COVID-19

Thế giới có thêm hơn 7.000 ca tử vong vì COVID-19

30/10/2020 09:04 AM


Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 533.581 ca mắc và 7.063 ca tử vong vì đại dịch COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng hôm nay (30/10) lần lượt là 45.301.044 và 1.185.629 trường hợp.

Thế giới vẫn đang vật lộn, chống chọi với đại dịch Covid-19. Ảnh: News.cn

Tính đến sáng 30/10, đã có 32.964.868 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 11.150.547 ca bệnh đang điều trị thì có 11.068.389 ca ở thể nhẹ (chiếm 99%) và 82.158 ca (chiếm 1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan tới 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới. Các nước: Nga, Argentina, Tây Ban Nha, Pháp và Colombia đang tiếp tục vượt xa ngưỡng “triệu ca nhiễm”.

Các Châu lục ghi nhận ca nhiễm kỷ lục

Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 9.402.564 trường hợp, trong đó có 260.030 ca tử vong và 3.655.723 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 273.415 ca nhiễm và 2.530 ca tử vong mới vì COVID-19. 

Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ ghi nhận thêm 98.083 ca nhiễm COVID-19 và 1.599 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 11.009.227 và 349.357 trường hợp. Sau nhiều tuần liên tiếp, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất tại khu vực và trên thế giới, với tổng số 9.207.059 ca nhiễm và 234.111 ca tử vong vì COVID-19. Sau Mỹ, Mexico là nước có nhiều ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 đứng thứ 2 ở khu vực, với tổng cộng 906.863 và 90.309 ca ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 228.542 ca nhiễm và 10.074 ca tử vong vì COVID-19.

Tính đến sáng 30/10, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 13.499.280 trường hợp, với 240.140 ca tử vong và 11.965.748 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.293.392 ca bệnh đang điều trị thì có 21.292 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 49.281 ca nhiễm mới COVID-19, tiếp tục củng cố vị trí “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm (8.088.046 ca). Tiếp điến là Iran và Iraq, với lần lượt số ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được tới thời điểm hiện tại là 596.941; 467.755 trường hợp.

Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 57.751 ca nhiễm và 1.294 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 9.581.294 trường hợp, với 292.715 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru…với lần lượt 5.496.402; 1.143.800; 1.053.122; 897.594… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Tính đến sáng 30/10, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 1.770.521 trường hợp, trong đó có 42.402 ca tử vong và 1.444.250 ca bình phục. Trong tổng số 283.869 ca đang điều trị thì có 2.241 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 721.770 ca nhiễm COVID-19 và 19.164 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 2.056 ca nhiễm và 53 ca tử vong. Xếp các vị trí tiếp theo trong bảng thống kê là Ma-rốc, Ai Cập và Ethiopia với lần lượt 212.038; 107.209; 95.301 ca nhiễm bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 19 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 13 ca ở Australia và 6 ca ở New Zealand. Hiện khu vực này ghi nhận 37.437 ca nhiễm và 970 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 27.567 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 7.262 ca.

Nhật cấp vắc-xin miễn phí cho người dân

Chính phủ Nhật Bản, ngày 27/10, thông qua dự luật về chi trả toàn bộ chi phí tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho tất cả dân chúng nước này.

Dự luật nhằm sửa đổi luật vắc-xin hiện nay và được soạn thảo theo đúng cam kết của Thủ tướng Suga Yoshihide về đảm bảo vắc-xin cho toàn dântrong nửa đầu năm tới. Nhật đặt mục tiêu có thể ban hành dự luật ngay trong phiên họp quốc hội hiện nay, dự kiến kéo dài đến ngày 5/12.

Để thực hiện kế hoạch, Chính phủ Nhật quyết định sử dụng khoản ngân sách lên tới 671,4 tỷ Yen, tương đương 6,4 tỷ USD.

Đến nay, Tokyo đã đạt thỏa thuận mua vắc-xin của 2 doanh nghiệp dược phẩm AstraZeneca Plc của Anh và Pfizer Inc của Mỹ với khoảng 120 triệu liều từ mỗi công ty, khi họ bào chế thành công vắc-xin. Bên cạnh đó, Nhật còn đang đàm phán với công ty Moderna Inc của Mỹ để mua ít nhất 40 triệu liều vắc-xin./.