Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và Quy chế tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo
09/07/2024 02:26 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 08/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 603/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo) có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản pháp luật.
Thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
Theo Quyết định trên, Trưởng Ban Chỉ đạo là Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Các Phó Trưởng ban gồm: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (Phó Trưởng ban Thường trực); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Các thành viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng các Bộ gồm: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn có sự tham gia của lãnh đạo: Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Để triển khai nhiệm vụ, Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành Quyết định số 78/QĐ-BCĐRSXLVBQPPL về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo, trong đó quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban Chỉ đạo và các Thành viên Ban Chỉ đạo và một số quy định cụ thể như sau:
Nguyên tắc và chế độ làm việc của Ban Chỉ đạo
Ban Chỉ đạo chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo trong việc quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; tập thể thảo luận, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận và chỉ đạo thực hiện. Thành viên Ban Chỉ đạo tham gia, thực hiện đầy đủ các hoạt động của Ban Chỉ đạo và kịp thời báo cáo, chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về các nhiệm vụ được phân công theo quy định tại Quy chế. Thường trực Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tuân thủ sự phân công của Trưởng Ban Chỉ đạo.
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo
Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật đã được chỉ ra tại Báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội Khóa XV.
Đồng thời tiếp tục tổng hợp, rà soát các vướng mắc, bất cập phát sinh (nếu có); chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các văn bản pháp luật, nhất là Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư công, các Luật thuế, Luật Dược... và các văn bản hướng dẫn, xác định các vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật.
Đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành văn bản phù hợp, hiệu quả để xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo tổ chức các cuộc họp, các buổi làm việc, hội thảo, hội nghị để trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho việc thực hiện các nhiệm vụ.
Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo
Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện hoạt động của Ban Chỉ đạo, sử dụng các cơ quan, đơn vị chức năng hiện có của Bộ để tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo; phối hợp, theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện của các bộ, ngành và địa phương; tổng hợp, xây dựng báo cáo, trình Trưởng Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện theo định kỳ và đột xuất.
Chế độ thông tin, báo cáo
Tại Quyết định số 78/QĐ-BCĐRSXLVBQPPL quy định cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo định kỳ 06 tháng, cả năm và đột xuất theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo. Định kỳ trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo báo cáo tình hình hoạt động gửi Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Vụ PC
Chi tiết >>
10 kết quả nổi bật ngành BHXH Việt Nam năm 2024
Video: BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban ...
BHXH Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế nâng cao ...
Khối Thi đua số I: Đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với thực ...
BHXH Việt Nam triển khai Chương trình "Không để ai bị bỏ ...
BHXH Việt Nam mang Tết ấm đến bệnh nhân khó khăn và gia ...
BHXH tỉnh Sóc Trăng: Nỗ lực vượt khó, lan tỏa an sinh
Bạn có thể cho biết ý kiến về thông tin cung cấp trên Cổng thông tin của BHXH Việt Nam?
Bạn có hài lòng với nội dung thông tin cung cấp trên Cổng thông tin BHXH Việt Nam?