Góp phần để DNNVV tuân thủ pháp luật về BHXH

25/05/2017 09:14 AM


Chiều 23/5, Quốc hội làm việc tại hội trường nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Toàn cảnh quốc hội (Nguồn Internet)

Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong hệ thống pháp luật hiện hành đã có những quy định hỗ trợ cho doanh nghiệp theo lĩnh vực, theo địa bàn, ngành nghề đầu tư như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, các luật về thuế, khoa học và công nghệ, công nghệ cao, chuyển giao công nghệ... Luật Hỗ trợ DNNVV được xây dựng theo quan điểm hỗ trợ theo quy mô mà đối tượng áp dụng là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa. Dự thảo Luật thiết kế theo hướng những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp mà các luật khác đã quy định thì Luật này chỉ quy định nguyên tắc chung hoặc dẫn chiếu để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật. Một số quy định trong Nghị định số 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV đã ổn định, được đánh giá phù hợp sẽ được luật hóa tối đa trong Luật này. Do vậy, nội dung của Luật mang tính khung chính sách và để triển khai thực hiện sẽ cần tiếp tục quy định cụ thể hoá trong văn bản hướng dẫn thi hành. Tham khảo kinh nghiệm của một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, pháp luật các nước này cũng quy định theo xu hướng như vậy. Không quốc gia nào có Luật quy định chi tiết toàn bộ nội dung cụ thể về hỗ trợ DNNVV. Đối với Việt Nam, lần đầu tiên ban hành luật hỗ trợ cho sự phát triển của DNNVV, không thể quy định cụ thể toàn bộ nội dung hỗ trợ DNNVV mà cần phải có các văn bản hướng dẫn dưới luật. Trong điều kiện cho phép có thể từng bước pháp điển hóa những văn bản này như kinh nghiệm của các nước.

Liên quan đến tiêu chí xác định DNNVV, trước một số ý kiến đề nghị bỏ bảng xác định, phân loại DNNVV tại Điều 4 để bảo đảm kỹ thuật lập pháp; đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm tiêu chí doanh thu, cân nhắc doanh thu từ 200-300 tỷ đồng, giảm quy mô số lao động từ 300 người xuống 200 người, thay tiêu chí số lao động bình quân bằng tiêu chí số lao động tham gia bảo hiểm xã hội và nên chọn 2 trong 3 tiêu chí; bổ sung quy định để tránh trường hợp doanh nghiệp có nhiều hơn 200 lao động nhưng chỉ đóng BHXH cho 200 lao động và vẫn được hưởng hỗ trợ; Báo cáo nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, bỏ bảng xác định, phân loại DNNVV; bổ sung tiêu chí doanh thu và áp dụng đồng thời tiêu chí về lao động và tiêu chí về tài chính (doanh thu hoặc tổng nguồn vốn); chỉnh sửa theo hướng quy định tiêu chí trần để xác định DNNVV. Việc quy định số lao động 200 người cũng được tham khảo theo tiêu chí hướng dẫn của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc UNDP. Việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia BHXH không chỉ thu hẹp đối tượng mà còn thể hiện đúng nguyên tắc Nhà nước chỉ hỗ trợ DNNVV tuân thủ các quy định pháp luật, góp phần để DNNVV tuân thủ pháp luật về BHXH.

Một số ý kiến cũng cho rằng, cần có cơ chế mạnh hơn để DN nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, vì nội dung dự thảo luật còn chung chung, chưa khuyến khích được các tổ chức tín dụng cho vay vốn, khó khả thi trong thực tế. Ủy ban TVQH cho biết, dự thảo luật đã tiếp thu và bỏ các quy định mang tính áp đặt, can thiệp trực tiếp đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, không phù hợp nguyên tắc thị trường. Để từng bước hoàn thiện hệ thống xếp hạng tín nhiệm DN, dự thảo luật đã bổ sung giao trách nhiệm cho Bộ KH-ĐT làm đầu mối phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng hệ thống thông tin phục vụ xếp hạng tín nhiệm DN nhỏ và vừa.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu, giải trình về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Ảnh nguồn Internet)

Về hỗ trợ thuế, kế toán, một số ý kiến đề nghị tất cả các DNNVV được hỗ trợ thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức quy định chung cho doanh nghiệp như hiện nay nhưng cần quy định cụ thể về mức thuế và thời hạn hỗ trợ thuế; bổ sung quy định hỗ trợ về thủ tục thuế và chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ hiện chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp.  Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý, cụ thể về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với DNNVV tại khoản 1 Điều 10 của dự thảo Luật, theo đó DNNVV được áp dụng có thời hạn mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho doanh nghiệp; bổ sung quy định doanh nghiệp siêu nhỏ được thực hiện chế độ kế toán và các thủ tục hành chính thuế đơn giản tại khoản 2 Điều 10. Tuy nhiên dự thảo Luật không quy định cụ thể về mức thuế, đối tượng và thời hạn cụ thể hỗ trợ thuế, thủ tục thuế và chế độ kế toán (giãn tần xuất kê khai thuế, mẫu kê khai đơn giản, liên thông tư vấn thuế và đại lý thuế…), mà chỉ tạo cơ sở pháp lý với những nguyên tắc chung để tiếp tục sửa đổi, bổ sung trong các luật liên quan nhằm bảo đảm nguyên tắc thống nhất, đồng bộ trong pháp luật chuyên ngành về thuế, kế toán.

Trước một số ý kiến đề nghị không quy định hỗ trợ thuế hoặc thu hẹp phạm vi theo hướng chỉ hỗ trợ thuế cho các DNNVV là đối tượng hỗ trợ trọng tâm theo quy định của Luật, không hỗ trợ thuế cho toàn bộ DNNVV, tránh làm giảm thu lớn ngân sách nhà nước; Báo cáo nêu rõ, Dự thảo Luật quy định DNNVV được hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, như vậy chỉ các doanh nghiệp có lợi nhuận mới được hưởng lợi trực tiếp từ quy định này và theo số liệu thống kê thực tế thì không phải toàn bộ DNNVV mà chỉ có khoảng 50% được hưởng chính sách này. Từ góc độ phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu, việc giảm mức thuế suất thuế TNDN với DNNVV là biện pháp hợp lý để nâng cao năng lực tài chính, khả năng sinh lời của các DNNVV và qua đó nâng cao tính bền vững và mức thu của nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp trong dài hạn. Tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Pháp… việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho DNNVV cũng được áp dụng.

PV