Chuyển đổi số - Nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi từ thực tiễn để phục vụ người tham gia BHXH, BHYT ngày càng tốt hơn
27/04/2022 06:58 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 27/4/2022, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị Chuyển đổi số quý I năm 2022. Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh - Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam: Phạm Lương Sơn - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo; Đào Việt Ánh - Phó Trưởng ban chỉ đạo; Lê Hùng Sơn - Phó trưởng Ban chỉ đạo và các uỷ viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh - Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì Hội nghị
Tại Hội nghị, đại diện Trung tâm CNTT - Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo đã báo cáo tóm tắt kết quả triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Chuyển đổi số và lãnh đạo BHXH Việt Nam trong công tác chuyển đổi số của Ngành quý I/2022.
Trong đó có các kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo Kế hoạch số 27/KH-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022; Triển khai Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm; Triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06); Triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám bệnh, chữa bệnh BHYT; Triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC Quốc gia về liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi, liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí, tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp…
Hiện nay, BHXH Việt Nam đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngày từ khi CSDL này được đưa vào vận hành chính thức và đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công An thực hiện chia sẻ, rà soát thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Tính đến 25/4/2022, hệ thống đã xác thực khoảng 40 triệu thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ trên 33 triệu lượt thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư. Toàn quốc hiện có khoảng 25 triệu tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được phê duyệt, tài khoản này dùng để đăng nhập và sử dụng ứng dụng VssID – BHXH số và Cổng DVC BHXH Việt Nam. Trung tâm CNTT đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam hoàn thiện điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ theo 18 Nghị định, thông tư và văn bản nghiệp vụ.
Các chỉ đạo của Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số cũng đã được triển khai khẩn trương, tích cực như: Hoàn thiện quy trình quản lý dữ liệu của Ngành; nâng cấp, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ; hoàn thiện dữ liệu người tham gia; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có tính giảm trừ mức đóng để thực hiện thống nhất trong toàn Ngành…
Đánh giá cao các kết quả đạt được, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh - Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu các thành viên, đơn vị tập trung thực hiện các nhiệm vụ, công việc được giao trong tháng 5, tháng 6. Trong đó, nhấn mạnh đến việc đồng bộ dữ liệu của Ngành với cơ sở dữ liệu về dân cư của Bộ Công an. “Cần đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đạt 100% dữ liệu được đối chiếu, xác thực. Đây là vấn đề quan trọng, nền tảng cho công tác chuyển đổi số của Ngành” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nói.
Tại cuộc họp, các thành viên đã tập trung thảo luận về vấn đề này. Về giải pháp, BHXH Việt Nam sẽ phân loại dữ liệu để rà soát, đối chiếu. Với những dữ liệu phát sinh mới, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Công an để đồng bộ ngay với dữ liệu dân cư qua số định danh công dân, số căn cước công dân. Với dữ liệu đã có, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc rà soát, cập nhập, bổ sung số định danh công dân để đồng bộ, xác thực với nguồn dữ liệu dân cư.
Công tác số hoá dữ liệu đầu vào (thành phần hồ sơ) và đầu ra (kết quả giải quyết TTHC) cũng sẽ được đẩy mạnh. Trước mắt, tập trung rà soát thành phần hồ sơ, hoàn thiện quy trình đối với các DVC/TTHC được giao tích hợp trên Cổng DVC quốc gia theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Toàn cảnh Hội nghị
Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc đã thông tin về tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số được giao của đơn vị, nêu những khó khăn vướng mắc và đề xuất giải pháp phối hợp, tháo gỡ, triển khai.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh - Phó Trưởng ban chỉ đạo yêu cầu các đơn vị hoàn thiện, xây dựng phương án chuyển đổi số của lĩnh vực theo chỉ đạo của Ngành. Vụ Pháp chế rà soát lại toàn bộ quy trình để thực hiện Đề án 06 với 5 DVC thiết yếu của Ngành. Các đơn vị nghiệp vụ cũng thực hiện tái cấu trúc lại các nghiệp vụ theo yêu cầu của Đề án 06 với 3 quy trình về nghiệp vụ, quy trình giải quyết thủ tục hành chính và quy trình hướng dẫn về kỹ thuật.
Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn - Phó Trưởng ban chỉ đạo đề nghị, Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu xây đề xuất xây dựng, sửa đổi các quy định liên quan đến CNTT, giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHTN, BHYT để trang bị căn cứ pháp lý cho các quy trình nghiệp vụ của Ngành khi áp dụng chuyển đổi số.
Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo yêu cầu, các đơn vị lên phương án chuyển đổi số cho từng đơn vị từ đề án đã xây dựng theo chỉ đạo của lãnh đạo Ngành. Trong xây dựng CSDL về bảo hiểm có nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành, hoàn thành trước thời hạn, tuy nhiên vẫn có một số vướng mắc liên quan đến lĩnh vực lao động, y tế, vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh trao đổi, phối hợp, cũng như báo cáo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Chuyển đổi số để đảm bảo tiến độ, chất lượng. Về Đề án 06, các đơn vị cần khẩn trương tái cấu trúc lại các quy trình nghiệp vụ để cung cấp cho Trung tâm CNTT. Với bài toán nhân lực về CNTT cũng cần có giải pháp mang tính đặc thù để thu hút, tuyển dụng.
Kết luận Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh - Trưởng ban Chỉ đạo đánh giá, trong quý I/2022, công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh, có chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức của người đứng đầu đến từng cán bộ; thấy được tầm quan trọng của chuyển đổi số. Các đơn vị trong toàn Ngành đã chủ động, quyết liệt để chuyển đổi số với mục tiêu phục vụ người tham gia BHXH, BHYT ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa thực sự tập trung, quyết liệt.
Về nhiệm vụ thời gian tới, nhất trí với ý kiến của các Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc với thời gian, tiến độ, trách nhiệm cụ thể.
Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam nhấn mạnh, các đơn vị trực thuộc phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện đề án về chuyển đổi số tại từng đơn vị trước ngày 15/5/2022, sau đó gửi về Trung tâm CNTT tổng hợp, xây dựng Đề án tổng thể. Ngày 15/5/2022 cũng là thời gian các đơn vị trực thuộc liên quan phải hoàn thành tái cấu trúc quy trình của 5 DVC thiết yếu của Ngành theo Đề án số 06. Liên quan đến quy trình tham gia về tính giảm trừ mức đóng BHYT hộ gia đình, phải tạo điều kiện tối đa cho người dân với thủ tục đơn giản, thuận tiện, không để người dân phải đi lại, đóng nộp nhiều lần. Đẩy nhanh việc đồng bộ, xác thực CSDL của Ngành với CSDL về dân cư hoàn thành trong năm 2022. Tiếp tục điều chỉnh, nâng cấp các phần mềm; triển khai kết nối, tích hợp các dịch vụ công trực tuyến đảm bảo đúng tiến độ theo yêu cầu tại Đề án 06 và các Quyết định của Chính phủ. Nghiên cứu, tham mưu cho Lãnh đạo Ngành chính sách tuyển dụng cán bộ CNTT chất lượng cao với chế độ đãi ngộ theo đúng quy định. Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát các quy định của pháp luật, quy định của Ngành, tổng hợp đề xuất các nội dung cần điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống văn bản tổ chức thực hiện phục vụ cho việc triển khai TTHC, DVC, dịch vụ thanh toán trực tuyến của Ngành, tính pháp lý của kết quả giải quyết TTHC bản điện tử để áp dụng trong thực tế.
“Thủ trưởng, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành phải quyết liệt, nỗ lực hơn nữa trong công tác chuyển đổi số. Phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải thực hiện, không ai được đứng ngoài cuộc vì sự mong mỏi của người dân, đòi hỏi của thực tiễn, qua đó giúp việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT của Ngành ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ người tham gia ngày càng tốt hơn” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh - Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam chia sẻ./.
PV
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, xây dựng kịch bản linh ...
Đẩy mạnh các phong trào thi đua, quyết tâm hoàn thành các ...
Công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2024 của BHXH Việt ...
BHXH các tỉnh, thành phố: Phát huy tiềm năng, quyết tâm ...
Thủ tướng bổ nhiệm và bổ nhiệm lại nhân sự Hội đồng quản lý ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?