lượng cao, thì thu nhập có thể lên đến 200.000 USD/năm/người. Ngoài lương, lao động chất lượng cao còn có những ưu đãi khác về y tế, cho con cái học hành, tiền nhà...”- ông Hoan chia sẻ.
TT
Chi tiết >>
Video: Kỷ niệm 30 năm thành lập ngành BHXH Việt ...
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị ...
Lịch tiếp công dân của Lãnh đạo Ngành BHXH Việt Nam tháng ...
Bản tin Audio số 51 - Tuần 3 tháng 2/2025
BHXH Việt Nam: Lấy ý kiến Nhân dân về khen thưởng các tập ...
BHXH Việt Nam làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?