Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi)
27/11/2024 02:04 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 27/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công đoàn, với 443/456 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 92,48% tổng số đại biểu Quốc hội.
Kết quả thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi) (Ảnh quochoi.vn)
Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 37 Điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam; quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của người lao động; việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn; trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động đối với Công đoàn; bảo đảm hoạt động của Công đoàn; giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật về công đoàn.
Luật này áp dụng đối với công đoàn các cấp, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp); tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn, người lao động và tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động công đoàn.
Luật quy định người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở. Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Những hành vi bị nghiêm cấm quy định trong luật, đó là cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền công đoàn. Phân biệt đối xử đối với người lao động, cán bộ công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động công đoàn. Sử dụng biện pháp kinh tế, đe dọa tinh thần hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức Công đoàn, can thiệp, thao túng quá trình thành lập, hoạt động của Công đoàn, làm suy yếu hoặc vô hiệu hóa việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn. Không bảo đảm các điều kiện hoạt động công đoàn và cán bộ công đoàn theo quy định của pháp luật. Không đóng kinh phí công đoàn; chậm đóng kinh phí công đoàn; đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định; đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng; quản lý, sử dụng kinh phí công đoàn không đúng quy định…
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2025.
Tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%
Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ hơn về điều kiện gia nhập công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Khoản 5, Điều 4 quy định “Cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, chỉ định để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn”, bao gồm cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách. Đối với người lao động là công dân nước ngoài khi gia nhập Công đoàn thì không được ứng cử, nhận đề cử làm cán bộ công đoàn và chỉ hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở. Khoản 7 Điều 10 cũng quy định cấm “Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân”. Khoản 3, Điều 5 quy định “Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Vì vậy, các điều kiện tự nguyện, tán thành tôn chỉ, mục đích của Công đoàn hay thời gian cư trú tại Việt Nam... sẽ được quy định cụ thể tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam và do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn cụ thể. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.
Về giám sát của Công đoàn (Điều 16), tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để các quy định của dự thảo Luật rõ ràng, mạch lạc dễ hiểu, dễ thực hiện và tránh việc hiểu giám sát của Công đoàn như giám sát mang tính quyền lực nhà nước, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật (trong đó có Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý mạch lạc, rõ ràng và dễ hiểu hơn tại Điều 16 ở khoản 1, khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 và điểm e khoản 7.
Bên cạnh đó, Luật tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%, cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn; bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn sau khi thống nhất với Chính phủ…
Phạm Chính