Phấn đấu 100% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT

12/05/2017 11:23 PM


Phấn đấu 100% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT 5/12/2017 8:47:33 PM Ngày 12/05/2017, Đoàn giám sát của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Đặng Thuần Phong làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với BHXH Việt Nam về thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Luật Phòng, chống ma tuý và Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2016. Cùng làm việc với Đoàn giám sát có Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương và lãnh đạo một số đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam.

ma tuy 120517 02.jpg
Quang cảnh buổi làm việc.

 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Luật Phòng chống ma tuý, Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm và chỉ đạo của Chính phủ, trong giai đoạn 2011-2016, ngành BHXH đã ban hành 1 quyết định, 5 công văn chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch, tổ chức các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn mại dâm, ma tuý.

Trong đó, chú trọng đặc biệt tới công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm.

Với chức năng và nhiệm vụ được giao, BHXH Việt Nam đã tích cực thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm trong toàn Ngành, trong đó tập trung vào các nội dung như tuyên truyền sâu rộng để công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành hiểu và nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của công chức, viên chức trong việc tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm ma tuý, mại dâm, không kỳ thị, xa lánh, phân biệt đối xử đối với người bị nhiễm HIV/AIDS.

Hình thức tuyên truyền được tổ chức phong phú, phù hợp với đặc thù hoạt động của mỗi địa phương, đơn vị như: thông qua các cuộc họp giao ban quý, năm của đơn vị; lồng ghép, phổ biến, triển khai trong các hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm lên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam và BHXH tỉnh; liên kết với các chuyên trang, chuyên mục trên các website chuyên ngành… tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm…

Tích cực, chủ động hưởng ứng các phong trào phòng chống HIV/AIDS, may túy, mại dâm do chính quyền, các hội, đoàn thể tại địa phương phát động; Tổ chức cho tập thể, cá nhân trong Ngành ký giao ước thi đua không vi phạm pháp luật phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm; xây dựng và nhân rộng các đơn vị và cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm tại đơn vị công tác và nơi cư trú.

Đặc biệt, BHXH Việt Nam tích cực tuyên truyền về việc khám, chữa bệnh BHYT cho những người nhiễm HIV/AIDS; sự cần thiết, quyền lợi và mức đóng, mức hưởng và thủ tục tham gia cũng như tác hại, hậu quả, hiểm họa của các tệ nạn này.
 

ma tuy 120517 01.jpg
Ông Đặng Thuần Phong phát biểu tại buổi làm việc.


Phấn đấu 100% người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT

Theo báo cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, đến hết năm 2016, cả nước có khoảng 230.000 người nhiễm HIV còn sống. Tuy nhiên, tỉ lệ người nhiễm HIV có thẻ BHYT hiện mới chỉ đạt khoảng 35%. Một trong những lý do chính người nhiễm HIV ít tham gia BHYT là vì phần lớn người nhiễm HIV không có nghề nghiệp ổn định, không có khả năng tài chính để mua thẻ BHYT. Xuất phát từ thực tế trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2188/QĐ-TTg yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm bố trí các nguồn kinh phí mua thẻ BHYT cho đối tượng nhiễm HIV, đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT, giúp có nguồn tài chính bền vững cho điều trị HIV, góp phần quan trọng vào việc giảm tử vong, giảm lây nhiễm HIV cho cộng đồng. Đồng thời, cũng là giải pháp thực hiện chính sách xã hội, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng khó khăn. Thực hiện Quyết định này, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh thành phố tham mưu cho UBND tỉnh triển khai mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV, trong đó một số địa phương đã bước đầu triển khai như Hòa Bình, Long An, Sóc Trăng, Hải Phòng, Sơn La, Tây Ninh…

BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế thuận tiện nhất về vị trí địa lý cũng như về trình độ chuyên môn, kỹ thuật; tích cực vận động người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT để được chăm sóc sức khỏe thông qua chính sách BHYT nhằm giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho bản thân và gia đình.

Theo lộ trình, từ năm 2017, việc tài trợ nguồn thuốc kháng virus HIV (ARV) từ các tổ chức quốc tế tài trợ và ngân sách nhà nước sẽ bị cắt giảm, vì vậy, giải pháp lâu dài và bền vững cho điều trị ARV là thanh toán thông qua BHYT. Như vậy, cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS khi mua BHYT sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích trong nhiều dịch vụ y tế như khám bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội,…

Thực hiện Quyết định số 2188/QĐ-TTg, ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thanh toán thuốc kháng virut HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ sử dụng thuốc kháng virus HIV; BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức triển khai việc đấu thầu tập trung cấp quốc gia thốc kháng virus HIV từ nguồn quỹ BHYT; hướng dẫn quy trình tạm ứng, thanh quyết toán; đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với cơ sở KCB điều trị bệnh HIV/AIDS và tổ chức thực hiện đúng quy định của Nhà nước.

BHXH đề nghị Chính phủ chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp bố trí hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS, trong đó giao Sở Y tế thống kê, lập danh sách số đối tượng nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn, trình UBND tỉnh phê duyệt và chuyển cơ quan BHXH thực hiện cấp thẻ BHYT, đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016; Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hàng năm bố trí các nguồn kinh phí mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV để đảm bảo 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 quy định việc thanh toán thuốc kháng virus HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia từ nguồn quỹ khám, chữa bệnh BHYT và hỗ trợ người sử dụng thuốc kháng virus HIV.

BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ Y tế sớm hoàn thiện, ban hành Thông tư hướng dẫn mua sắm, tạm ứng và thanh toán thuốc kháng virus HIV được mua sắm tập trung cấp quốc gia sử dụng nguồn quỹ khám, chữa bệnh BHYT theo Quyết định 2188/QĐ-TTg ngày 15/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ để cơ quan BHXH có cơ sở tổ chức thực hiện.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc đã đánh giá cao nỗ lực của BHXH Việt Nam trong triển khai thực hiện Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Luật Phòng, chống ma túy và Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 – 2016 và cùng trao đổi, thảo luận, đưa ra các vấn đề còn vướng mắc, tìm giải pháp, khắc phục trong thời gian tới.
 

ma tuy 120517 03.jpg
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Khương phát biểu tại buổi làm việc.


Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương cho biết, để thực hiệnLuật Phòng, chống HIV/AIDS; Luật Phòng, chống ma túy, Ngành BHXH thành lập BCĐ ở Trung ương, địa phương, có văn bản hướng dẫn chỉ đạo; Phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành Trung ương, các sở ban ngành để thực hiện và đạt được nhiều kết quả, đảm bảo quyền lợi của người nhiềm HIV/AIDS trong khám chữa bệnh BHYT.

Thời gian tới BHXH Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản quản lý nhà nước liên quan đến công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, nhất là các văn bản có liên quan đến việc thực hiện chính sách BHYT đối với những đối tượng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn Ngành về công tác thực hiện Luật Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài cần có sự chỉ đạo thống nhất trong toàn Ngành của các cấp ủy Đảng để cán bộ, công chức, viên chức và người thân trong gia đình tránh xa tệ nạn ma túy, mại dâm - một trong các nguyên nhân cơ bản dẫn đến lây nhiễm HIV/AIDS. Xác định làm tốt công tác phòng chống ma túy, mại dâm là góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh HIV/AIDS trong cộng đồng; Tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; chống kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS do các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan truyền thông phát động.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng đoàn Giám sát đánh giá cao báo cáo giải trình và sự chủ động, tích cực trong thực hiện 2 Luật của BHXH Việt Nam. BHXH Việt Nam đã ban hành các văn bản liên quan và chủ động trong thực thi; chú trọng công tác tuyên truyền, qua đó, đã nhận diện được tình hình, thực trạng, đưa ra giải pháp, tổ chức thực hiện với kỳ vọng 100% người nhiễm HIV có thẻ BHYT.

Xác định, việc tăng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT và cấp mã thẻ BHYT cho người nhiễm HIV còn nhiều khó khăn mà nguyên nhân chủ yếu do phần lớn người nhiễm HIV/AIDS vì lo sợ bị kỳ thị, lộ danh tính. Trưởng đoàn giám sát đề nghị, ngành BHXH phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong KCB cho người nhiễm HIV/AIDS; Chú trọng quyền và mức hưởng cho người nhiễm HIV/AIDS; Chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện tốt với chính sách này của Chính phủ.

Ngành BHXH quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo; Phân tích rõ tồn tại hạn chế và đưa giải pháp hưởng ứng phong trào chung của địa phương; Phát huy hơn nữa công tác tuyên truyền để tăng số lượng người nhiễm HIV/AIDS có thẻ BHYT. Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để cấp mã thẻ riêng cho người nhiễm HIV/AIDS, cải cách thủ tục hành chính để đảm bảo thuận lợi cho người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT và khám chữa bệnh BHYT./.

ĐH