"Bám làng, bám bản để đưa chính sách BHXH tự nguyện đến với đồng bào dân tộc thiểu số"

24/10/2020 01:40 PM


BHXH tự nguyện là chính sách ưu việt và đầy tính nhân văn cho lao động tự do làm việc ở khu vực phi chính thức được tham gia và hưởng chế độ lương hưu khi hết tuổi lao động. Thế nhưng, đối với các bà con vùng dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa tại một số nơi vẫn chưa có điều kiện được tiếp cận với chính sách an sinh xã hội này. Điều này đòi hỏi cán bộ BHXH tại địa phương phải vận dụng linh hoạt hình thức tuyên truyền nhằm giúp người dân thêm hiểu, tin tưởng và tham gia vào chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.

Huyện Thạch Thành là một trong 24  huyện của tỉnh Thanh Hoá. Với đặc thù là một huyện miền núi, 47% dân số là người Mường, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nghề nông nên cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, phần lớn chưa hiểu rõ về chính sách BHXH tự nguyện. Thế nhưng, tại đây, chính quyền địa phương cùng các tổ chức đoàn thể chính trị đều rất đồng lòng trong công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Chính nhờ vậy, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại huyện Thạch Thành luôn là một điểm sáng tại tỉnh Thanh Hoá.

Có mặt tại một buổi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện của BHXH huyện Thạch Thành, tôi thấy khá bất ngờ về số lượng bà con đến tham gia buổi tuyên truyền ngày càng đông đến mức chật kín, tràn ra cả hành lang. Ai cũng trong tâm trạng vui vẻ và hồ hởi. Đôi chỗ, vài người dân tranh thủ vây xung quanh cán bộ BHXH để hỏi thêm về mức đóng - hưởng cùng những thông tin liên quan. Những tiếng “ồ, à, ra là vậy..” cứ vang lên sau mỗi câu hỏi được cán bộ tuyên truyền BHXH giải đáp.

Cán bộ BHXH tuyên truyền, giải đáp thắc mắc cho người dân

Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Quý Tam, Giám đốc BHXH huyện Thạch Thành cho biết: Với đặc thù là huyện miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, vì vậy, việc khai thác, phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Thạch Thành đã gặp không ít khó khăn thách thức, vì thế ngay sau khi có kế hoạch giao của BHXH tỉnh Thanh Hoá, BHXH huyện Thạch Thành đã triển khai đồng bộ các giải pháp, bám làng, bám bản để khai thác, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.

Ngay từ đầu năm, BHXH huyện đã thống nhất giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cho từng cán bộ, viên chức BHXH huyện, từng đại lý thu BHXH tự nguyện; tăng cường mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới đại lý thu tại huyện. Bên cạnh đó, BHXH huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, đồng thời trực tiếp làm việc với lãnh đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện nhằm tranh thủ sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền. Đặc biệt là phát huy sự ủng hộ của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng cũng như phát huy vai trò của các dòng họ trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT đến người dân. Công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh huyện, xã, thị trấn, tại các hội nghị cũng được chú trọng, phương thức tuyên truyền cũng được mạnh dạn thay đổi. Hình thức tuyên truyền trực tiếp, phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT cho nhân dân được đẩy mạnh, tập trung vào việc giải đáp các thắc mắc hoặc đưa ra các tình huống phát sinh trong quá trình người dân đang tham gia BHXH tự nguyện sẽ được giải quyết thế nào, hưởng chế độ ra sao...

Cán bộ BHXH giải đáp thắc mắc cho bà con ngay tại Hội nghị

Nở nụ cười chân chất, cô Bùi Thị Thứ (xã Thạch Cẩm, huyện Thạch Thành) gật đầu đồng ý khi tôi ngỏ ý muốn hỏi chuyện. Cô cho biết, nhà hiện giờ có vợ chồng và 2 người con, mặc dù trong thời điểm hiện tại hai vợ chồng vẫn đang còn sức khỏe để đồng áng. Nhưng về lâu về dài, khi sức khỏe dần mất đi, tuổi tác lại tăng cao , con cái có nơi có chốn riêng rẽ, cô vẫn mong muốn có thể có một khoản hàng tháng để không phụ thuộc vào ai.

“Xung quanh nhà cô, cũng có vài người tham gia các loại hình bảo hiểm thương mại, cô cũng từng định tham gia theo, nhưng khi được cán bộ của xã cùng cán bộ BHXH huyện đến nhà vận động đi tham dự hội nghị này, lại được nghe nói đây là chính sách do Đảng và Nhà nước thì cô thấy yên tâm hơn nhiều.”- cô Thứ chia sẻ.

Khi số người trong hội trường đã đạt đến con số hơn 100 người tham dự, buổi tuyên truyền được bắt đầu. Tại buổi tuyên truyền, bà con được tuyên truyền viên giới thiệu, giải đáp những thắc mắc xoay quanh BHXH tự nguyện một cách chi tiết và bài bản. Những nhầm lẫn của bà con giữa BHXH tự nguyện và bảo hiểm thương mại cũng được tuyên truyền viên nắm bắt và khéo léo giải thích. Hội trường lúc thì im ắng, lúc lại rộn ràng lên vì sự phấn khởi của bà con khi nghe về tính ưu việt của loại hình BHXH tự nguyện.

Kết thúc buổi tuyên truyền, ngay lập tức có tới hơn 60 gười đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Thấy vẻ mặt tôi không giấu nổi sự ngạc nhiên về thành quả của buổi tuyên truyền, anh Lê Quý Tam vừa cười vừa chia sẻ “bí quyết”: “Tất cả là nhờ công tác “hậu cần” đấy, trước mỗi buổi tuyên truyền như này, cán bộ BHXH huyện đã làm việc cùng với UBND xã và các hội đoàn thể để có thể mời được những đối tượng tiềm năng nhất tham gia hội nghị. Thêm nữa, tại mỗi buổi hội nghị, đều có sự tham gia của Chủ tịch xã thực hiện tuyên truyền cùng để tăng độ tin cậy. Bên cạnh đó, nắm bắt tâm lý bà con sẽ thắc mắc những vấn đề gì, từ đó mà cán bộ tuyên truyền sẽ lên ý tưởng cho nội dung tuyên truyền, nhằm đánh đúng, đánh trúng vào tâm lý bà con, để bà con có thể hiểu và đồng ý tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ vậy nên bà con rất tin tưởng và công tác tuyên truyền mới đạt được hiệu quả cao đến vậy.”

Trao sổ cho người dân tại Hội nghị

Tại Hội nghị, BHXH huyện Thạch Thành cũng đã trao 12 sổ BHXH cho bà con là những người đã quyết định tham gia từ buổi tuyên truyền lần trước. Sự sắp xếp khéo léo này đã khiến người trao, người nhận và những người chứng kiến, vốn đang phân vân về BHXH tự nguyện, cảm thấy phấn khởi và tin tưởng.

Cô Quách Thị Thường (xã Thạch Cẩm, huyện Thạch Thành) hồ hởi chia sẻ: “Nhờ buổi hội nghị tuyên truyền này mà chúng tôi được biết cụ thể số tiền lương hưu dự kiến mà chúng tôi sẽ được hưởng sau 20 năm đóng BHXH tự nguyện và được tính luôn cả phần trượt giá nữa. Tham gia BHXH tự nguyện, tôi sẽ được hưởng chế độ hưu, chế độ tử tuất, được cấp thẻ BHYT khi về hưu lại có một khoản thu nhập hàng tháng. Trước kia, tôi cứ nghĩ một người làm nông như tôi thì làm gì có lương hưu. Nhưng bây giờ thì tôi biết mình hoàn toàn có cơ hội đó, tôi sẽ tham gia BHXH tự nguyện để được nhận lương khi về già.”

Một số hình ảnh tại Buổi tuyên truyền:

PV