BHXH Việt Nam: Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN

19/01/2024 08:49 AM


Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Việc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cùng Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh ký Quy chế phối hợp số 01/QCPH-BCA-BHXHVN ngày 21/01/2022

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Năm 2023, trong bối cảnh, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp, ở trong nước nền kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức; nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, ngừng kinh doanh, giải thể, phá sản. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động chưa cao; người lao động (NLĐ) chưa hiểu rõ, đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm của mình trong việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN dẫn đến các vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ .

Tình trạng chậm đóng, chiếm dụng tiền BHXH, trốn đóng hoặc đóng BHXH, BHYT, BHTN không đủ số người, số tiền phải đóng theo quy định vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, ngành BHXH Việt Nam đã triển khai rất nhiều các biện pháp xử lý hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Theo đó, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan chức năng trong tổ chức thực hiện khởi kiện đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH, BHYT, BHTN ra Tòa án dân sự; Xử phạt vi phạm hành chính; Cung cấp thông tin, tài liệu và phối hợp với tổ chức Công đoàn trong việc khởi kiện ra Tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 214, Điều 215, Điều 216 của Bộ luật Hình sự, ngày 22/01/2020 BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 239/BHXH-PC hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố tiếp nhận, xử lý thông tin, lập, gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố các hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại Điều 214, Điều 215, Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Từ khi triển khai đến tháng 11/2023, toàn Ngành đã gửi 413 hồ sơ kiến nghị khởi tố tới cơ quan có thẩm quyền. Trong đó: Năm 2018 là 73 hồ sơ, năm 2019 là 151 hồ sơ, năm 2020 là 115 hồ sơ, năm 2021 là 26 hồ sơ, năm 2022 là 26 hồ sơ, năm 2023 là 21 hồ sơ. Tổng số hồ sơ kiến nghị khởi tố theo Điều 216 là 378 hồ sơ. Trong đó cơ quan có thẩm quyền đang xem xét giải quyết là 100 hồ sơ; đã tiếp nhận giải quyết 257 hồ sơ (trong đó đã khởi tố 14 hồ sơ; không khởi tố là 220 hồ sơ (trong đó: chuyển xử lý vi phạm hành chính: 21 hồ sơ; xác định không có hành vi vi phạm pháp luật:199 hồ sơ); tạm đình chỉ giải quyết kiến nghị khởi tố: 23 hồ sơ). Ngoài ra, giai đoạn đầu có 56 hồ sơ cơ quan có thẩm quyền đã trả lại không tiếp nhận.

Cùng với đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các biện pháp bảo đảm anh ninh, trật tự trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam và Bộ Công an đã ký Quy chế phối hợp số 01/QCPH-BCA-BHXHVN ngày 21/01/2022, trong đó có nội dung phối hợp giữa 2 bên trong việc cung cấp hồ sơ, tài liệu các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà BHXH Việt Nam phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát (trốn đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BHTN, BHYT…).

Thực hiện quy chế phối hợp, BHXH Việt Nam đã chủ động kiểm tra, phát hiện, nhận diện các dấu hiệu vi phạm, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT của các tổ chức, cá nhân; chủ động phối hợp, cung cấp thông tin, dữ liệu và các nội dung có liên quan, giúp cơ quan chức năng điều tra, truy tố các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, thực hiện quy định của Luật Giám định tư pháp, trong các năm 2022, 2023, cơ quan BHXH các cấp đã thực hiện giám định xác định thiệt hại của quỹ BHXH, BHYT, BHTN do hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức gây ra (vụ việc ở Sơn La, Quảng Nam, Khánh Hòa) cũng như xác định số tiền BHXH, BHTN mà đơn vị sử dụng không đóng, đóng không đầy đủ cho NLĐ (vụ việc ở Phú Yên, Hà Nội) theo trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền. Các kết luận giám định của cơ quan BHXH là một trong các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khởi tố đối với các hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang và Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh ký Quy chế phối hợp công tác giữa BHXH Việt Nam và Tổng LĐLĐ Việt Nam giai đoạn 2023-2028.

Đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Qua quá trình theo dõi và phối hợp với các cơ quan có  thẩm quyền xử lý phối hợp với các cơ quan chức năng trong xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam nhận thấy còn một số tồn tại, hạn chế như việc xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với hành vi trốn đóng đã được quy định tại Điểm a khoản 7 Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP và khoản 2 Điều 80 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP nhưng không có văn bản nào quy định rõ khái niệm thế nào là trốn đóng do vậy, không có cơ sở xác định yếu tố lỗi để xử phạt VPHC về hành vi “trốn đóng” làm cơ sở, tiền đề cho việc xử lý hình sự.

Vì vậy, cơ quan BHXH đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt VPHC. Thực tế cho thấy, hiện nay trong quá trình xử phạt VPHC cơ quan BHXH chỉ có thể xác định là không đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHTN, BHYT và đóng không đúng mức đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định... mà không có khả năng, công cụ để xác định được các hành vi đó là trốn đóng hay không phải trốn đóng, cũng không có thẩm quyền để chứng minh được người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN, BHYT cố ý và có hành vi gian dối và bằng thủ đoạn khác theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán.

Từ năm 2019 đến nay, việc khởi kiện đơn vị nợ BHXH của tổ chức Công đoàn các địa phương hầu như đã chững lại do những khó khăn về quy trình, thủ tục khởi kiện, nhân sự thực hiện việc khởi kiện…chưa được tháo gỡ như: Cơ quan Tòa án vẫn yêu cầu thực hiện theo thủ tục giải quyết vụ án lao động như phải có giấy ủy quyền của NLĐ hoặc giấy ủy quyền của tổ chức công đoàn cơ sở; Qua thủ tục hòa giải của Chủ tịch UBND cấp huyện.

Tổ chức công đoàn cơ sở còn e dè trong việc đứng ra khởi kiện hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên; thiếu nhân lực để đảm nhận công tác khởi kiện, cán bộ thiếu kinh nghiệm, chuyên môn trong việc khởi kiện. Bên cạnh đó, NLĐ không dám ủy quyền để kiện chủ doanh nghiệp của mình khi bản thân cần có công ăn việc làm.

Trước thực trạng trên, BHXH Việt Nam đã chủ động đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng các quy định liên quan đến chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, Luật BHYT sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đảm bảo sự đồng bộ với các quy định pháp luật hành chính, hình sự và tình hình thực tiễn tổ chức, thực hiện.

Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp, hướng dẫn cơ quan BHXH trong quá trình thanh tra, kiểm tra, phát hiện hành vi, thu thập hồ sơ tài liệu đảm bảo điều kiện cần và đủ trước khi gửi hồ sơ kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra, nhằm đáp ứng đầy đủ điều kiện chuyển hóa hồ sơ, tài liệu thành chứng cứ phục vụ công tác điều tra, khởi tố đối với tội danh trốn đóng theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, để quy định tổ chức Công đoàn có quyền khởi kiện ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thực sự đi vào thực tế, đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cơ chức năng tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật để kiến nghị Quốc hội sửa đổi sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm tính hiệu quả, khả thi trong thực hiện quy định này, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ./.

Vụ PC