Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh: Ngành BHXH vượt qua khó khăn, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT; bảo đảm quyền lợi người tham gia
01/01/2021 06:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2020 kết thúc với nhiều gam mầu trầm trong bức tranh kinh tế - xã hội thế giới và trong nước do những tác động tiêu cực, nặng nề của đại dịch Covid-19. Ở Việt Nam, năm 2020, còn phải kể đến những thiệt hại lớn từ bão lũ. Trong bối cảnh đó, với vai trò nòng cốt của hệ thống an sinh xã hội, thời gian qua, chính sách BHXH, BHYT đã phát huy hiệu quả tích cực giúp hàng triệu người dân, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Nhìn lại 1 năm đầy thách thức trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã dành cho Cổng TTĐT BHXH Việt Nam cuộc trao đổi, chia sẻ về chủ đề này.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh
Tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19 tới an sinh xã hội
PV: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến lĩnh vực an sinh xã hội, nhất là trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở nước ta, thưa Tổng Giám đốc?
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh:
Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến kinh tế-xã hội tất cả các quốc gia, và hiện vẫn còn diễn biến phức tạp. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020 GDP Việt Nam tăng 2,91%, là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ gần đây. Phát triển doanh nghiệp chịu tác động lớn, hầu hết doanh nghiệp đều thận trọng trong việc đầu tư thêm vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Năm 2020, số lượng doanh nghiệp thành lập mới là 134.941 doanh nghiệp, giảm 2,3% so với năm 2019.
Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thực hiện an sinh xã hội nói chung, chính sách BHXH, BHYT, BHTN nói riêng. Nguy cơ nợ BHXH tăng do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn. Giảm lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN do lao động mất việc làm, số doanh nghiệp thành lập mới không tăng. Gây áp lực đến mở rộng người tham gia BHXH tự nguyện do phải thực hiện giãn cách xã hội, khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động…
Nếu như tháng 12/2019, toàn quốc số người tham gia BHXH bắt buộc là 15.200.000 người; thì tháng 5/2020 con số này chỉ còn 14.404.000 người, giảm 796 nghìn người; số nợ BHXH, BHYT tăng lên trên 5% so với kế hoạch thu vào tháng 4/2020. Số doanh nghiệp, đơn vị, tạm đóng quỹ hưu trí và tử tuất; danh sách người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, ngừng việc gia tăng…
Sáng tạo trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT
PV: Có thể thấy, những tác động của đại dịch Covid-19 là rất nặng nề. Để góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giúp người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, xin Tổng Giám đốc cho biết, BHXH Việt Nam đã cùng Chính phủ, bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp như thế nào và kết quả đạt được ra sao?
Ngay khi có dịch bệnh bùng phát, Chính phủ đã có những giải pháp cụ thể, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, cùng sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân. Chính phủ khởi động mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan chức năng triển khai nhiều gói hỗ trợ và biện pháp thiết thực để doanh nghiệp tăng sức đề kháng, từng bước bình thường hóa hoặc điều chỉnh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Là cơ quan Chính phủ chuyên trách thực hiện các chính sách BHXH, BHYT - hai trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội - BHXH Việt Nam đã chủ động, bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch. Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 như: cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (gửi hồ sơ, nhận và trả kết quả trực tuyến) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia của Chính phủ; chi trả lương hưu, chế độ BHXH qua tài khoản ATM và hệ thống ngân hàng; giãn, hoãn đóng của doanh nghiệp vào quỹ hưu trí, tử tuất theo chỉ đạo của Chính phủ; đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT.
BHXH Việt Nam đã có nhiều hoạt động tặng thẻ BHYT, sổ BHXH tự nguyện, hỗ trợ người dân gặp khó khăn
Mới nhất, BHXH Việt Nam đã công bố ứng dụng "VssID-Bảo hiểm xã hội số" trên điện thoại thông minh với nhiều tiện ích giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19 tiếp xúc trực tiếp trong tham gia, tra cứu, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, đáp ứng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, với những giải pháp truyền thông, vận động sáng tạo, phù hợp nên mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT vẫn đạt được kết quả tích cực. Hết năm 2020, diện bao phủ BHXH được mở rộng với hơn 16,1 triệu người tham gia, đạt 32,6% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,1 triệu người, tăng gần gấp đôi so với năm 2019, tăng 1,2% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28 của Đảng và tăng gấp 5 lần so với năm 2015. Duy trì và tăng trưởng đối tượng tham gia BHYT theo lộ trình BHYT toàn dân với 88 triệu người tham gia, chiếm 90,85% dân số, vượt 0,15% chỉ tiêu bao phủ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ; đặc biệt, so với mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị vượt 10,85%;…
Công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHYT được thực hiện kịp thời, với phương thức quản lý hiện đại, linh hoạt, sáng tạo, nhất là trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19, bão lũ tại Miền Trung; đẩy mạnh giao dịch điện tử, tăng cường sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho người tham gia, thụ hưởng chính sách.
Trong năm 2020, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết gần 134 nghìn người hưởng mới BHXH hàng tháng; gần 9,6 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; gần 167,3 triệu lượt người KCB BHYT;... Duy trì việc chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng cho trên 3,2 triệu người (trong đó: chi trả bằng tiền mặt cho gần 2,5 triệu người; chi trả cho trên 700 nghìn người qua tài khoản cá nhân).
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, chính sách BHTN cũng giúp hàng trăm nghìn người lao động có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống; giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính, vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, vì không phải cấp một khoản kinh phí cũng như thời gian để xây dựng chính sách, trình tự, thủ tục để tổ chức thực hiện hỗ trợ cho đối tượng này. Năm 2020, toàn quốc đã giải quyết chế độ BHTN cho hơn 1 triệu người với số tiền chi trả hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ 2019…
Tập trung triển khai 08 nhóm giải pháp trọng tâm
PV: Hiện nay, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh Covid-19 tuy nhiên những diễn biến của dịch bệnh vẫn rất phức tạp, với nhiều hậu quả kéo dài. Để tiếp tục hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, hỗ trợ tốt hơn nữa cho người dân, người lao động, doanh nghiệp, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ triển khai, thực hiện những giải pháp nào, thưa Tổng Giám đốc?
Với sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm của Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, sự đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, hiện nay, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, không để lây lan trong cộng đồng, tạo điều kiện dần phục hồi kinh tế - xã hội. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế năm 2020 Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN-5, quy mô GDP đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, những diễn biến của dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp, nhất là trên thế giới nên sẽ có những tác động, hậu quả dài tới nước ta. Vì vậy, BHXH Việt Nam xác định, thời gian tới sẽ tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp trọng tâm gồm:
Một là, tiếp tục chủ động, tích cực tham gia với các Bộ, ngành hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân; Kịp thời tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định mới về BHXH, BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Hai là, tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, linh hoạt, sáng tạo để hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 125 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28; các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021.
Ba là, đẩy mạnh việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, đặc biệt là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Đa dạng, đẩy mạnh các hình thức truyền thông phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN
Bốn là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành ở Trung ương, các tổ chức chính trị, xã hội, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tổ chức thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông BHXH, BHYT tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện để cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT theo tinh thần Nghị quyết số 28.
Năm là, giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHYT đảm bảo chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người thụ hưởng; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ. Quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH ngắn hạn, trợ cấp một lần, chi trả trợ cấp thất nghiệp; chủ động kiểm soát chi phí KCB BHYT đảm bảo đúng quy định và dự toán được Chính phủ giao năm 2021. Đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi trốn đóng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
Sáu là, tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ; liên thông dữ liệu với các bộ, ngành; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng BHXH số - VssID.
Bảy là, tiếp tục kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; triển khai hiệu quả Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị định số 89 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức toàn Ngành vững nghiệp vụ chuyên môn, chuyên nghiệp, tận tụy, năng động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ.
Tám là, thực hiện phân công, phân nhiệm đảm bảo nguyên tắc: rõ người, rõ việc, rõ quy trình, trách nhiệm; phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, chuyển đổi mạnh mẽ tác phong làm việc sang phục vụ người tham gia, thụ hưởng chính sách tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Một vấn đề đang được rất nhiều người lao động quan tâm trong đại dịch Covid-19 là chính sách BHTN. Với vai trò là cơ quan thực hiện chính sách này, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức thu, chi các chế độ BHTN, quản lý và sử dụng quỹ BHTN theo quy định của Luật Việc làm và các quy định liên quan. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam sẽ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường giám sát việc thực hiện các chế độ BHTN nhằm đưa người lao động thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động, đánh giá lại công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động bị thất nghiệp (cả về mặt chính sách cũng như hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện chính sách dạy nghề, hệ thống tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động bị thất nghiệp hiện nay). Từ đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách về hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động. Mở rộng điều kiện hỗ trợ để người sử dụng lao động dễ tiếp cận hơn với chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Bổ sung thêm các khoản hỗ trợ khác ngoài hỗ trợ học nghề. Đổi mới, nâng cao chất lượng của các trung tâm dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm; gắn công tác dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, thị trường lao động… để chính sách BHTN phát huy hiệu quả tốt hơn nữa.
Tiếp tục nỗ lực góp phần bảo đảm an sinh xã hội đất nước
PV: Khép lại một năm nhiều biến động, khởi đầu một năm mới với không ít mục tiêu, nhiệm vụ cần hoàn thành theo các Nghị quyết của Trung ương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, Tổng Giám đốc có thông điệp gì gửi tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành?
Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, ý thức trách nhiệm, quyết tâm cao và sáng tạo không ngừng, năm 2020, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội đất nước.
Bước sang năm 2021 - năm cần hoàn thành mục tiêu đầu tiên của Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH. Theo đó, toàn quốc cần phấn đấu: Đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tỉ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; giảm số giờ giao dịch giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp đạt mức ASEAN 4; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 80%. Đây là những mục tiêu lớn.
Ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa chính sách BHXH, BHYT, BHTN
Để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo BHXH Việt Nam, tôi xin hứa sẽ tập trung cao độ trong công tác chỉ đạo điều hành, tập trung mọi nguồn lực, giải pháp để triển khai có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; xứng đáng với sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, sự tin tưởng của Nhân dân.
Tôi mong rằng, trong năm 2021, toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo quyền lợi người tham gia; lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Khởi đầu năm mới, tôi chúc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành BHXH Việt Nam và gia đình sức khoẻ, hạnh phúc và thành công!
PV: Trân trọng cảm ơn Tổng Giám đốc!
PV (thực hiện)
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
BHXH tỉnh Quảng Nam hoàn thành chi trả lương hưu, trợ cấp ...
BHXH Việt Nam đề nghị các ngân hàng hỗ trợ người hưởng ...
Triển khai Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh ...
Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2024 và phương ...
Bản tin Audio số 45 - Tuần 1 tháng 1/2025
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?