4 chính sách mới liên quan đến Nhà giáo có hiệu lực hôm nay, 20/11

20/11/2020 09:12 AM


Hôm nay, ngày 20/11/2020 là ngày Nhà giáo Việt Nam đồng thời cũng là ngày chính thức có hiệu lực của rất nhiều văn bản liên quan đến giáo viên.

1. Giảng viên cao đẳng sư phạm có hệ số lương đến 8,0

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập.

Theo đó, giảng viên giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập gồm 03 chức danh: Giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp; Giảng viên cao đẳng sư phạm chính và Giảng viên cao đẳng sư phạm với mức lương như sau:

- Giảng viên cao đẳng sư phạm cao cấp (hạng I): Có hệ số lương dao động từ 6,2 - 8,0 tương ứng mức lương từ 9,238 - 11,92 triệu đồng/tháng;

- Giảng viên cao đẳng sư phạm chính (hạng II): Có hệ số lương dao động từ 4,4 - 6,78 tương ứng mức lương từ 6,556 - 10,1022 triệu đồng/tháng;

- Giảng viên cao đẳng sư phạm (hạng III): Có hệ số lương dao động từ 2,34 - 4,98 tương ứng mức lương từ 3,4866 - 7,4202 triệu đồng/tháng.

Ảnh minh hoạ

2. Thời gian làm việc của giảng viên cao đẳng sư phạm

Tại Thông tư 36/2020/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về chế độ làm việc của đối tượng này.

Cụ thể, thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần tương đương với 1.760 giờ hành chính để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác.

Thời gian làm việc này được xác định theo năm học sau khi đã trừ đi số ngày nghỉ theo quy định.

Tuy nhiên, giảng viên đang tập sự, thử việc chỉ thực hiện tối đa 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy đồng thời được miễn giảm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học mà dành thời gian này để dự giờ và thực tập, thực tế.

3. 11 thông tin có trên cổng thông tin điện tử của các trường học

Việc tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và cổng thông tin điện tử tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên vừa được ban hành tại Thông tư 37/2020/TT-BGDĐT.

Cụ thể, 11 thông tin có trên cổng thông tin điện tử của các trường học bao gồm:

- Thông tin giới thiệu về sơ đồ, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; thông tin liên hệ, trao đổi, giải đáp thắc mắc của cơ sở giáo dục với người dân;

- Tin tức, sự kiện về hoạt động, các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của cơ sở giáo dục;

- Thông tin về dịch vụ trực tuyến xét tuyển đầu cấp học (trong đó gồm đăng ký và điền mẫu đơn trực tuyến, thông báo kết quả trực tuyến);

- Mục lấy ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân…

4. Thời gian giảng dạy online liên kết nước ngoài

Liên kết đào tạo với nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến được quy định cụ thể tại Thông tư 38/2020/TT-BGDĐT.

Cơ sở đào tạo Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thực hiện chương trình liên kết đào tạo theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến bảo đảm thời lượng giảng dạy trực tuyến không quá 30% tổng thời gian giảng dạy của chương trình.

Trong đó, với học phần giảng trực tuyến, ngoài giảng viên giảng dạy chính thì còn có giảng viên giữ vai trò trợ giảng hỗ trợ chuyên môn và người hỗ trợ kỹ thuật. Hai cơ sở đào tạo nước ngoài và Việt Nam phải thống nhất xây dựng quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của mỗi vị trí nêu trên.

Tất cả những chính sách trên đều có hiệu lực từ ngày 20/11/2020./.

PV