Bộ Y tế xin ý kiến góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT

29/08/2024 03:50 PM


Sáng 29/8, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị xin ý kiến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các đơn vị trực thuộc liên quan của Bộ Y tế, BHXH Việt Nam cùng đông đảo các tổ chức, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực.

Toàn cảnh Hội nghị

Bộ Y tế đánh giá, Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 14 tháng 11 năm 2008, có hiệu lực từ ngày 01/01/2009 và được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo hiểm y tế, là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân.

Sau 15 năm triển khai thi hành, Luật Bảo hiểm y tế đã thực sự đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp của chính sách, chế độ bảo hiểm y tế theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro, là cơ chế bảo đảm nguồn tài chính cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh.

Do đó, thời gian qua, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, Ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Mục tiêu tổng quát: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt sự đồng thuận cao nhằm thực hiện tốt chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế; bảo đảm thống nhất với Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật, các quy định có liên quan để kịp thời có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.

Mục tiêu cụ thể: (1) Bảo đảm người dân được tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng phù hợp và bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế. (2) Tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân. (3) Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. (4) Đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan tới bảo hiểm y tế, kịp thời trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: Việt Nam là quốc gia đứng thứ 15 trên thế giới về dân số, và đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi, gia tăng các bệnh không lây nhiễm, nhu cầu điều trị ngày càng tăng và khuynh hướng điều trị đòi hỏi theo xu hướng tiên tiến để bảo đảm quyền bình đẳng mọi người dân trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; được bình đẳng về trách nhiệm tham gia và quyền lợi được hưởng trong khám bệnh chữa bệnh BHYT và tiếp cận các dịch vụ có liên quan.

Những năm qua, nhiều văn bản của Đảng đã xác định rõ các phương hướng, nhiệm vụ và các mục tiêu cụ thể liên quan đến lĩnh vực BHYT. Bên cạnh đó, một số nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đều có các nội dung định hướng hoàn thiện pháp luật về BHYT. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để sửa đổi, bổ sung Luật BHYT. Các định hướng, chiến lược của Đảng và Quốc hội trong những năm qua cần phải được thể chế vào Luật để có hiệu lực pháp lý cao và bảo đảm các quyền, lợi ích của người dân liên quan đến BHYT.

Trên cơ sở đầy đủ lý luận và thực tiễn, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Trong quá trình xây dựng, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan rà soát và thống nhất hoàn thiện hồ sơ theo hướng tập trung sửa đổi, bổ sung tối đa một số vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách, một số vấn đề đã có đầy đủ thông tin, dữ liệu và đạt được sự đồng thuận cao, cập nhật, pháp điển hóa một số nội dung đã được quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn phát biểu tại Hội nghị

Ngày 22/8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và biểu quyết thông qua việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Sau cuộc họp, Bộ Y tế đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật để bổ sung, hoàn thiện các báo cáo, xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nội dung thực sự cần thiết, cấp bách, đã rõ, có sự đồng thuận cao, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật BHXH và tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được tổng kết qua thực tiễn, nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi. 

Đóng góp vào Dự thảo Luật, tại Hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung đối tương, phương thức đóng và quản lý quỹ BHYT; phương thức thanh toán, giám định chi phí KCB BHYT… Mục tiêu nhằm điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm y tế đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan; Điều chỉnh phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với mức đóng, cân đối quỹ bảo hiểm y tế và yêu cầu chăm sóc sức khỏe trong từng giai đoạn; Điều chỉnh các quy định về bảo hiểm y tế có liên quan theo cấp chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh và phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; Phân bổ sử dụng quỹ bảo hiểm y tế hiệu quả./.

Phạm Chính