Nâng mức hỗ trợ cho người yếu thế: Cần sự chung tay của cả xã hội
10/08/2020 02:14 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), đến ngày 08/6/2020, cả nước có hơn 38.800 đối tượng bảo trợ xã hội đã và đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại 425 cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó, số đối tượng là người lớn, trẻ em khuyết tật và tâm thần chiếm tỷ lệ lớn 46,5%, trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi chiếm 19,3%, người già cô đơn chiếm 10,3%, còn lại là người nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân bị bạo lực, bạo hành và đối tượng khác.
Nên tăng mức hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế theo độ tuổi
Vấn đề đáng quan tâm là từ nhiều năm nay, chính sách hỗ trợ đối với những bệnh nhân, người yếu thế đang sinh sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội vẫn không thay đổi. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh tại các trung tâm bảo trợ xã hội nên cần có sự điều chỉnh.
Thực tế hiện nay, mức hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội được chia theo độ tuổi. Bà Trần Thị Hải- Giám đốc Trung tâm Bảo trợ Xã hội III Hà Nội cho biết: Những đối tượng từ 16 đến đủ 60 tuổi chỉ được hưởng trợ cấp nuôi dưỡng, chăm sóc với số tiền tổng cộng là 1.050.000 đồng/người/tháng.
Mức trợ cấp này là tương đối thấp so với các đối tượng khác nên rất khó khăn cho các trung tâm bảo trợ trong việc đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng và có đầy đủ thuốc điều trị với đơn giá lên đến hàng triệu đồng cho người có bệnh phải chăm sóc lâu dài.
Với những khó khăn trên, bà Trần Thị Hải đề xuất cần tăng mức hỗ trợ đối với đối tượng từ 16 tuổi đến 60 tuổi lên hệ số 4,0 thay vì hệ số 3,0 như hiện nay. Đồng thời mức chi khác đề nghị tương đương hệ số 2,0 (270.000 x 2 = 540.000 đồng/người/tháng). Bên cạnh đó, đối với trẻ em tái hòa nhập cộng đồng, trong thời gian đầu tự lập, công việc của các cháu chưa ổn định, thu nhập thấp, không có chỗ ở, phải thuê nhà hoặc ở nhờ, rất khó khăn, chính vì vậy, đề nghị Nhà nước có mức hỗ trợ kinh phí cho trẻ em trong thời kỳ đầu tái hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho các cháu.
Ảnh minh họa
Cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, xã hội
Đề cập chế độ cho những người yếu thế đang được chăm sóc, sinh sống tại các Trung tâm bảo trợ xã hội, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, quy định về chế độ, chính sách trợ giúp xã hội và mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội. Các chế độ trợ cấp, trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng và đúng mục tiêu. Việc trợ cấp, trợ giúp được thực hiện chủ yếu tại gia đình và cộng đồng nơi đối tượng sinh sống. Mức trợ cấp, trợ giúp được thay đổi tuỳ thuộc vào mức sống tối thiểu của dân cư.
Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội, Chính phủ sẽ từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần xây dựng nền an sinh xã hội tiên tiến, phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Tuy nhiên, đây là công tác xã hội rất cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị xã hội, cộng đồng dân cư, gia đình để cùng Nhà nước chăm lo cho các đối tượng yếu thế thể hiện tình cảm chia sẻ của cộng đồng.
Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Khám chữa bệnh, Luật BHYT liên quan đến những vấn đề an sinh xã hội đã có những hướng dẫn, quy định hỗ trợ đối với những người yếu thế cũng như các y, bác sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội.
Ở các Trung tâm Bảo trợ xã hội chủ yếu là người khuyết tật, người già không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi ở nhiều độ tuổi khác nhau. Đa phần họ không tự phục vụ bản thân được mà cần tới sự chăm sóc của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng viên. Mặc dù họ đã được các Bộ ngành, địa phương quan tâm đến các chế độ chính sách, đề xuất lên Chính phủ nâng mức trợ cấp nhưng so với điều kiện sống thực tế thì còn hạn chế.
Hiện nay, Bộ Y tế đang trình lên Chính phủ và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội xem xét Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trong Dự án này, các cơ quan tham mưu cho Chính phủ cần quan tâm đến đề xuất tăng mức hỗ trợ cho người yếu thế ở những thang bậc khác nhau và nâng mức đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng viên ở từng khu vực. Đồng thời cần xây dựng các Nghị định, văn bản hướng dẫn nghiên cứu để triển khai thực hiện.
Việc chăm sóc tốt người yếu thế không chỉ là trách nhiệm của các Trung tâm Bảo trợ xã hội mà là sự chung tay của cả xã hội. Vì vậy, các tổ chức, cá nhân, nhà tài trợ, nhà hảo tâm cần có nhiều các hoạt động thiện nguyện, chương trình hỗ trợ để chăm sóc những người yếu thế tại các trung tâm.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?