Danh mục vị trí việc làm ngành BHXH Việt Nam

02/02/2024 01:55 PM


Ngày 25/01/2024, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 33/QĐ-BHXH phê duyệt Danh mục vị trí việc làm ngành BHXH Việt Nam gồm Danh mục vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; Danh mục vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; Danh mục vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành; Danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

Danh mục vị trí việc làm ngành BHXH Việt Nam được xây dựng căn cứ Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/6/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức; Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và các Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính của các Bộ, ngành; Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/01/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; các văn bản hướng dẫn của Bộ Nội vụ và trên cơ sở tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị trực thuộc và BHXH địa phương sau hội nghị tập huấn xây dựng Đề án vị trí việc làm ngành BHXH.

Ban hành danh mục vị trí việc làm ngành BHXH Việt Nam (Ảnh minh họa)

Tại các danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 33/QĐ-BHXH, ngành BHXH Việt Nam có 157 vị trí việc làm, trong đó, có 27 vị trí thuộc danh mục vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; 71 vị trí thuộc danh mục viên chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; 53 vị trí thuộc danh mục nghiệp vụ chuyên ngành và 06 vị trí thuộc danh mục hỗ trợ, phục vụ.

Trên cơ sở danh mục vị trí việc làm ban hành kèm theo Quyết định số 33/QĐ-BHXH, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng Đề án vị trí việc làm, Bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm của đơn vị đảm bảo đáp ứng các yêu cầu chung, phù hợp với quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền. Các vị trí việc làm cần được xây dựng với mức độ khái quát cao theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, có tính đến mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động, quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của công việc theo chức năng, nhiệm vụ tương ứng với từng ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Bên cạnh đó, việc xác định cơ cấu áp dụng ngạch công chức đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý thực hiện theo Công văn số 64/BNV-CCVC ngày 05/01/2024 của Bộ Nội vụ và đáp ứng yêu cầu “Kế thừa và từng bước điều chỉnh để cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị”. Định biên theo từng vị trí việc làm xây dựng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, phạm vi hoạt động của từng đơn vị, khối lượng công việc, đối tượng phục vụ,…

Việc xây dựng và phê duyệt Đề án vị trí việc làm của các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam từ Trung ương đến địa phương là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo lộ trình thực hiện Đề án vị trí việc làm và Cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Đồng thời, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch hoạch định, tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, nâng ngạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, khen thưởng...đối với công chức, viên chức phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao; Thực hiện sắp xếp, bố trí công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm, trên cơ sở cơ cấu ngạch được phê duyệt, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; Đổi mới phương pháp quản lý, đánh giá công chức, viên chức theo từng vị trí; đảm bảo khoa học, hiệu quả, công khai, minh bạch, phát huy năng lực, khả năng công tác của công chức, viên chức.

Vụ Pháp chế