Chuyển đổi số: Nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào động lực phát triển đất nước

16/10/2024 09:33 AM


Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong quý III năm 2024, Việt Nam tiếp tục gặt hái những thành công đáng kể trong việc triển khai chuyển đổi số quốc gia. Nỗ lực này được thể hiện rõ nét trên nhiều lĩnh vực, từ việc hoàn thiện khung pháp lý, phát triển hạ tầng số cho đến thúc đẩy kinh tế số và xã hội số, khẳng định quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong việc đưa chuyển đổi số trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển đất nước.

Chuyển đổi số: Nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào động lực phát triển đất nước (Ảnh minh hoạ - nguồn internet)

Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi. Chỉ trong quý III/2024, 3 Nghị định, 6 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 7 Thông tư mới về chuyển đổi số đã được ban hành. Đặc biệt, Chính phủ đã thống nhất về sự cần thiết phải xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của lĩnh vực đầy tiềm năng này. Bên cạnh đó, các Nghị định quan trọng như Nghị định số 82/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Nghị định số 101/2024/NĐ-CP về điều tra cơ bản đất đai;... cũng đã được ban hành, góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho chuyển đổi số.

Cùng với việc hoàn thiện thể chế, Chính phủ cũng thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển hạ tầng số, nhận thức rõ vai trò then chốt của hạ tầng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Kết quả đạt được thể hiện qua việc tỷ lệ thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 87,4% và tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang băng rộng đạt 82,3%. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Khung phát triển hạ tầng số Việt Nam, với định hướng phát triển đồng bộ cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, đảm bảo hạ tầng số luôn đi trước một bước để phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia.

Dịch vụ công trực tuyến tiếp tục được chú trọng với tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 55,5% và tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 43,8%. Đáng chú ý, 63/63 tỉnh thành trên cả nước đã ban hành chính sách về phí, lệ phí đối với dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 3 tỉnh, thành phố ban hành chính sách miễn phí, lệ phí; 57 tỉnh ban hành chính sách giảm tối đa 50% phí, lệ phí, thể hiện nỗ lực trong việc khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Trong lĩnh vực kinh tế số, doanh thu công nghiệp công nghệ số Việt Nam 9 tháng đầu năm 2024 đạt 118 tỷ USD, tăng trưởng ấn tượng 17,78% so với cùng kỳ năm 2023. Bộ Tài chính đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, góp phần minh bạch hóa hoạt động kinh doanh và tăng cường hiệu quả quản lý thuế. Việt Nam cũng khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực công nghệ số khi xếp thứ 10 toàn cầu về số lượng lượt tải ứng dụng di động và thứ 29 toàn cầu về tổng doanh thu mua hàng trên ứng dụng.

Chuyển đổi số cũng mang lại những kết quả tích cực trong lĩnh vực xã hội số. Toàn quốc đã cấp 87,7 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chip, thu nhận trên 78,3 triệu hồ sơ định danh điện tử và kích hoạt trên 57,1 triệu tài khoản VNeID. Bộ Công an không ngừng bổ sung thêm các tính năng mới trên ứng dụng VNeID, nâng cao trải nghiệm người dùng và mở rộng các tiện ích công. Sổ sức khỏe điện tử cũng được đẩy mạnh triển khai với hơn 32 triệu dữ liệu đã được tạo lập.

An toàn thông tin mạng luôn được coi là yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Trong 9 tháng đầu năm 2024, số lượng cuộc tấn công mạng được ghi nhận đã giảm 53,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, 81,8% hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước đã được phân loại và triển khai các biện pháp bảo vệ theo cấp độ, góp phần đảm bảo an toàn thông tin trong môi trường số.

Phạm Chính