Luật BHYT năm 2024: Mở rộng chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT, giảm gánh nặng y tế

03/07/2025 09:14 AM


Một trong những điểm nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2024 (Luật BHYT năm 2024) là quy định rõ ràng, minh bạch về nâng mức hưởng, mở rộng mức hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT và xóa bỏ ranh giới hành chính trong KCB BHYT. Luật BHYT năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.

Mở rộng quyền lợi, giảm gánh nặng cho người bệnh

Theo quy định mới của Luật BHYT năm 2024, thêm nhiều nhóm người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB, cụ thể gồm: Người từ đủ 75 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; Người từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng; Người dân tộc thiểu số thuộc hộ gia đình cận nghèo đang cư trú tại xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Người đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng theo quy định của pháp luật có liên quan; Người đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng mà thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.

(Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, điểm mới của Luật không chỉ ở việc nâng mức hưởng cho một số nhóm người tham gia, mà còn mở rộng mức hưởng theo hướng đơn giản hóa thủ tục tiếp cận. Theo đó, Luật cho phép mở rộng các trường hợp tự đi KCB được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB BHYT, không cần Phiếu chuyển cơ sở KCB BHYT, với: Trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế được KCB tại cấp cơ bản, chuyên sâu và hưởng 100% của mức hưởng; Trường hợp KCB ngoại trú tại cơ sở KCB cấp cơ bản được hưởng từ 50% đến 100% của mức hưởng theo lộ trình và quy định của Chính phủ (Nghị định số 02/2025/NĐ-CP quy định: từ 01/01/2025, 100% mức hưởng khi đi KCB ngoại trú tại cơ sở KCB cấp cơ bản đạt số điểm dưới 50 điểm hoặc tạm xếp cấp cơ bản; từ 01/7/2026, 50% mức hưởng khi đi KCB ngoại trú tại cơ sở KCB cấp cơ bản mà trước ngày 01/01/2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến tỉnh hoặc tuyến Trung ương hoặc tương đương tuyến tỉnh hoặc tuyến Trung ương hoặc tại cơ sở KCB cấp cơ bản đạt số điểm từ 50 đến dưới 70 điểm); Trường hợp KCB tại cơ sở KCB cấp ban đầu được hưởng 100% của mức hưởng (mở rộng cho tất cả người tham gia BHYT đăng ký ban đầu tại bất kỳ cơ sở KCB nào cũng được hưởng quyền lợi này).

Đây là thay đổi mang tính nhân văn sâu sắc. Với người bệnh, mỗi phút giây đều quý báu và việc loại bỏ bớt thủ tục hành chính rườm rà sẽ giúp họ giảm bớt thời gian cho các thủ tục chuyển tuyến KCB, được kịp thời điều trị và gia tăng cơ hội chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Chia sẻ thực tế từ bà N.T.Đ (66 tuổi, tỉnh Hải Dương), người đang điều trị ung thư cổ tử cung tại một bệnh viện chuyên khoa ở Hà Nội cho thấy sự đồng thuận của người dân với các thay đổi của Luật BHYT năm 2024: “Trước đây tôi phải xin giấy chuyển tuyến mỗi lần tái khám, rất mất thời gian. Nhưng theo Luật mới, từ ngày 01/7/2025, tôi được khám vượt tuyến mà vẫn được thanh toán toàn bộ chi phí KCB theo đúng mức hưởng của thẻ BHYT. Tấm thẻ BHYT thực sự đã giúp người bệnh như tôi được an tâm điều trị, giảm bớt gánh nặng chi phí KCB và luôn được tạo điều kiện giản bớt các thủ tục phiền hà, rất đáng quý”.

Đảm bảo công bằng, không để ai bị bỏ lại phía sau

Thông tin về một số điểm mới của Luật BHYT năm 2024, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết,  từ ngày 01/7/2025, người tham gia BHYT trên cả nước sẽ được hưởng 100% quyền lợi mức hưởng trên thẻ BHYT, bao gồm cả trường hợp khám trái tuyến. Luật sửa đổi lần này mở rộng đáng kể quyền lợi cho người tham gia, trong đó điểm nổi bật là việc xóa bỏ ranh giới hành chính trong KCB BHYT. Từ ngày 01/7/2025, người có thẻ BHYT có thể đến khám tại bất kỳ cơ sở KCB đăng ký ban đầu nào trên toàn quốc và vẫn được hưởng đầy đủ mức hưởng quy định như khi khám tại nơi đăng ký đúng tuyến.

Luật cũng quy định rõ những trường hợp KCB trái tuyến nhưng vẫn được hưởng 100% quyền lợi mức hưởng của thẻ BHYT. Nhóm đầu tiên là những người mắc bệnh nặng, bệnh hiếm hoặc cần thực hiện các kỹ thuật cao. Danh mục bệnh này đã được Bộ Y tế ban hành, gồm 62 loại bệnh như: ung thư, rối loạn chuyển hóa, rối loạn dự trữ thể tiêu bào, các bệnh lý về thần kinh, tim mạch, phổi, dị tật bẩm sinh, kháng thuốc chống lao, di chứng chiến tranh và các trường hợp ghép tạng;... Những người bệnh thuộc nhóm này khi được chẩn đoán tại tuyến ban đầu có thể đến thẳng cơ sở y tế chuyên sâu để khám và điều trị mà không cần giấy chuyển viện, vẫn được quỹ BHYT chi trả đầy đủ quyền lợi mức hưởng. Trong trường hợp người bệnh tự đến khám tại tuyến chuyên sâu và được xác định mắc các bệnh nằm trong danh mục, quyền lợi BHYT vẫn được áp dụng ngay từ lần khám đầu tiên.

Song song với đó, người dân khi KCB BHYT tại cơ sở KCB đăng ký ban đầu hoặc điều trị nội trú tại các cơ sở KCB được xác định là tuyến cơ bản trên toàn quốc cũng sẽ được hưởng 100% chi phí BHYT (bao gồm cả các cơ sở KCB từng được xác định là tuyến huyện trước ngày 01/01/2025, hiện đã được nâng cấp thành tuyến cơ bản hoặc chuyên sâu). Điều này đặc biệt có ý nghĩa với người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn - những nơi còn nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

Luật cũng tiếp tục quan tâm đặc biệt đến các đối tượng yếu thế. Đối với người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, cư dân tại xã đảo, huyện đảo hoặc các vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, sẽ được hưởng 100% chi phí KCB BHYT khi điều trị nội trú tại tuyến chuyên sâu, không phân biệt đúng tuyến hay trái tuyến.

Để thực thi hiệu quả Luật BHYT năm 2024, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các khu vực chủ động xây dựng kế hoạch, phương án triển khai ngay từ ngày Luật có hiệu lực. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các cơ sở KCB BHYT để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, nguồn lực, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT, giúp người dân KCB ngày càng thuận lợi với chất lượng phục vụ không ngừng được nâng cao.

Luật BHYT năm 2024 không chỉ bảo đảm chia sẻ rủi ro y tế, giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh, mà còn tiếp tục khẳng định giá trị nhân văn, tính công bằng, bao trùm của hệ thống an sinh xã hội Việt Nam. BHYT không chỉ là một chính sách xã hội, mà còn là trụ cột của phát triển bền vững, mang lại bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân./.

Thái Dương