UBTV Quốc hội giám sát chuyên đề "Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên"
13/10/2020 04:12 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều ngày 12/10, theo chương trình phiên họp thứ 49, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Văn Giàu báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát. Ảnh quochoi.vn
Tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã ký kết 13 FTA và đang đàm phán 03 FTA. Trong số 13 FTA đã ký kết, có 12 FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam thuộc phạm vi của chuyên đề giám sát, bao gồm 01 FTA thế hệ mới là Hiệp định CPTPP đã được Quốc hội phê chuẩn trong năm 2018. Hiệp định EVFTA có hiệu lực đối với Việt Nam từ 01/8/2020 không thuộc phạm vi giám sát của chuyên đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, các FTA mà Việt Nam là thành viên có độ phủ rộng 60 nền kinh tế với tổng GDP khoảng 90% GDP toàn thế giới. Qua 25 năm, việc tham gia và thực thi các FTA đã tác động nước ta hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá cao, mở rộng xuất nhập khẩu, thu hút nguồn vốn FDI, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp, tạo việc làm mới, tăng thu ngân sách, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.
Việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo những rủi ro và thách thức, nhất là năng lực cạnh tranh để tác động tăng trưởng kinh tế, có thể rủi ro đối với doanh nghiệp trong nước; thách thức về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật; thách thức trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như lao động, công đoàn, môi trường.
Tán thành với các nội dung báo cáo kết quả giám sát, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết thêm kể từ khi Việt Nam thực hiện chiến lược hội nhập và thực thi các thế hệ FTA, đây là lần đầu tiên có giám sát của Quốc hội về nội dung này. Qua đó có cái nhìn khách quan, toàn diện về hiệu quả của chiến lược hội nhập của Việt Nam, định hướng cho giai đoạn mới trong bối cảnh tình hình mới và phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh quochoi.vn
Nhất trí với các đánh giá và tiếp thu các kiến nghị của Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, hội nhập là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh toàn cầu hóa và để hội nhập sâu rộng hơn nữa đòi hỏi sự chủ động ở trong nước. Như kết quả giám sát đã chỉ rõ, nếu không xây dựng tốt nội lực, cộng đồng doanh nhân, nội lực nền kinh tế thì khó có thể khai thác hiệu quả chiến lược hội nhập này. Do đó các bài học kinh nghiệm, khắc phục những vấn đề tồn tại giữa Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và các chủ thể trong quá trình thực thi các FTA là rất quan trọng; đòi hỏi đẩy mạnh hơn nữa thực hiện cải cách, hoàn thiện thể chế khuôn khổ pháp luật và các chính sách để phát huy nguồn lực trong nước.
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định ý nghĩa của giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên” trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đánh dấu 25 năm kể từ khi Việt Nam tham gia FTA đầu tiên. Kết quả giám sát càng khẳng định tầm quan trọng của chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các FTA. Bên cạnh các lợi ích có thể thấy rõ về chiến lược, về kinh tế đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong thúc đẩy tự do thương mại, liên kết kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng mạnh mẽ ở nhiều ngành, lĩnh vực.
Cho rằng, qua giám sát cũng cho thấy sự đồng thuận của các cơ quan trong việc đánh giá kết quả, vai trò các cấp các ngành trong tổ chức thực thi các FTA, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị cần làm rõ hơn vai trò của Quốc hội trong việc kịp thời xem xét phê chuẩn các FTA nhất là các FTA thế hệ mới thời gian gần đây như CPTPP, EVFTA nhận được sự ủng hộ của người dân; thúc đẩy thực thi các FTA thông qua việc kịp thời ban hành nhiều Luật quan trọng, đôn đốc giám sát thực thi văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngành liên quan. Trong giai đoạn tới cần khẳng định trọng tâm đẩy mạnh công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi tận dụng hiệu quả FTA nhất là CPTPP, EVFTA và các hiệp định của ASEAN với các đối tác sẽ là rất quan trọng trong phục hồi kinh tế, thúc đẩy phát triển bền vững.
Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Đoàn giám sát và cơ bản nhất trí với các nội dung của báo cáo kết quả giám sát. Đa số ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị của Đoàn giám sát về việc ban hành Kết luận giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về các nội dung cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao kết quả FTA trong thời gian qua đã mang lại đối với sự phát triển kinh tế xa hội chung của đất nước. Việc tham gia FTA vừa qua khẳng định là đúng đắn, kịp thời, phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam; tăng cường sự đan xen lợi ích các mối quan hệ với các đối tác, đặc biệt là nước lớn và các nước có tiềm lực kinh tế và công nghệ hiện đại; góp phần giữ vững môi trường hòa bình và ổn định chính trị; tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối tác, đồng thời cũng nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Vị thế quốc tế của Việt Nam được nâng lên rõ rệt. Điều này cho thấy hiệu quả về mặt chính trị và ngoại giao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề. Ảnh quochoi.vn
Việc tham gia FTA vừa qua cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống. Nền kinh tế có sự tăng trưởng cao, từng bước vững chắc. Nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì tốt, ngày càng được củng cố. Lạm phát trong nước được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế. Góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn từ các nước trong khu vực và thế giới, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập và đời sống nhân dân được nâng cao, người dân cũng dễ dàng tiếp cận với hàng hóa dịch vụ có chất lượng cao từ các nước đối tác.
Về xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế, việc tham gia của FTA đã tạo điều kiện để Việt Nam hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý, tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế và cải cách thủ tục hành chính. Nhiều lĩnh vực như thanh toán, thu ngân sách…có nhiều đổi mới. Các luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, nông nghiệp, các chính sách cạnh tranh, mối quan hệ với các doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công, cải cách hành chính, nâng cao năng lực …có bước tiến bộ mới. Bước đầu nghiên cứu đến những vấn đề giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, bên cạnh những lợi ích cơ hội, việc tham gia FTA còn nhiều khó khăn, thách thức nhất là áp lực đối với các doanh nghiệp trong nước. Điều này đặt ra yêu cầu nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu; định hướng lại dòng vốn đầu tư và sẵn sàng ứng phó với việc áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó là thách thức trong việc thực thi các cam kết trong các lĩnh vực mới như lao động, công đoàn, chuyển hướng đào tạo nghề, nâng cao trình độ, tay nghề của lao động Việt Nam, vấn đề môi trường. Đồng thời đặt ra vấn đề cải cách cách thức làm việc mới, vấn đề về chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước từng bước tạo bình đẳng cũng như khơi dậy, phát huy nội lực và có sự quan tâm đến doanh nghiệp trong nước.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Đoàn giám sát, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch và các hoạt động giám sát phù hợp với tình hình thực tế. Cơ bản tán thành với các nội dung trong báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận kết quả giám sát cơ bản đánh giá đầy đủ công tác, nội dung kế hoạch đặt ra, đặc biệt là trong quá tình thực hiện có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ. Cùng với đó, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc thực hiện chủ trương đường lối hội nhập và có sự phối hợp chặt chẽ với Đoàn giám sát, thực hiện Nghị quyết 06/TW về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, xã hội trong bối cảnh Việt Nam tham gia FTA thế hệ mới, và trong việc đề xuất đàm phán, kí kết thực hiện các FTA trong suốt 25 năm qua đặc biệt là các FTA thế hệ mới gần đây như CPTPP, EVFTA.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận nội dung thảo luận. Ảnh quochoi.vn
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với kiến nghị của Đoàn giám sát về việc có kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung này. Nhất trí về những kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường giám sát công tác tổ chức thực hiện, kết quả, tác động của việc thực hiện các FTA; ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội để nội luật hóa các cam kết trong FTA. Các cơ quan của Quốc hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách tăng cường việc triển khai thực hện các FTA và các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi các FTA. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với các kiến nghị của Đoàn giám sát đối với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết FTA theo lộ trình đã cam kết; bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh, Chính phủ cũng cần quan tâm hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp khi tham gia FTA.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tổ chức triển khai các kiến nghị của Đoàn giám sát trong quá trình triển khai thực thi các FTA. Đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội hoàn thiện báo cáo, dự thảo kết luận và gửi đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tới./.
Theo quochoi.vn
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?