Đề xuất tăng 12,5% học phí bậc đại học từ năm học 2021-2022

13/11/2020 04:08 PM


Bộ GD-ĐT đang dự thảo đề xuất từ năm học 2021-2022, học phí bậc đại học tăng 12,5% so với năm học 2020-2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thông tin này được đưa ra trong dự thảo lần thứ 2 Nghị định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Nghị định này nếu được thông qua sẽ thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 (sẽ hết hiệu lực từ năm học 2021-2022).

Theo dự thảo này, cơ sở giáo dục đại học tự bảo đảm chi thường xuyên đồng thời đáp ứng điều kiện tự chủ và tiêu chí kiểm định chương trình đào tạo trong nước mức cao nhất theo quy định hiện hành hoặc chương trình chất lượng quốc tế được tự xác định mức thu học phí đối của ngành đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Cơ sở giáo dục đại học tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng chưa đáp ứng điều kiện tự chủ được xác định mức học phí từng ngành theo hệ số điều chỉnh so với mức trần học phí quy định đối với cơ sở giáo dục đại học chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tại nghị định này.

Cơ sở giáo dục đại học chưa tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chí kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học trong nước được xác định mức học phí không vượt trần học phí.

Về khung học phí giáo dục đại học, theo Bộ GD-ĐT, tại Nghị định số 86, mức trần học phí chưa phù hợp với một số ngành, nghề đào tạo, ví dụ lĩnh vực khoa học sức khỏe, các chuyên ngành đào tạo đòi hỏi thời lượng đào tạo về thực hành lớn, cần nhiều chi phí thực hành. Khung học phí chưa gắn với định mức kinh tế kỹ thuật và kiểm định chất lượng đầu ra của cơ sở giáo dục đại học.

Cơ sở giáo dục đại học đã tự đảm bảo chi thường xuyên nhưng vẫn áp dụng chung mức học phí với chương trình đại trà, chưa đủ bù đắp chi thường xuyên, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.

Bộ GD-ĐT lý giải đề xuất tăng học phí bậc đại học được đưa ra căn cứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021-2025 là 7,5%, cùng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hằng năm khoảng 4-5%/năm và mức thu nhập bình quân đầu người tăng lên qua các năm. Do đó, Bộ GD-ĐT đề xuất mức tăng học phí năm học 2021-2022 là 12,5% so với năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo. Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu, khảo sát chi phí đào tạo của 7 trường đại học công lập trên cả nước của Nhóm chuyên gia ĐH Quốc gia Hà Nội, mức tăng học phí 12,5%/năm sẽ bảo đảm lộ trình tính đủ chi phí đào tạo vào năm 2025./.

PV