Áp dụng mức lương cơ sở mới: Nhiều tác động tích cực với người lao động

08/07/2024 10:43 AM


Lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng từ ngày 1/7/2024 có nhiều tác động tích cực đến chế độ đóng, hưởng BHXH của người lao động.

Tăng mức hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh

Theo Nghị định 146 của Chính phủ, người đóng BHYT từ đủ 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh.

Như vậy, từ 1/7, mức chi trả này tăng từ 10,8 triệu đồng lên 14,04 triệu đồng.

Tăng mức trợ cấp 1 lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi

Theo Luật BHXH năm 2014, lao động nữ sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được trợ cấp 1 lần/con bằng 2 lần mức lương cơ sở.

Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp 1 lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con.

Từ 1/7, mức trợ cấp trên được điều chỉnh tăng từ 2,98 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng.

Ngoài ra, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản một ngày cũng tăng từ 447 nghìn đồng lên 540 nghìn đồng/ngày.

Tăng mức trợ cấp 1 lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người lao động suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 5 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.

Người lao động hưởng nhiều quyền lợi sau khi tăng lương cơ sở từ 1/7 (Ảnh minh họa)

Từ 1/7, mức này được điều chỉnh tăng từ 7,45 triệu đồng lên 9 triệu đồng nếu suy giảm 5% khả năng lao động; sau đó cứ suy giảm thêm 1% được hưởng thêm 900 nghìn đồng.

Theo luật, lao động suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở. Do lương cơ sở điều chỉnh, mức này tăng từ 447 nghìn đồng lên 540 nghìn đồng/tháng nếu suy giảm 31% khả năng lao động, sau đó cứ suy giảm thêm 1% được hưởng thêm 36 nghìn đồng/tháng.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống, mù 2 mắt, cụt, liệt 2 chi hoặc bị tâm thần, ngoài mức trợ cấp hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở. Từ 1/7, mức này tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Tăng mức trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Luật An toàn, vệ sinh lao động quy định, người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị chết trong thời gian điều trị mà chưa được giám định thì thân nhân được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 36 lần mức lương cơ sở. Từ 1/7, mức này tăng từ 64,8 triệu đồng lên 84,24 triệu đồng.

Tăng mức dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau điều trị thương tật, bệnh tật

Theo Luật An toàn, vệ sinh lao động, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau điều trị thương tật, bệnh tật 1 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng thì mức phụ cấp này tăng từ 540 nghìn đồng/ngày lên 702 nghìn đồng/ngày.

Tăng mức lương hưu thấp nhất

Luật BHXH 2014 quy định, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở.

Do vậy từ 1/7, mức này tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng.

Tăng mức trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hàng tháng

Luật BHXH 2014 quy định, thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người lao động chết. Từ 1/7, mức này tăng từ 18 triệu đồng lên 23,4 triệu đồng.

Ngoài ra, theo luật, mức trợ cấp tuất hàng tháng đối với mỗi thân nhân đủ điều kiện hưởng bằng 50% mức lương cơ sở. Do vậy mức này cũng được điều chỉnh tăng từ 900 nghìn đồng/tháng lên 1,17 triệu đồng/tháng.

Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hàng tháng bằng 70% mức lương cơ sở. Vậy nên, từ 1/7, mức này tăng từ 1,26 triệu đồng lên 1,638 triệu đồng/tháng./.

Thắng Trần