10 thành tựu nổi bật của ngành BHXH Việt Nam trong 30 năm xây dựng và phát triển

10/02/2025 08:15 AM


Trong suốt 30 năm xây dựng và phát triển, với sự cố gắng và nỗ lực không ngừng của nhiều thế hệ CCVC, ngành BHXH Việt Nam đã kiên trì vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu quan trọng.

Điều này đã góp phần nâng cao vị thế của Ngành không chỉ trong hệ thống chính trị mà còn trong nhận thức của người dân và đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp. Ngành BHXH Việt Nam đã trở thành một chủ thể quan trọng trong việc thực hiện các chế độ, chính sách của hệ thống ASXH quốc gia, hướng đến phát triển hệ thống "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", qua đó củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân cũng như chủ thể tham gia BHXH, BHYT.

Cùng điểm lại 10 thành tựu nổi bật của ngành BHXH Việt Nam trong 30 năm xây dựng và phát triển:

Một là, Chính sách, pháp luật BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tiệm cận các thông lệ quốc tế. Chính sách BHXH, BHYT đã trở thành trụ cột chính của hệ thống ASXH. Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cùng đồng lòng thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân do Đảng và Nhà nước đề ra.

Hai là, Diện bao phủ BHXH, BHYT không ngừng mở rộng, đặc biệt diện bao phủ BHYT tăng trưởng ổn định, bền vững qua các năm và tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân với 94,2% dân số tham gia BHYT.

Ba là, Quyền lợi người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng với chất lượng phục vụ ngày càng tốt; số người thụ hưởng chính sách an sinh ngày càng tăng, góp phần quan trọng trong ổn định đời sống Nhân dân, phát triển bền vững đất nước.

Bốn là, Vai trò, vị thế của ngành BHXH Việt Nam được nâng cao với hệ thống tổ chức bộ máy ngày càng được hoàn thiện, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ CCVC và NLĐ toàn Ngành ngày càng chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành trong giai đoạn mới.

Năm là, Công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT ngày càng được chú trọng và chuyên nghiệp hơn, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi chính sách.

Sáu là, Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, công tác cải cách TTHC, chuyển đổi số của Ngành luôn đi tiên phong với nhiều bước tiến quan trọng trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ.

Bảy là, Quỹ BHXH trở thành quỹ an sinh lớn nhất, là nguồn lực tài chính của quốc gia lớn thứ 2 sau ngân sách Nhà nước, quỹ phát triển ổn định bền vững,  được quản lý an toàn, minh bạch và hiệu quả, bảo đảm quyền lợi an sinh lâu dài cho người dân.

Tám là, Công tác hỗ trợ, giải đáp và tư vấn cho người tham gia, thụ hưởng chính sách ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả. Ngành BHXH đã tạo ra những đột phá trong chuyển đổi tác phong từ hành chính sang dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia thụ hưởng chính sách ngày một tốt hơn.

Chín là, Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm được chú trọng góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT của các tổ chức, cá nhân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người thụ hưởng chính sách.

Mười là, Công tác hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ASXH với các đối tác khu vực và thế giới ngày càng được mở rộng, đã huy động nguồn lực và kinh nghiệm quốc tế, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển ngành BHXH Việt Nam theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế.

Đạt được các thành tựu nêu trên, BHXH Việt Nam có 10 bài học kinh nghiệm:

Một là, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng quản lý đối với công tác BHXH, BHYT. Đồng thời Ngành chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ban, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc xây dựng, triển khai tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.

Hai là, tích cực tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT, bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể, linh hoạt. Các chính sách được điều chỉnh kịp thời, phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của từng nhóm đối tượng tham gia, mở rộng quyền lợi cho người dân để đáp ứng tốt hơn nhu cầu ASXH trong bối cảnh mới.

Ba là, tăng cường kỷ cương, kỷ luật; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả; diễn đạt dễ nghe, dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, dễ đánh giá; khen thưởng, xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; khắc phục triệt để tình trạng sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm; thúc đẩy tinh thần đoàn kết, đồng lòng.

Bốn là, đẩy mạnh công tác truyền thông phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT; thực hiện thường xuyên, liên tục, chủ động, kịp thời, góp phần triển khai chủ trương, chính sách BHXH, BHYT đạt hiệu quả cao.

Năm là, chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương đưa kế hoạch và lộ trình thực hiện BHXH, BHTN, BHYT toàn dân vào các nghị quyết của các cấp ủy đảng, Hội đồng nhân dân, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia vào quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT ở các cấp bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn tại địa phương và cơ quan, đơn vị.

Sáu là, phản ứng  chính sách linh hoạt, kịp thời; chủ động nắm bắt tình hình; cân bằng giữa xử lý các vấn đề ngắn hạn với việc phát triển bền vững trong trung và dài hạn; có tinh thần quyết tâm, nỗ lực hành động, quyết liệt, dứt khoát.

Bảy là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách BHXH, BHTN, BHYT, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi của người tham gia.

Tám là, quản lý tài chính, tài sản một cách hiệu quả, bảo đảm thu, chi và đầu tư tăng trưởng an toàn và bền vững. Quyền lợi của người tham gia được giải quyết, chi trả đầy đủ và kịp thời. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm ngặt để phòng ngừa gian lận và trục lợi quỹ BHXH.

Chín là,  tiên phong trong việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, cùng với việc cải cách thủ tục hành chính, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phục vụ người dân.

Mười là, định kỳ ngành BHXH tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm và kịp thời điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch, lộ trình và giải pháp để bảo đảm sự phù hợp và hiệu quả trong thực hiện các chính sách BHXH, BHYT./.

Phạm Chính