BHXH tỉnh Lai Châu: Nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội vì sự phát triển bền vững
05/08/2020 12:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thời gian qua, mặc dù gặp không ít khó khăn thách thức do thiên tai, dịch bệnh, BHXH tỉnh Lai Châu đã nỗ lực trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT và đạt được nhiều kết quả tích cực. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Cán bộ Trạm Y tế xã Phúc Than (huyện Than Uyên) hướng dẫn người dân sử dụng thẻ BHYT.
Tính đến tháng 8/2020, toàn tỉnh Lai Châu có 440.839 người tham gia BHYT. Trong đó, trên 91.000 người thuộc hộ gia đình nghèo, chiếm 20,4% tổng số người tham gia; trên 235.000 người dân tộc thiểu số, chiếm 53% tổng số người tham gia. Đối với tỉnh miền núi như Lai Châu, đây thực sự là chính sách an sinh xã hội quan trọng, góp phần đảm bảo ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bởi, BHYT được coi là tấm thẻ vàng bảo vệ sức khỏe: bên cạnh quyền lợi khám chữa bệnh và chia sẻ rủi ro của chính sách BHYT, người tham gia BHYT còn được Quỹ BHYT thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh theo quyền lợi và mức hưởng theo quy định từ 80-100% chi phí tùy từng đối tượng, giúp người tham gia BHYT giảm gánh nặng về chi phí khám chữa bệnh khi ốn đau, tai nạn, đặc biệt là đối với những trường hợp bệnh nặng, bệnh mạn tính điều trị kéo dài hay những bệnh cần phẫu thuật.
Năm 2018, thấy cơ thể mệt mỏi, khó thở, chị Hoàng Thị Thanh ở Đội 9 (xã Phúc Than, huyện Than Uyên) đi khám thì phát hiện bị hở van tim, do vậy phải thường xuyên tái khám, lấy thuốc. Chị Thanh cho biết: Ốm đau, bệnh tật, mọi việc trong gia đình chỉ có chồng gánh vác, các con còn học hành nên kinh tế gia đình không khá giả gì. Rất may tôi được phát miễn phí thẻ BHYT dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi lần đến Trạm Y tế xã Phúc Than được cán bộ y tế kiểm tra bệnh, kê đơn cấp thuốc nên rất yên tâm.
Chị Vàng Thị Dung (bản Huổi Hằm, xã Mường Cang, huyện Than Uyên) bị bệnh đau lưng, đau đầu mạn tính, thẻ BHYT (được cấp miễn phí) chị sử dụng thường xuyên tại Trạm Y tế xã. Chị Dung nói: Tôi cũng đi khám nhiều nơi đều nhận được kết quả là đau dây thần kinh và rối loạn tiền đình. Mỗi lần đau, tôi đều đến Trạm để khám và được kê đơn lấy thuốc uống. Gia đình làm nông nghiệp, thu nhập chỉ dựa vào cây ngô, cây lúa, giá dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng tăng, nếu không có thẻ BHYT thì xoay sở sao kịp tài chính.
Không may mắn như chị Thanh, chị Dung, anh Lại Văn Toản (bản Thống Nhất, xã Bình Lư, huyện Tam Đường) chủ quan sức khỏe đã không mua thẻ BHYT. Chính điều đó giờ đây anh rất hối hận. Nguyên nhân là trong lúc giúp gia đình hàng xóm xây dựng hầm bioga, anh bị hòn đá to lăn trúng chân. Vì không có thẻ BHYT, chi phí nằm viện cao, mặc dù không trực tiếp chi trả nhưng anh rất áy náy. Anh Toản tâm sự: Vợ chồng tôi từng mua thẻ BHYT, vài năm không ốm đau chẳng dùng đến, bỏ ra hơn 1 triệu mua 2 tấm thẻ cũng tiếc tiền. Hàng tháng còn phải nộp tiền bảo hiểm nhân thọ Frudential cho con, vậy là quyết định không mua. Khi ra viện, nhất định tôi sẽ mua BHYT cho cả gia đình.
Qua câu chuyện của anh Toản và thực tế chúng tôi tìm hiểu, chứng kiến tại Bộ phận “một cửa” của BHXH tỉnh, huyện Tam Đường, Trạm Y tế xã Phúc Than, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường… vẫn còn nhiều người dân chưa thực sự mặn mà tham gia BHYT (mặc dù là quy định bắt buộc). Phổ biến hơn là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa không mấy quan tâm đến tấm thẻ giá trị đó, trừ khi đau ốm. Chỉ khi đến cơ sở y tế được thông báo thẻ không có giá trị sử dụng mới vội vàng đến đơn vị bảo hiểm đề nghị chỉnh sửa, cấp mới hoặc còn tình trạng cho mượn thẻ đi khám bệnh. Minh chứng là mặc dù được hưởng 100% chi phí quyền lợi BHYT (bao gồm cả điều trị nội trú tại tuyến tỉnh và tuyến Trung ương) và được Quỹ khám chữa bệnh người nghèo hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại, tuy nhiên việc tiếp cận với các dịch vụ y tế tuyến trên còn rất hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ người dân khám chữa bệnh tại tuyến xã chiếm 65,8%, tuyến huyện 27,5%, tuyến tỉnh 6,2%, Trung ương 0,5% trên tổng số lượt khám chữa bệnh của đối tượng này.
Tư vấn để người dân hiểu lợi ích của BHYT hộ gia đình.
Tìm hiểu vấn đề này tại BHXH tỉnh, chúng tôi được biết, 96% số người tham gia BHYT của Lai Châu là cả sự nỗ lực, cố gắng của ngành BHXH tỉnh. Đó là tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cải cách hành chính cả về thủ tục và tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức theo hướng tinh gọn; phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo quyền lợi cho người dân khi đến khám, chữa bệnh ngay từ tuyến cơ sở…
Điều khiến ban lãnh đạo BHXH tỉnh trăn trở hiện nay là thực hiện mục tiêu bao phủ BHXH chưa bền vững. Bởi, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 440.839 người tham gia BHYT do cơ quan BHXH quản lý, tỷ lệ bao phủ đạt 96%. Tuy nhiên, căn cứ kết quả hoàn thành xây dựng nông thôn mới tại tỉnh, đồng thời tỉnh Lai Châu đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận 2 huyện thoát nghèo (Than Uyên, Tân Uyên) từ tháng 3/2018 theo Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, số người được cấp thẻ BHYT của đối tượng thuộc hộ nghèo và đối tượng dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn sẽ giảm. Đồng nghĩa với việc giảm đối tượng tham gia BHYT được ngân sách Nhà nước đóng 100% mức đóng BHYT từ năm 2021 khi Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh các xã nghèo, các xã khu vực I, II thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Với trên 91.000 người thuộc hộ gia đình nghèo, chiếm 20,4% tổng số người tham gia; trên 235.000 người dân tộc thiểu số, chiếm 53% tổng số người tham gia hiện nay đang được cấp BHYT miễn phí, nếu nhóm đối tượng này giảm thì đây là thách thức lớn khi triển khai thực hiện mục tiêu bao phủ BHYT của tỉnh từ năm 2021 trở đi.
Thời gian tới, nhiệm vụ mở rộng đối tượng tham gia BHYT đối với 4% còn lại cũng như đảm bảo tính bền vững của tỷ lệ bao phủ sẽ những giải pháp tích cực, đột phá hơn nữa. Điều đó không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH tỉnh mà còn là trách nhiệm của cộng đồng, xã hội cùng sự chung tay quyết liệt vào cuộc của toàn hệ thống chính trị. Mong muốn những điều đó sẽ tạo nên một bức tranh an sinh xã hội tỉnh Lâu Châu thật đẹp và bền vững./.
Tống Thu - Hồng Thắm
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Khối Thi đua số V: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi ...
Bản tin Audio số 47 - Tuần 3 tháng 1/2025
BHXH Việt Nam chung tay với phong trào “Cả nước chung tay ...
Tiếp nối Chương trình “Không để ai bị bỏ lại phía sau – ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?