“Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội”
30/07/2024 04:45 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 30/7, Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức tọa đàm chuyên đề “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội”.
PGS, TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, Trưởng Ban tổ chức cho biết, tọa đàm là một trong những hoạt động trong khuôn khổ chương trình truyền thông “Những cống hiến thầm lặng” 2024. Sự kiện diễn ra trong thời điểm Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) và đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân.
PGS,TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: DUY KHÁNH)
Thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tới hết quý II/2024, lao động phi chính thức ở nước ta vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, số lao động phi chính thức là 33,4 triệu người, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 65%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng theo cơ quan thống kê quốc gia, hiện có khoảng hơn 70% lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Con số này phản ánh một thách thức lớn mà thị trường lao động Việt Nam đang phải đối mặt. Điều này không chỉ cho thấy nhu cầu cần thiết trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mà còn cả sự cấp thiết trong việc mở rộng cơ hội đào tạo và cấp bằng chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế hiện đại.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện nay, khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm có sự tham gia của thị trường lao động phi chính thức.
Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho thấy, số lao động nữ không có trình độ chuyên môn chiếm tới 49,4%, tập trung vào lao động nữ ở nông thôn, trong độ tuổi trung niên, phụ nữ dân tộc thiểu số. Tỷ lệ lao động nữ làm thuê các công việc trong hộ gia đình chiếm đến 94,7% tổng số lao động làm thuê.
Không chỉ vậy, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ, đối mặt với khó khăn trong việc gia nhập lực lượng lao động chất lượng cao. Lao động nữ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi nền kinh tế số trở thành nền kinh tế chính của xã hội.
Những năm gần đây, do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các loại hình kinh tế phi chính thức mới đã hình thành như “kinh tế tuần hoàn”, “kinh tế chia sẻ”, “kinh tế tự do”... dựa trên nền tảng trực tuyến, như bán hàng trực tuyến, giao hàng, lái xe công nghệ... Những hình thức việc làm mới này dựa trên ứng dụng công nghệ đã và đang ngày càng phát triển, tạo ra số lượng lao động khu vực phi chính thức ngày càng lớn ở nước ta.
Với sự ra đời và phát triển của nền “kinh tế tuần hoàn”, “kinh tế chia sẻ”, phân công lao động khu vực phi chính thức ngày càng đa dạng hơn. Tuy nhiên, kinh tế chia sẻ đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề nghiệp phù hợp vị trí việc làm độc lập, nhất là kỹ năng nghề liên quan đến ứng dụng khoa học-kỹ thuật, công nghệ. Có thể thấy, công nghệ là cơ hội, nhưng cũng là rào cản với người lao động, nhất là những người trẻ chưa qua đào tạo, hoặc mới được đào tạo kỹ năng nghề trình độ thấp.
Những vấn đề thời sự này đặt ra yêu cầu sửa đổi Luật Việc làm phù hợp thực tế của thị trường lao động trong nước.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng có một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn so với Luật Việc làm năm 2013. Có thể kể đến một số đề xuất như: bổ sung quy định về đăng ký lao động, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp…
Đặc biệt, dự thảo Luật bổ sung quy định khung về hỗ trợ chuyển tiếp và giải quyết việc làm cho người cao tuổi; hỗ trợ chính thức hóa việc làm phi chính thức trong bối cảnh già hóa dân số và thực trạng thị trường lao động Việt Nam.
Trong dự thảo Luật, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho rằng, lao động tự do hiện đang chiếm tỷ lệ khá lớn, nhưng pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về vấn đề này. Cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lao động, bổ sung quy định về hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng, khu vực phi chính thức.
Cùng với đó, cần nghiên cứu, xem xét quản lý lao động bằng "sổ lao động điện tử" gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Từ đó, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc làm sáng tạo, trình độ cao như bảo hiểm, tài chính, sáng tạo nội dung số… đến việc làm phổ thông như giao hàng, bán hàng trực tuyến...
Diễn giả tại tọa đàm “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội”. (Ảnh: DUY KHÁNH)
Dự thảo Luật bổ sung các quy định nhằm hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Cụ thể như: chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người khuyết tật; quy định Chính phủ quyết định việc hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ đóng bảo hiểm thất nghiệp và các hỗ trợ khác trong trường hợp khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiện căn cứ tình hình kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời, đề cập nội dung hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động ở khu vực nông thôn, đào tạo nghề gắn với việc làm cho thanh niên, lao động phi chính thức.
Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Đào Trọng Độ cho biết, từ năm 2005, công tác đào tạo nghề cho người lao động nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và lao động phi chính thức nói riêng rất được quan tâm và triển khai thực hiện. Vào năm 2009, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Ban Chấp hành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Tại Quyết định này, mục tiêu đặt ra là mỗi năm đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn.
Còn theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, công tác đào tạo nghề cho người lao động đã được luật hóa. Phụ nữ, lao động nông thôn, lao động phi chính thức khi tham gia học nghề trình độ sơ cấp và học nghề dưới 3 tháng được trợ cấp theo quy định của Chính phủ.
Gần đây nhất, trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu đặt ra là bình quân mỗi năm sẽ đào tạo 1,5 triệu lao động nông thôn.
Ngày 10/7/2024 vừa qua, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Hơn 10 năm qua, nước ta đã đào tạo bình quân 1 triệu người lao động mỗi năm. Trong đó, số người được hỗ trợ đào tạo nghề là 4,6 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm mới, tiếp tục làm nghề cũ có năng suất và thu nhập tốt hơn, tính đến năm 2020 chiếm khoảng 85%. Đây là yếu tố quan trọng góp phần giải quyết an sinh xã hội, giải quyết việc làm.
Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68, Quyết định 23, trong đó có chính sách hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Có thể khẳng định, những năm qua, công tác đào tạo nghề đã góp phần từng bước chuẩn hóa lực lượng lao động cũng như chuẩn hóa lực lượng lao động di cư tự do không có tay nghề; giúp người lao động phi chính thức có cơ hội tìm được việc làm tốt hơn và ổn định hơn.
Chủ tịch Hội đồng quản lý AFV Việt Anh nhấn mạnh, nhiều vấn đề cấp thiết về thị trường lao động đang đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Cùng với đó là yêu cầu sửa đổi Luật Việc làm 2013 phù hợp thực tế. Vì vậy, những khuyến nghị liên quan đến chính sách đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong dự thảo Luật Việc làm tại tọa đàm sẽ góp thêm tiếng nói, giúp các cơ quan chức năng, các đại biểu Quốc hội tham khảo và cân nhắc. Từ đó, đưa ra quyết định thấu đáo trong xem xét và thông qua dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trong thời gian tới.
Lê Minh An
Chi tiết >>
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Các ca khúc đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B ...
Báo chí có đóng góp rất quan trọng vào kết quả nổi bật của ...
BHXH huyện Yên Bình: Thi đua tạo động lực phát triển
Lịch tiếp công dân của Lãnh đạo Ngành BHXH Việt Nam tháng ...
BHXH Việt Nam: Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả, an ...
Hội nghị công chức, viên chức cơ quan BHXH Việt Nam năm ...
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?