Tăng cường giám sát kiểm tra việc cấp thuốc Methadone về nhà
09/09/2020 08:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Việc triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone cho người bệnh mang về nhà mang lại nhiều hiệu quả. Tuy nhiên dựa trên kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới, khi cho người bệnh mang thuốc Methadone về nhà cũng có thể sẽ có những rủi ro, cần thiết phải cân nhắc các biện pháp giảm thiểu rủi ro.
Mang lại nhiều hiệu quả
Theo dự thảo đề án thí điểm cấp thuốc Methadone nhiều ngày của Bộ Y tế, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP) bằng thuốc Methadone là điều trị liên tục, lâu dài (thậm chí suốt đời). Người bệnh hàng ngày phải đến cơ sở y tế để uống thuốc sẽ trở thành thách thức lớn đặc biệt với những người bệnh có công việc làm ổn định hoặc những người bệnh ở quá xa cơ sở điều trị và việc đi lại đến cơ sở điều trị tốn nhiều thời gian. Do đó, triển khai thí điểm cấp phát thuốc Methadone cho người bệnh mang về nhà sẽ giúp giảm thời gian, chi phí đi lại của người bệnh, hoặc tạo điều kiện cho người bệnh có thời gian làm việc, sinh kế.
Số người bệnh được mang thuốc về nhà càng nhiều cũng đồng nghĩa với việc số người bệnh đến cơ sở y tế mỗi ngày để uống thuốc sẽ giảm đi, từ đó sẽ giảm thời gian chờ đợi của người bệnh để được phục vụ trong mỗi lần đến cơ sở điều trị.
Việc người bệnh giảm số lần đến cơ sở y tế uống thuốc cũng đồng nghĩa với việc giảm gánh nặng công việc cho cán bộ y tế và cơ sở y tế nhất là với các cơ sở y tế có nhiều người bệnh đến uống cùng lúc (thường vào giờ cao điểm buổi sáng). Các nhân viên y tế có thời gian để hoàn thành và có thể tham gia các công việc khác của cơ sở y tế.
Các lợi ích của việc cho người bệnh mang thuốc về nhà sẽ không chỉ làm hài lòng người bệnh mà còn làm hài lòng gia đình người bệnh do người bệnh không mất nhiều thời gian đi uống thuốc, từ đó có thể tham gia giúp các công việc gia đình, hạn chế các tác động tiêu cực khác có thể xảy ra khi tham gia đi uống thuốc.
Người bệnh hạn chế số lần đi uống thuốc cũng sẽ hạn chế việc tụ tập trước và sau khi uống thuốc, từ đó hạn chế các tệ nạn khác có thể phát sinh và sẽ dẫn đến làm hài lòng các cộng đồng dân cư xung quanh khu vực phòng khám Methadone.
Trong các trị liệu về tâm lý và hành vi cho những người nghiện chất nói chung, một trị liệu “thưởng cho hành vi tích cực” đã được các nước trên thế giới áp dụng đó là khi một người bệnh tuân thủ tốt các quy định hoặc khuyến cáo của nhà trị liệu sẽ nhận được một “phần thưởng” nào đó nhằm khuyến khích họ tiếp tục tuân thủ các hành vi tích cực (như giữ sạch không sử dụng ma túy, tuân thủ các cuộc hẹn v.v…). Với việc cho người bệnh mang thuốc về nhà khi người bệnh tuân thủ tốt điều trị người bệnh sẽ được tin tưởng và được mang số liều thuốc về nhà nhiều hơn. Đó như một “phần thưởng” để người bệnh tuân thủ điều trị tốt hơn. Ngược lại nếu người bệnh “vi phạm” các quy định sẽ bị “phạt” bằng giảm số liều thuốc hoặc hủy việc được mang thuốc Methadone về nhà.
Cùng với việc “thưởng cho hành vi tích cực” và các lợi ích khác mà khi triển khai cho người bệnh mang thuốc về nhà sẽ nâng cao chất lượng và tăng sự duy trì người bệnh ở lại lâu dài với chương trình và tăng sự tuân thủ điều trị của người bệnh.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Giảm thiểu rủi ro khi cấp thuốc Methadone về nhà
Việc cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về nhà sử dụng đã được triển khai ở rất nhiều quốc gia trên thế giới với những ưu điểm mà nó mang lại không chỉ cho người bệnh và cơ sở y tế. Tuy nhiên mỗi quốc gia có những đặc thù khác nhau nên việc cấp thuốc Methadone cho người bệnh mang về sử dụng tại nhà cần thận trọng nhất là sự an toàn với tính mạng người bệnh cũng như người thân trong gia đình bao gồm cả trẻ em.
Trẻ em và những người khác dùng nhầm là rủi ro nguy hiểm nhất đến sức khỏe và sự an toàn khi cho người bệnh mang Methadone về nhà. Kinh nghiệm của một số các quốc gia trên thế giới cho thấy, người khác sử dụng nhầm, nhất là trẻ em có thể dẫn đến tử vong.
Để giảm thiểu rủi ro này các điều kiện để người bệnh được mang thuốc về nhà cũng đã đưa ra những chống chỉ định cụ thể bao gồm người bệnh có nơi cư trú ổn định; không trong quá trình điều trị các rối loạn tâm thần; có nơi bảo quan thuốc an toàn như hòm, tủ đựng thuốc có khóa. Ngoài ra, cần tư vấn cho người bệnh hiểu sự nguy hiểm của việc người khác uống nhầm thuốc cũng như ghi các cảnh báo trên nhãn phụ lọ thuốc cùng các biện pháp giám sát và tập huấn cho cán bộ y tế về xử trí khi người khác uống nhầm.
Việc cho người bệnh mang thuốc Methadone về nhà uống thiếu sự giám sát của cán bộ y tế có thể dẫn đến rủi ro trong chia sẻ, mua bán, trao đổi Methadone. Có những quốc gia báo cáo thậm chí có tình trạng Methadone bị đánh cắp bởi người nghiện khác. Để giảm thiểu rủi ro ngay từ khi sàng lọc người bệnh được mang thuốc về nhà cần có những tiêu chuẩn và điều kiện liên quan đến tuân thủ điều trị, tuân thủ nội quy cơ sở điều trị; điều kiện bảo quản thuốc, các biện pháp hủy vĩnh viễn việc mang thuốc Methadone về nhà sẽ được tư vấn trước.
Kinh nghiệm của các quốc gia đã triển khai cho người bệnh mang thuốc Methadone về nhà cho thấy, một số người bệnh tích trữ Methadone để sử dụng sai mục đích như dùng không liều cao hơn hoặc chia liều ra nhiều lần trong ngày. Việc này cũng có thể gây ngộ độc cho người bệnh hoặc không đạt được mục đích điều trị. Để giảm thiểu rủi ro này biện pháp tăng cường tư vấn cho người bệnh tuân thủ điều trị, các rủi ro do không tuân thủ điều trị, việc “phạt” người bệnh không tuân thủ như giảm số liều mang về, hủy việc mang thuốc về và tổ chức các biện pháp giám sát chặt chẽ thông qua giám sát trực tiếp, yêu cầu người bệnh mang vỏ lọ thuốc đã sử dụng về và mang các lọ thuốc chưa sử dụng về cơ sở điều trị đối chiếu, kiểm tra v...
Bên cạnh đó, Methadone sử dụng chung với các thuốc khác đặc biệt là nhóm thuốc an thần êm dịu như Benzodiazepines, rượu hoặc ma túy khác cũng có thể nguy hiểm cho người bệnh. Để giảm thiểu rủi ro này cần tăng cường tư vấn cho người bệnh về sự nguy hiểm khi việc sử dụng kết hợp thuốc, rượu, các loại ma túy khác thì; sàng lọc người bệnh có tiền sử tuân thủ tốt, giám sát nước tiểu ngẫu nhiên.
Ngoài ra, một số người bệnh có thể cho rằng, sử dụng thuốc Methadone để tiêm có thể tạo ra sự phê sướng. Nếu sử dụng thuốc Methadone đường tiêm cũng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng do thuốc Methadone dạng sirô và quá liều. Đồng thời còn có thể gây nhiễm trùng tại chỗ hoặc đường máu do vệ sinh không đảm bảo. Biện pháp giảm thiểu rủi ro là: Tư vấn cho người bệnh về sự nguy hiểm khi dùng đường tiêm, in nhãn phụ cảnh cảnh trên vỏ lọ thuốc và trên bìa sổ đem thuốc Methadone về nhà của người bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát kiểm tra.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?