Thêm cơ hội tiếp cận các chính sách an sinh, việc làm đối với người cao tuổi
12/05/2025 09:04 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng mở rộng cơ hội tiếp cận việc làm và tăng cường chính sách an sinh cho người cao tuổi, giúp người cao tuổi không chỉ sống thọ, mà còn sống khỏe, sống có ích, đồng thời, khai thác hiệu quả nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm của xã hội.
Theo Bộ Y tế, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất châu Á. Do đó, việc bảo đảm cuộc sống ổn định, chủ động và có thu nhập cho người cao tuổi là một hướng đi phù hợp với xu thế phát triển bền vững.
Việc bổ sung chính sách trợ cấp hưu trí xã hội cho người đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện nhận lương hưu nhằm bảo đảm mọi người cao tuổi đều có một mức thu nhập cơ bản để duy trì cuộc sống tối thiểu
Mở rộng quyền lợi cho người cao tuổi qua Luật BHXH 2024
Luật BHXH 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đánh dấu bước cải cách quan trọng khi bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội; giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu; khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, tham gia BHXH sau tuổi nghỉ hưu ... góp phần xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, mở rộng quyền lợi cho người cao tuổi và người lao động.
Theo đó, việc bổ sung chính sách trợ cấp hưu trí xã hội cho người đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện nhận lương hưu là “lưới an sinh cuối cùng” bảo đảm mọi người cao tuổi đều có một mức thu nhập cơ bản để duy trì cuộc sống tối thiểu, nhất là lao động khu vực phi chính thức, nông thôn, phụ nữ lớn tuổi không có điều kiện tích lũy từ sớm. Qua tổng kết Luật BHXH năm 2014, khoảng 8 triệu người cao tuổi chưa được thụ hưởng chính sách hàng tháng, dẫn đến cuộc sống vô cùng khó khăn. Vì vậy, để đạt được mục tiêu bao phủ 8 triệu người này, tiến tới đạt mục tiêu BHXH toàn dân mà Nghị quyết 28/NQ-TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH do Ban Chấp hàng Trung ương ban hành đề ra, Luật BHXH 2024 đã hạ độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Các trường hợp công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Với quy định này, người cao tuổi không có lương hưu, được hưởng 500.000 đồng/tháng và được ngân sách nhà nước mua thẻ BHXH để khám chữa bệnh. Dự tính, khoảng 1,6 triệu người cao tuổi được hưởng chính sách ngay từ ngày 1/7/2025 khi Luật BHXH 2024 có hiệu lực.
Để đảm bảo an sinh xã hội bền vững, tạo cơ hội cho người lao động tham gia BHXH muộn, giúp hàng triệu người cao tuổi có cuộc sống ổn định khi về già và được chăm sóc y tế tốt hơn, Luật BHXH 2024 đã giảm số năm tối thiểu đóng BHXH để được hưởng lương hưu từ 20 năm còn 15 năm, đồng thời, bổ sung nhiều quyền lợi hấp dẫn nếu bảo lưu thời gian đóng như: Tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ với mức cao hơn; được hưởng lương hưu dễ dàng hơn; được cấp BHYT khi về hưu hoặc nhận trợ cấp hằng tháng nếu không đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Ngoài ra, Luật mới cũng sửa đổi chế độ trợ cấp một lần khi nghỉ hưu nhằm khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu. Có hai mức tính đó là: 0,5 lần mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH cho mỗi năm đóng vượt mức quy định; 2 lần mức lương bình quân cho mỗi năm đóng sau khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Có thể nói, việc mở rộng chính sách an sinh cho người cao tuổi trong Luật BHXH 2024 không chỉ là bảo vệ quyền lợi cá nhân, mà còn là chiến lược dài hạn để xây dựng một xã hội công bằng, nhân văn, bền vững.
Khuyến khích người cao tuổi tạo giá trị bền vững
Bên cạnh việc mở rộng chính sách an sinh cho người cao tuổi, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thiết thực nhằm giải bài toán sinh kế cho người cao tuổi. Ngày 23/9/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định người cao tuổi cũng có thể vay vốn tín dụng ưu đãi từ hai nguồn vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ quốc gia về việc làm để đầu tư phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống. Với mục tiêu phát huy tiềm năng, vai trò, kinh nghiệm, tri thức và quyền lợi của người cao tuổi trong xã hội thích ứng với tình trạng già hóa dân số, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 2156/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030...
Đặc biệt, để bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận việc làm, tạo hành lang pháp lý cho người cao tuổi có thể tiếp tục phát huy năng lực, kinh nghiệm, trí tuệ – trở thành lực lượng quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã bổ sung riêng một mục về chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi. Đây là lần đầu tiên, người cao tuổi được xác định là một nhóm đối tượng đặc thù cần được hỗ trợ tiếp cận việc làm, bên cạnh thanh niên, phụ nữ, người khuyết tật, người lao động yếu thế…
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) xác định, người cao tuổi còn khả năng lao động, có nhu cầu làm việc thì được Nhà nước hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; tư vấn việc làm, chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, đào tạo nghề; giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động qua trung tâm dịch vụ việc làm; cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm. Căn cứ điều kiện kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ và khả năng cân đối ngân sách, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề cho người lao động nhằm thích ứng bối cảnh già hóa dân số. Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động tuyển dụng và sử dụng người lao động là người cao tuổi làm việc phù hợp với sức khỏe và khả năng.
Ngoài các chính sách ở cấp Trung ương, nhiều địa phương trên cả nước đã chủ động triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ sinh kế thiết thực cho người cao tuổi. Theo đó, tại Kế hoạch 30/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030, thành phố Hà Nội đã thực hiện hỗ trợ việc làm, hướng nghiệp đối với những người còn sức lao động. Đồng thời, hỗ trợ thí điểm mô hình khởi nghiệp phù hợp; hỗ trợ thí điểm mô hình sinh kế đối với gia đình có người cao tuổi, ưu tiên được vay vốn với lãi suất ưu đãi để tạo việc làm, tăng thu nhập...
Là địa phương có chỉ số già hóa dân số dẫn đầu cả nước, thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn, tư vấn nghề nghiệp và hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn tuổi. Xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho người cao tuổi còn đủ sức khỏe và có nhu cầu tham gia thị trường lao động theo Chỉ thị 37-CT/TW của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn..
Một số tỉnh như: Hoà Bình, Nam Định, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Thái Nguyên... còn triển khai rộng rãi mô hình "câu lạc bộ người cao tuổi làm kinh tế giỏi", "tổ hợp tác có người cao tuổi làm chủ" “Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau” giúp người cao tuổi có điều kiện sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe và vay vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình...
Rõ ràng, việc đảm bảo sinh kế cùng những chính sách hỗ trợ tạo việc làm đã phát huy tối đa vai trò, giá trị của lực lượng lao động đặc biệt này. Nhờ đó, người cao tuổi không chỉ chủ động hơn trong cuộc sống mà còn giữ được tinh thần lạc quan, tự tin khi tiếp tục tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng một xã hội già hóa năng động, phát triển và bền vững trong tương lai.
Thu Thủy
Chi tiết >>
Những điểm mới nổi bật của Luật BHXH 2024
BHXH Việt Nam chi trả đầy đủ, kịp thời lương hưu, ...
Video: HĐQL BHXH họp thường kỳ quý I/2025 quyết ...
Bản tin Audio số 62 - Tháng 5/2025
BHXH Khu vực I: Tối ưu sử dụng quỹ BHYT, bảo đảm quyền lợi ...
Người dân có thể tham gia BHXH, BHYT qua Cổng Dịch vụ công ...
BHXH Khu vực XVII: Triển khai hiệu quả nhiệm vụ, phục vụ ...
Yên Bái: Chỉ đạo tăng cường thực hiện chính sách BHXH, BHYT
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?