BHXH Việt Nam: Tập huấn xây dựng Đề án Vị trí việc làm

24/01/2024 04:08 PM


Chiều 24/1, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn xây dựng Đề án Vị trí việc làm (VTVL) đối với BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn dự và chủ trì Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nêu rõ, từ năm 2011, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai thí điểm VTVL và được Bộ Nội vụ đánh giá cao. “Ở giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu của việc thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và cải cách tiền lương từ 1/7/2024, thì việc xây dựng Đề án VTVL trở nên rất cần thiết”- Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn nói.

Theo Phó Tổng Giám đốc, từ năm cuối năm 2023, Tổng Giám đốc đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục VTVL, Kế hoạch và Công văn hướng dẫn xây dựng Đề án VTVL đối với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam ở Trung ương và BHXH các tỉnh, thành phố. Trong đó, Vụ Tổ chức cán bộ đã chủ động trong công tác phối hợp với các Bộ, ngành, chủ động trong tham mưu, đề xuất tổ chức thực hiện.

Toàn cảnh Hội nghị

Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu xây dựng Đề án tại các đơn vị sẽ phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. “Vì vậy, Hội nghị tập huấn nhằm hướng dẫn BHXH tỉnh, thành phố triển khai hiệu quả Đề án”- Phó Tổng Giám đốc nói.

Theo đó, Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn đề nghị, tại Hội nghị, Vụ Tổ chức Cán bộ tập trung báo cáo tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch xây dựng Đề án VTVL của Ngành; các vấn đề cốt lõi, quan trọng cần phải đạt được của một đề án VTVL, nhất là cách xác định cơ cấu ngạch, tính toán định biên theo VTVL; đặc biệt lưu ý các nội dung mới, khó, có tính ứng dụng cao trong tuyển dụng, quản lý, nâng ngạch và giao biên chế… để thống nhất trong tổ chức, thực hiện.

Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn cũng lưu ý, các đại biểu tham dự Hội nghị tích cực phát biểu ý kiến, đồng thời báo cáo cụ thể về tiến độ cũng như những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện để BHXH Việt Nam có giải pháp thống nhất, tạo thuận lợi cho các đơn vị trong quá trình xây dựng Đề án, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ theo đúng Kế hoạch đặt ra.

“Thời gian không còn nhiều, vì vậy Thủ trưởng các đơn vị cần hết sức quan tâm, tập trung chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với Vụ Tổ chức cán bộ để thực hiện bằng được việc xây dựng, thẩm định và trình Tổng Giám đốc phê duyệt Đề án”- Phó Tổng Giám đốc nói.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ Tổ chức Cán bộ đã trình bày các văn bản, quy định, hướng dẫn xây dụng VTVL của các Bộ, ngành và của BHXH Việt Nam. Trong đó có những nội dụng cốt lõi như: Xác định VTVL; xây dựng mô tả VTVL, khung năng lực gắn với VTVL; xây dựng cơ cấu áp dụng ngạch công chức và tính toán định biên cần thiết gắn với VTVL. Qua đó, để thống nhất việc tổ chức thực hiện xây dựng VTVL áp dụng cho ngành BHXH Việt Nam.

Vụ Tổ chức cán bộ cũng lưu ý, các VTVL áp dụng cho ngành BHXH chỉ trong khuôn khổ các Thông tư về VTVL do các Bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền ban hành. Vì vậy, các địa phương cần xác định VTVL trong Đề án của đơn vị mình chỉ áp dụng trong phạm vi Quyết định 2035/QĐ-BHXH của Tổng Giám đốc phê duyệt danh mục VTVL ngành BHXH Việt Nam. Về bản mô tả VTVL, khung năng lực gắn với VTVL cũng chỉ tham chiếu theo các bản mô tả các bộ, ngành ban hành tại các Thông tư liên quan và tham khảo bản Mô tả tại Quyết định 1033/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam.

Đối với việc xác định cơ cấu áp dụng ngạch công chức, việc tính toán định biên cần thiết gắn với VTVL cần phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy, biên chế của đơn vị và mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động, phạm vi đối tượng phục vụ, quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định của BHXH Việt Nam…

 

PV