Tài liệu: Cuộc thi sáng tác ca khúc về chính sách BHXH, BHYT, BHTN của Đảng và Nhà nước với chủ đề: “BHXH Việt Nam – Trụ cột an sinh xã hội”

19/06/2024 03:34 PM


Giới thiệu khái quát về những đặc trưng, tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, BHTN và quá trình hình thành, phát triển, những thành tựu của ngành BHXH Việt Nam cung cấp cho các nhạc sĩ, người dân nghiên cứu sáng tác ca khúc về chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Cách đây gần 30 năm, ngày 16/02/1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký ban hành Nghị định số 19/CP của Chính phủ thành lập Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. Đây là một trong những bước đi quan trọng trong lộ trình cải cách chính sách xã hội và tổ chức thực hiện BHXH ở nước ta. Trải qua gần 30 năm xây dựng và phát triển (16/02/1995-16/02/2025), với vị trí là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT); tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH, BHTN, BHYT; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật, ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, khẳng định chính sách BHXH, BHYT, BHTN là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

1. BHXH, BHYT, BHTN - Chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước

Chính sách BHXH, BHYT, BHTN là những chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thể hiện sự quan tâm sâu sắc, trách nhiệm to lớn của Đảng, Nhà nước đối với đời sống vật chất, tinh thần của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ), góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

1. 1. Bảo đảm an sinh xã hội cho NLĐ và NSDLĐ

- Chính sách BHXH: Giúp NLĐ có nguồn thu nhập thay thế khi về hưu, mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản...

- Chính sách BHYT: Giúp NLĐ và gia đình được chi trả chi phí khám chữa bệnh, giảm gánh nặng chi phí y tế cho gia đình (Mệnh giá thẻ BHYT thấp với mức chi trả không giới hạn…).

- Chính sách BHTN: Giúp NLĐ có nguồn thu nhập thay thế khi bị mất việc làm, hỗ trợ NLĐ học nghề, duy trì việc làm,...

1.2. Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

- Tạo nguồn nhân lực ổn định: NLĐ yên tâm lao động sản xuất khi được bảo đảm an sinh xã hội, góp phần nâng cao năng suất lao động.

- Giảm thiểu tệ nạn xã hội: Giúp NLĐ có cuộc sống ổn định, hạn chế các tệ nạn xã hội.

1.3. Thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái

- Sự đóng góp của mỗi cá nhân: Mỗi cá nhân tham gia đóng góp BHXH, BHYT, BHTN là góp phần xây dựng quỹ BHXH, BHYT, BHTN, giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ với những người gặp khó khăn.

- Sự chia sẻ của cộng đồng: Quỹ BHXH, BHYT, BHTN được sử dụng để chi trả cho những người tham gia khi gặp rủi ro, thể hiện sự chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng.

1.4. Nâng cao chất lượng cuộc sống

- Giúp NLĐ và gia đình an tâm trong cuộc sống: Khi có BHXH, BHYT, BHTN, NLĐ và gia đình không còn lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra, an tâm lao động, học tập và vui chơi giải trí.

- Tạo điều kiện cho NLĐ phát triển toàn diện: Khi được bảo đảm an sinh xã hội, NLĐ có điều kiện học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, góp phần phát triển bản thân và gia đình.

2. Khái quát quá trình hình thành và phát triển ngành BHXH Việt Nam

Nền an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT nói riêng là nền tảng quan trọng cho sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị- xã hội. Ngay từ khi thành lập nước, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy định về các chế độ BHXH và nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Trong giai đoạn này, chính sách BHXH chỉ áp dụng cho cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu vực Nhà nước và lực lượng vũ trang; Quỹ BHXH chủ yếu do ngân sách Nhà nước đảm bảo; các chế độ được thực hiện phân tán bởi tổ chức BHXH thuộc hệ thống Lao động - Thương binh & Xã hội và Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Năm 1986, Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng đã lãnh đạo đất nước bước vào thời kỳ đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh đó, quan hệ lao động theo cơ chế mới cũng hình thành, đòi hỏi phải có những thay đổi tương ứng về chính sách xã hội nói chung, chính sách BHXH nói riêng.

Để đáp ứng yêu cầu khách quan này, năm 1994, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động, trong đó có một chương quy định về BHXH bắt buộc. Theo đó, tất cả những người lao động làm công ăn lương trong các đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế đều là đối tượng tham gia BHXH. Quỹ BHXH từ chỗ chủ yếu do ngân sách Nhà nước bảo đảm, đã dần tiến tới hình thành nguồn Quỹ tập trung, độc lập với ngân sách, tự hạch toán bằng sự đóng góp của chủ sử dụng lao động, người lao động, được Nhà nước bảo trợ…

Cùng với việc đổi mới chính sách, ngày 16/02/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động- Thương binh & Xã hội và Liên đoàn Lao động với chức năng, nhiệm vụ chính là tổ chức thu BHXH, chi BHXH, giải quyết chế độ chính sách và bảo toàn, đầu tư, tăng trưởng Quỹ BHXH. Hệ thống BHXH Việt Nam được tổ chức và quản lý tập trung, thống nhất, từ cấp Trung ương đến cấp quận, huyện.

Đây được xem là những bước đổi mới quan trọng trong hệ thống chính sách và việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH nhằm đáp ứng nhiều mục tiêu: Tạo sự công bằng về quyền lợi đối với lao động thuộc tất cả các thành phần kinh tế, thúc đẩy sự luân chuyển lao động, tạo cơ sở hình thành thị trường lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giảm dần gánh nặng đối với ngân sách Nhà nước, đồng thời nâng cao trách nhiệm thực hiện chính sách của cả người sử dụng lao động và người lao động…Đặc biệt, việc hình thành hệ thống tổ chức BHXH thống nhất đã giải quyết những vướng mắc chồng chéo giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý sự nghiệp, tạo điều kiện cho các hoạt động của sự nghiệp BHXH, BHYT ngày càng hiệu quả, phù hợp với xu hướng chung của thế giới...

Thực hiện tiến trình cải cách bộ máy của Chính phủ, ngày 24/01/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg chuyển BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam. Từ đây, cùng với việc đảm bảo các chế độ BHXH cho người lao động, BHXH Việt Nam còn được giao thêm nhiệm vụ thực hiện chế độ BHYT cho các đối tượng tham gia BHYT. Ngày 06/12/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam, bãi bỏ các quy định trước đây về tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam và BHYT Việt Nam. Theo đó, BHXH Việt Nam là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, có chức năng thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT và quản lý Quỹ BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật. Hệ thống tổ chức của BHXH Việt Nam gồm 03 cấp: ở Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.

Thực hiện Luật BHXH năm 2006, ngày 22/8/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới. Theo quy định tại Nghị định này, “BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHYT bắt buộc, BHYT tự nguyện; tổ chức thu, chi chế độ BHTN; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHTN, BHYT bắt buộc, BHYT tự nguyện theo quy định của pháp luật”. BHXH Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống dọc, tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Hiện nay, thực hiện Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 04/8/2020 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam, với vị trí là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BHTN; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH, BHTN, BHYT; thanh tra chuyên ngành việc đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật, BHXH Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống ngành dọc, tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, gồm 03 cấp: Ở Trung ương là BHXH Việt Nam; Ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc BHXH Việt Nam và ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là BHXH huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc BHXH tỉnh.

3. Lan tỏa giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT

Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển (16/02/1995-16/02/2025), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự cố gắng nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (CCVC), ngành BHXH Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, từng bước khẳng định chính sách BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngành BHXH Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực tham gia, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện nhiều dự Luật quan trọng trình Quốc hội thông qua, làm hành lang pháp lý cho việc tổ chức, thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật BHXH, BHYT như: Luật BHXH, Luật BHYT; Luật Việc làm; Luật An toàn, vệ sinh lao động...

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN ngày càng hoàn thiện. Chính sách BHXH từ chỗ chỉ thực hiện cho đội ngũ CCVC Nhà nước với hình thức bắt buộc, đã được mở rộng và thực hiện cho mọi NLĐ theo hai hình thức: BHXH bắt buộc đối với NLĐ có quan hệ lao động theo quy định và BHXH tự nguyện đối với NLĐ làm việc tự do, lao động là nông - lâm - ngư nghiệp, tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH….Chính sách BHYT liên tục được sửa đổi, hoàn thiện theo hướng công bằng, hiệu quả, bảo đảm cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, hướng đến cải thiện chất lượng sức khỏe của người dân.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam, công tác truyền thông phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trong 30 năm qua có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, đã và đang tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân về giá trị nhân văn, ưu việt của chính sách BHXH, BHYT, BHTN góp phần tạo niềm tin sâu sắc trong toàn xã hội về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước nói chung và chính sách BHXH, BHYT, BHTN nói riêng.

Song song với đó, công tác phát triển, mở rộng người tham gia BHXH, BHYT, BHTN cũng luôn được BHXH Việt Nam tích cực, chủ động triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể: Số người tham gia BHXH đến hết năm 2023 là 18,418 triệu người (đạt khoảng 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi), tăng trên 16,2 triệu người so với năm 1995. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đã có sự tăng trưởng vượt bậc, đến hết năm 2023 là gần 1,917 triệu người (vượt 1,59% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 tại Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương). Số người tham gia BHTN đạt 14,791 triệu người (đạt khoảng 31,52% lực lượng lao động trong độ tuổi). Đặc biệt, số người tham gia BHYT là 93,628 triệu người (đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số), cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị. (Trong khi đó, theo thống kê từ một số quốc gia có nền kinh tế phát triển, để đạt mục tiêu BHYT toàn dân như thành tựu chúng ta đã đạt được, nước bạn phải mất lộ trình triển khai từ 40 đến 80 năm).

Đi đôi với sự gia tăng của đối tượng tham gia, số thu BHXH, BHYT, BHTN cũng liên tục tăng theo thời gian. Cuối năm 2023, tổng số thu BHXH, BHTN, BHYT đạt 102,77% dự thoán Thủ tướng chính phủ giao. Điều này khẳng định, mỗi năm đã có thêm hàng trăm ngàn lao động, hàng triệu người dân được thụ hưởng các quyền lợi an sinh cơ bản nhất theo quy định của Hiến pháp thông qua các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; tiến tới thực hiện thành công các mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng.

Xác định việc bảo đảm tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ là hết sức quan trọng, ngành BHXH Việt Nam đã chủ động đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH, BHYT, BHTN và kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, góp phần quan trọng đưa số tiền chậm động/số tiền phải thu xuống mức thấp nhất. Con số này đã góp phần rất lớn trong việc bảo vệ các quyền lợi an sinh chính đáng của NLĐ.

4. Đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách

Công tác quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện kịp thời, đúng quy định; đặc biệt là chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, việc giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN căn cứ vào dữ liệu quản lý quá trình tham gia đóng, đảm bảo nguyên tắc "đóng - hưởng"; phương thức hoạt động của hệ thống ngành BHXH Việt Nam được đổi mới theo hướng phục vụ, đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công ích, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm phiền hà, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ và Nhân dân.

Đến nay, toàn ngành BHXH Việt Nam luôn đảm bảo việc giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ và các tầng lớp Nhân dân được kịp thời, đúng quy định. Chỉ tính riêng trong năm 2023, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết cho 108.441 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng (trong đó có 86.778 người hưởng lương hưu, tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2022); 1.407.397 người hưởng các chế độ trợ cấp BHXH một lần (trong đó có 1.202.714 người hưởng BHXH một lần, tăng 20,58% so với cùng kỳ năm 2022); 9.411.683 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe). Phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết 1.049.267 người hưởng trợ cấp thất nghiệp (tăng 9,34% so với cùng kỳ năm 2022), 19.767 người hưởng hỗ trợ học nghề.

Công tác thực hiện chính sách BHYT được triển khai động bộ nhiều giải pháp; kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi của người tham gia BHYT; chống trục lợi, tối ưu quỹ BHYT. BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan giải quyết khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT; BHXH địa phương chủ động phối hợp Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố để giải quyêt khó khăn, vướng mắc trong công tác khám chữa bệnh (KCB) và thanh toán chi phí KCB BHYT. Kết quả chỉ trong năm 2023, đã có hơn 174 triệu lượt KCB BHYT, tăng trên 22,6 triệu lượt KCB so với năm 2022; số chi KCB BHYT khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng. Qua đó đã góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn…

Có thể khẳng định, qua gần 30 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực không ngừng để tạo nên những dấu ấn quan trọng trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN dần hoàn thiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng; khẳng định được vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.

5. Xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp và hiệu quả

Đến nay, sau gần 30 năm nỗ lực cống hiến và trưởng thành, ngành BHXH Việt Nam được tổ chức và quản lý theo hệ thống ngành dọc, tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, với mạng lưới rộng lớn phủ khắp các quận, huyện thuộc 63 tỉnh, thành phố; đang từng ngày, từng giờ phục vụ gần 18,5 triệu người dân tham gia BHXH, gần 14,8 triệu người lao động tham gia BHTN và trên 93,6 triệu người tham gia BHYT.

Đặc biệt, ngành BHXH Việt Nam rất coi trong công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đẩy mạnh việc chuyển đổi số bao phủ hầu hết các hoạt động nghiệp vụ, giúp rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm bớt được các khâu trung gian, các hoạt động tác nghiệp trở nên nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN; Tích hợp, kết nối liên thông, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ để quản lý, thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHTN, BHYT; Xây dựng, triển khai thành công ứng dụng BHXH số trên nền tảng thiết bị di động “VssID - Bảo hiểm xã hội số” nhằm công khai, minh bạch quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Ứng dụng VssID-BHXH số là bước đột phá mạnh mẽ trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam. Sau hơn 3 năm triển khai, người dùng ngày càng hiểu được lợi ích, ý nghĩa vai trò của ứng dụng VssID không chỉ trong việc cung cấp thông tin, tra cứu, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến về BHXH, BHYT, BHTN mà còn giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN của chủ SDLĐ cho NLĐ, góp phần ngăn chặn lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Với các tính năng thiết thực của ứng dụng, đến nay ứng dụng VssID-BHXH số đã thu hút trên 35 triệu người sử dụng và nhận được nhiều phản hồi tích cực, đánh giá cao từ phía người dân.

Việc rà soát, cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực tham gia và giải quyết chế độ về BHXH, BHYT được tiến hành thường xuyên theo hướng rút gọn, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan BHXH. Số lượng thủ tục, giấy tờ, biểu mẫu, hồ sơ, thời gian thực hiện được cắt giảm tối đa; đẩy mạnh giao dịch điện tử (người dân, doanh nghiệp có thể tương tác, giao dịch với cơ quan BHXH 24/7): Bộ thủ tục hành chính được cắt giảm từ 114 thủ tục (năm 2025) chỉ còn 25 thủ tục; trong đó 100% thủ tục được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4.

Với lợi thế về hệ thống cơ sở dữ liệu lớn thường xuyên được làm giàu, BHXH Việt Nam tập trung nguồn lực, điều kiện cần thiết, quyết liệt, đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số mạnh mẽ trong từng lĩnh vực công tác của Ngành trên cơ sở nền tảng, hạ tầng CNTT sẵn có, cùng với cả hệ thống chính trị, BHXH Việt Nam đã nỗ lực, chủ động và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của Ngành theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, vì sự hài lòng của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Công tác truyền thông thường xuyên được đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm trọng điểm, đa dạng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Trong 30 năm xây dựng và phát triển, với những thành tích xuất sắc đã đạt được, ngành BHXH Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Phát huy những thành tựu đã đạt được qua 30 năm xây dựng và phát triển, tập thể công chức viên chức ngành BHXH Việt Nam quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao, nhằm sớm hoàn thành mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân./.

TT