“Cây cột chống” vô hình
01/07/2020 10:24 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Một mái nhà nhỏ đang yên ấm bỗng một ngày chao đảo, xiêu vẹo khi một thành viên trong gia đình mắc bệnh hay tai nạn. Đó là điều không ai mong muốn nhưng hàng ngày, hàng giờ không ít gia đình đã và đang phải trải qua. Chia sẻ về những hoàn cảnh đó, nhiều người cho biết, tấm thẻ BHYT nhỏ bé đã trở thành chỗ dựa, chống đỡ cho mái ấm của mình đứng vững, vượt qua khó khăn.
5 rào ruộng không đủ vài ngày đi viện
Căn nhà của ông Giáp Văn Bảy (71 tuổi), nằm ven con sông nhỏ thuộc xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Đoạn đường đất hằn những vết bánh xe dẫn vào căn nhà nhỏ 3 gian đã cũ. Ngồi ở góc giường, ông Bảy khó khăn kể chúng tôi nghe về câu chuyện chữa bệnh của mình.
Ông Bảy và vợ chia sẻ về câu chuyện khám chữa bệnh BHYT của mình
Ông Bảy mắc bệnh về phổi đã hơn 20 năm nay nên từ lâu, tấm thẻ BHYT đã trở thành một vật không thể thiếu, gắn bó với ông mỗi lần đi khám chữa bệnh từ trạm Y tế xã cho tới bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh. Mỗi lần đi viện chi phí điều trị khoảng vài triệu đồng và đều được quỹ BHYT chi trả.
Tuy nhiên, lần gần đây nhất, bệnh tình nặng hơn, ông phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hơn 3 tháng trời. “Từ đầu tháng 2/2020, tôi thấy trong người rất mệt, thở khó khăn nên đi khám ở bệnh viện huyện. Tới đây, tôi được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Các bác sĩ khám và quyết định tôi phải mổ điều trị. Nghe tin này, tôi và vợ lo lắng lắm vì biết số tiền sẽ rất lớn. Nhưng khi được các bác sĩ cho biết, chi phí điều trị được BHYT chi trả chúng tôi mới yên tâm”- ông Bảy chia sẻ.
Ngồi bên, nhớ lại thời gian đó, bà Bảy (cách gọi dân dã theo tên chồng của nhiều phụ nữ thôn quê - PV) cho biết, khi ông nhà nhập viện, phải điều trị dài ngày bà rất lo lắng vì nhà chỉ có 2 vợ chồng. Con cái đều đã lập gia đình nhưng kinh tế đều khó khăn không phụ giúp được nhiều. Nên khi ông nhà nhập viện, bà chỉ biết trông vào tấm thẻ BHYT. Hết đợt điều trị, thấy tổng viện phí hơn 105 triệu đồng nhưng gia đình chỉ phải đồng chi trả 5 triệu đồng, bà như trút được gánh nặng.
Chỉ vào gần 10 bao thóc sau vụ Chiêm trong góc nhà, bà chia sẻ: Năm nay mất mùa, mỗi rào chỉ thu được ngót 1 tạ thóc. Nhà tôi cấy 5 rào thu về được khoảng 5 tạ. Với giá bán hiện nay nếu bán hết cũng chỉ được hơn 3 - 4 triệu đồng. Tính ra, số tiền đó chỉ đủ vài ngày đi viện của ông nhà tôi vừa rồi. Vì vậy, tôi thấy BHYT có giá trị rất lớn nên năm nào cũng mua và vận động con cháu, người thân cùng tham gia.
Là con cả của ông Bảy, anh Giáp Văn Hà cho biết, hiện gia đình anh có 4 người, tất cả đều đã tham gia BHYT. Hiện con trai đầu của anh bị bệnh thận, hàng tháng đều phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tân Yên. Căn bệnh này cần điều trị lâu dài và khá tốn kém nên mỗi năm khoản tiền hơn 800.000 mua thẻ BHYT cho con với anh là một mục chi cố định, không bao giờ thay đổi.
Hành trang mang theo trong đêm
21h30 một ngày đầu tháng 6, chị Phạm Thị Huệ (45 tuổi, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) bàng hoàng khi nghe tin chồng mình là ông Trần Văn Hùng (52 tuổi) bị tai nạn xe máy trên đường về nhà. Gọi vội cậu con trai, chị chỉ kịp mở ngăn tủ lấy tấm thẻ BHYT của chồng rồi đến chỗ xẩy ra tai nạn. Đến nơi, chồng chị đã được người dân đưa vào bệnh viện gần đó. Tuy nhiên, do tình trạng nguy kịch, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Thái Bình. Gửi lại xe máy, chị theo xe cứu thương đi cùng chồng. Đến bệnh viện tỉnh, bệnh nhân tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội.
Ảnh minh họa
Thế là một hành trình dài đầy vội vã, lo lắng, xuyên đêm của một người phụ nữ thôn quê chưa lần nào ra Hà Nội bắt đầu với hành trang mang theo là tấm thẻ BHYT và chưa đến 10 triệu đồng tiền mặt.
Đến bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân được chuyển ngay vào khoa cấp cứu với chẩn đoán vỡ xương hộp sọ, tụ máu não... cần phẫu thuật gấp. Ca mổ hơn 3 giờ đồng hồ thành công tốt đẹp.
Nhìn chồng dần phục hồi sau 1 tuần điều trị, gặp chúng tôi, chị Huệ cho biết, lúc sự việc xẩy ra, tôi rất sợ hãi, lo lắng về sức khỏe, tính mạng của chồng. Khi chồng qua cơn nguy kịch rồi, tôi lại lo lắng về viện phí, tiền thuốc, tiền ăn… Rồi những thông tin nghe đồn về khó khăn trong thanh toán BHYT, hay quy định về khám chữa bệnh đúng tuyến cũng khiến tôi thấp thỏm. Tuy nhiên, khi biết, chồng tôi sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị vì có thẻ BHYT đối tượng Cựu chiến binh tôi mới dần yên tâm.
Sau 2 tuần, bệnh nhân Hùng được chuyển về tuyến dưới để tiếp tục điều trị, theo dõi. Cầm hóa đơn thanh toán hơn 40 triệu đồng tất cả được quỹ BHYT chi trả, chị Huệ cảm thấy số phận vẫn còn may mắn.
Gia đình chị Huệ nằm sát chân đê biển Nam Thịnh. Căn nhà nhỏ đã chống chọi với bao lần bão tố, sóng gió của biển cả mà vẫn kiên cường, vượt qua. Thế mà chia sẻ với chúng tôi, chị cho biết, khi chứng kiến mặt chồng mình trong vũng máu trên băng ca, chị những tưởng mái ấm gia đình của mình sẽ rụp đổ. Rồi khi nghĩ về những khoản tiền phải chi trả, chị thấy áp lực đè nặng trên đôi vai. Mấy năm nay, kinh tế gia đình chị sa sút. Hai năm trước, bao nhiêu của cải tích cóp, vay mượn đã hòa tan vào nước biển với vụ nuôi ngao thất bát. Rồi năm nay, chị nuôi được đàn lợn cũng trắng tay vì dịch bệnh. “Lúc đi cùng chồng, tôi chỉ còn biết trông vào tấm thẻ BHYT. Và quả thật, nó đã giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn. Hành trình điều trị, phục hồi của chồng tôi còn dài nhưng tôi không còn quá lo lắng nữa vì mọi chi phi đã được BHYT chi trả” - chị Huệ tâm sự.
Trên đây chỉ là 2 trong hàng trăm, hàng nghìn trường hợp đã được hưởng những lợi ích từ việc tham gia BHYT. Theo thống kê trên Hệ thống Thông tin giám định BHYT (BHXH Việt Nam), tính từ đầu năm 2019 đến ngày 18/06/2020, Quỹ BHYT đã chi trả cho gần 100 bệnh nhân nặng có chi phí khám chữa bệnh đặc biệt cao. Trong đó, có 58 bệnh nhân có tổng chi phí trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị nội trú; 12 bệnh nhân có tổng chi phí từ trên 2 tỷ đồng/đợt điều trị.
Có thể thấy, chính sách BHYT đã và đang từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là cơ chế tài chính y tế quan trọng giúp người dân khi bị ốm đau, tai nạn không rơi vào cảnh khó khăn, nghèo đói.
Kết thúc chuyến công tác, tôi cứ nghĩ mãi về hình ảnh ngôi nhà nhỏ của ông Giáp Văn Bảy với cột, kèo được làm từ những cây bạch đàn, cây xoan trong vườn. Những cột, kèo đã chống đỡ cho ngôi nhà trước bao biến động của thời tiết, mưa nắng hàng ngày. Và tôi thấy thêm rằng, ngôi nhà đó còn có một “cây cột” nữa là tấm thẻ BHYT, giúp gia đình ông chỗng đỡ với những khó khăn, tiếp sức cho hành trình chữa trị bệnh tật. Tôi thiết nghĩ, “cây cột vô hình” này cũng cần cho tất cả mọi gia đình./.
Phạm Chính
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chúc mừng CCVC, người lao ...
BHXH Việt Nam ban hành Kế hoạch công tác thông tin, truyền ...
Truyền thông chính sách BHXH, BHYT: Tích cực, chủ động đưa ...
BHXH Việt Nam ban hành Quyết định về mẫu thông báo kết quả ...
Công tác thanh tra kiểm tra ngành BHXH Việt Nam: Đảm bảo ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?