BHYT học sinh, sinh viên: Góp phần phát triển một nền giáo dục toàn diện

03/09/2020 10:34 AM


Theo quy định của pháp luật, BHYT là loại hình bảo hiểm bắt buộc toàn dân. Từ thực tế tổ chức thực hiện chính sách BHYT, quy định này nhằm bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân đã được quy định tại Hiến pháp. Với riêng học sinh, sinh viên (HSSV), việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc.

HSSV tham gia BHYT tăng đều qua các năm.

Thời gian qua, công tác BHYT HSSV luôn nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. BHXH các tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai BHYT HSSV và đã đạt được kết quả quan trọng, số lượng HSSV tham gia BHYT hàng năm đều tăng.

Bước đi quan trọng trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân

Theo thống kê, thời gian qua, tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV có sự phát triển ổn định, tăng dần qua các năm. Nếu như năm học 2015 - 2016 cả nước có khoảng 15,9 triệu HSSV tham gia BHYT, đạt tỷ lệ hơn 92,5%; năm học 2016 - 2017 có hơn 16 triệu em tham gia, chiếm hơn 93% và đến năm học 2019 – 2020 đã có hơn 17 triệu (chiếm 95,3%) HSSV tham gia BHYT. 

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, thời gian qua, chúng ta có nhiều thuận lợi để tiến tới hoàn thành mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, bởi việc thực hiện chính sách này được luật hóa một cách thống nhất, mang tính bắt buộc và là bước đi quan trọng trong tiến trình thực hiện BHYT toàn dân ở nước ta.

Việc phát triển BHYT HSSV những năm vừa qua đã có sự tiến bộ vượt bậc. Điều đó thể hiện trước hết ở nhận thức của những người làm công tác BHYT cho HSSV là cơ quan BHXH đến các cơ sở giáo dục và đặc biệt là nhận thức của các bậc phụ huynh… đã được nâng cao. Tất cả các bên liên quan đều ý thức sâu sắc BHYT là quyền lợi gắn bó thiết thực với quyền lợi trẻ em.

Đối với HSSV, công tác giáo dục của các nhà trường cũng nâng cao tầm hiểu biết của các em. HS ngay từ bậc học phổ thông đã có ý thức về thông báo cho bố mẹ về việc tham gia BHYT HS như một trách nhiệm chia sẻ cộng đồng.

Với nhà trường, các cán bộ quản lý, giáo viên cũng có sự thay đổi quan điểm về trách nhiệm phát triển BHYT HSSV trong đơn vị trường, lớp. Trước đây, nhiều người cho rằng đó là nhiệm vụ được Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT, Phòng GD giao nên chỉ “nhân tiện” những buổi họp đầu năm học thì thông tin để ai muốn tham gia thì tham gia. Khi nhận thức thay đổi, nhà trường, các thầy cô giáo đã vận động HSSV tham gia BHYT một cách bài bản hơn, có sự giải thích, thuyết phục... để yêu cầu "bắt buộc" trở thành ý thức tự giác của HS, sự đồng tình của phụ huynh.

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, với nhóm HSSV hiện tỷ lệ tham gia BHYT đạt khoảng 95%; còn khoảng 05% chưa tham gia. Bao phủ 100% với nhóm học sinh, sinh viên, huy động số HSSV còn lại tham gia đầy đủ, như vậy, chúng ta đạt được bước tăng trưởng khả quan, từng bước hoàn thành nhiệm vụ chính trị, bảo đảm An sinh đất nước bằng việc bao phủ BHYT toàn dân. Đây là nhiệm vụ càng trở nên quan trọng nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân cần đến nguồn lực ổn định từ Quỹ BHYT.

Ngành BHXH nỗ lực đưa chính sách nhân văn này đến với HSSV.

Góp phần giáo dục toàn diện

Theo quy định của pháp luật, BHYT là loại hình bảo hiểm bắt buộc toàn dân. Từ thực tế tổ chức thực hiện chính sách BHYT, quy định này nhằm bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe cho người dân đã được quy định tại Hiến pháp. Với riêng HSSV, việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, việc chăm sóc sức khỏe cho các em HSSV ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định công tác BHYT HSSV có vai trò quan trọng, góp phần phát triển một nền giáo dục toàn diện. Vì vậy, từ định hướng chỉ đạo đến các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo thường xuyên, kế hoạch liên ngành đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan ban hành đầy đủ, kịp thời.

Nhóm HSSV có ưu thế lớn trong hưởng thụ các dịch vụ y tế từ Quỹ BHYT. Mặc dù, Luật BHYT hiện nay chưa quy định chi cho y tế dự phòng, nhưng nhóm HSSV vẫn gián tiếp được hưởng các quyền lợi này thông qua chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường từ nguồn kinh phí trích lại từ quỹ khám, chữa bệnh BHYT cho hoạt động y tế trường học, trong đó có nội dung chi hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ và phân loại sức khỏe cho học sinh đầu năm học, tổ chức các hoạt động tư vấn giáo dục, sức khỏe và phòng bệnh. Khi người dân vẫn chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật, sự chăm sóc y tế dành cho HSSV thường xuyên, liên tục từ khi bắt đầu bước vào trường học có một ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Như vậy, xét trên phương diện xã hội, khi HSSV tham gia BHYT sẽ tạo sự yên tâm cho chính bản thân các em, cha mẹ và gia đình nếu không may xảy ra tai nạn thương tích, bệnh tật. Các nhà trường cũng yên tâm trong quản lý sức khỏe HSSV, có thêm cơ hội, thêm điều kiện để nâng cao chất lượng dạy và học. Thực hiện BHYT đối với HSSV còn là trách nhiệm bảo đảm sức khỏe đối với bản thân các em và sau đó là với cộng đồng, xã hội.

Thông qua việc tham gia, hiểu đúng ý nghĩa của BHYT, HSSV sẽ học được cách chia sẻ, đồng cảm với những người không may gặp rủi ro về sức khỏe xung quanh, có thể đó là bạn bè, anh em gần gũi với các em. Từ đó, góp phần định hình nhân cách sống tốt đẹp của thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước: Một thế hệ không chỉ biết sống có trách nhiệm với bản thân mình mà còn sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội.

Đánh giá cao về việc đẩy nhanh tốc độ bao phủ BHYT HSSV thời gian qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc thực hiện BHYT bao phủ tất cả HSSV không chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân HSSV, mà nó còn thể hiện trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng và đối với xã hội, rèn luyện tư tưởng, tác phong của thế hệ trẻ.../.

PV