Gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
24/04/2020 09:10 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tính đến giữa tháng 4, có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên do ảnh hưởng dịch COVID-19. Số lao động thất nghiệp trong quý 1 năm nay khoảng 1,1 triệu người, tăng nhanh so với quý trước.
Đó là những con số được Tổng cục Thống kê công bố trong cuộc họp báo về tình hình lao động việc làm quý I/2020, ngày 24/4 tại Hà Nội.
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Phạm Quang Vinh chủ trì họp báo.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tham gia thị trường lao động của người lao động ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước và các ngành, nghề lao động.
Theo kết quả điều tra doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 và báo cáo đánh giá của các địa phương về tình hình lao động việc làm, tính đến giữa tháng 4/2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong đó, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 1,2 triệu lao động. Tiếp đến là lao động trong ngành bán buôn, bán lẻ với hơn 1,1 triệu lao động và lao động trong ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống với gần 740 nghìn lao động.
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, có khoảng 54% lao động bị ảnh hưởng đang làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, 46% lao động bị ảnh hưởng đang làm việc trong các doanh nghiệp và hợp tác xã.
Khoảng 70% lao động bị ảnh hưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp và hợp tác xã. Trong khi đó, đa số lao động bị ảnh hưởng của các ngành “bán buôn, bán lẻ” và “dịch vụ lưu trú và ăn uống” hiện đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh cá thể, tương ứng là 74% và 73%.
Tính đến giữa tháng 4/2020, lao động bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong các doanh nghiệp và hợp tác xã chủ yếu là tạm nghỉ việc, chiếm gần 59%; lao động bị giãn việc hoặc nghỉ luân phiên chiếm gần 28% và lao động bị mất việc, chiếm gần 13%.
Trong đó, lao động tạm nghỉ việc trong ngành vận tải kho bãi và ngành giáo dục và đào tạo chiếm cao nhất, chiếm trên 70% tổng số lao động bị ảnh hưởng tại mỗi ngành. Ngược lại, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành dịch vụ ăn uống có tỷ trọng lao động bị mất việc, bỏ việc cao nhất trong tổng số lao động bị ảnh hưởng so với các ngành khác, chiếm gần 20% tại mỗi ngành.
Tổng cục Thống kê cho biết, có khoảng 84,8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Doanh nghiệp quy mô lớn và quy mô vừa chịu tổn thương nhiều hơn so với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với hơn 90% doanh nghiệp lớn và vừa tự đánh giá là gặp khó khăn trong 4 tháng đầu năm 2020. Có gần 67% doanh nghiệp đã thực hiện ít nhất một trong bốn giải pháp về lao động để ứng phó với tác động của dịch Covid-19 bao gồm: cắt giảm lao động, cho lao động giãn việc, nghỉ luân phiên, cho lao động nghỉ việc không lương, giảm lương người lao động./.
PV
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
BHXH Việt Nam: Đồng hành cùng người tham gia, thụ hưởng ...
BHXH Việt Nam “dấu ấn” nổi bật trong xây dựng, hoàn thiện ...
Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam năm 2024: Lợi ích thiết ...
(Video) 10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
(Audio) 10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?