Xác định trọng tâm và lộ trình giải quyết kịp thời kiến nghị của cử tri còn tồn đọng
27/11/2024 07:59 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 26/11, phát biểu kết luận nội dung thảo luận về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác phòng, chống tham nhũng... Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xác định các trọng tâm, trọng điểm và lộ trình giải quyết, trả lời kịp thời kiến nghị của cử tri còn tồn đọng.
Trong phiên làm việc ngày 26/11, Quốc hội dành phần lớn thời gian nghe các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật;công tác thi hành án năm 2024; Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2024; Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh quochoi.vn)
Mở đầu phiên họp, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024. Tiếp đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày Báo cáo công tác năm 2024 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2024. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2024. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2024. Quốc hội cũng nghe Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024.
Cũng tại Phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 202. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành chính năm 2024.
Sau khi nghe các báo cáo, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về các nội dung trên; thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, cá nhân có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, có 22 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, không khí thảo luận rất sôi nổi, dân chủ, trí tuệ khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao.
Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Tổng Thanh tra Chính phủ đã có báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng, Trưởng ngành căn cứ vào ý kiến của đại biểu, có văn bản trả lời bằng văn bản với đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, qua thảo luận các đại biểu đều cho rằng, Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật cơ bản đã phản ánh, đánh giá đầy đủ tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của ngành Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, công tác thi hành án, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri trong kỳ báo cáo đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung thảo luận (Ảnh quochoi.vn)
Đại biểu cũng cơ bản nhất trí với những đánh giá về tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, phân tích làm rõ hơn tình hình, kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và xác định trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Các đại biểu Quốc hội cũng kiến nghị thêm nhiều giải pháp rất cụ thể, thiết thực, sát với thực tiễn hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội và tình hình thực tế trên các lĩnh vực, nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực công tác này trong thời gian tới, cả về kiến nghị hoàn thiện pháp luật, cũng như giải pháp tổ chức thực hiện.
Đối với nhóm vấn đề thứ nhất về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ lưỡng hơn, phân tích sâu sắc hơn những hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm; chủ động dự báo sát hơn, đưa ra giải pháp đột phá và quyết liệt hơn; nghiên cứu để hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Với nhóm vấn đề thứ hai về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát những kiến nghị của cử tri và người dân còn tồn đọng; tập trung giải quyết với tinh thần quyết liệt, đầu tư cả nguồn lực để xác định các trọng tâm, trọng điểm và lộ trình giải quyết, trả lời kịp thời cho cử tri.
Đối với nhóm vấn đề thứ ba về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về hành chính năm 2024, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tích cực hơn trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc tồn đọng kéo dài, giải quyết ngay từ cơ sở, hạn chế tình trạng công dân tập trung khiếu nại, tố cáo ở các cơ quan Trung ương; tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu giải quyết ý kiến, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tập hợp, tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luậ tại phiên họp hôm nay, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, gửi đến Chính phủ, Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan liên quan để nghiên cứu, tiếp thu và trả lời theo đúng chức năng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội.
Phạm Chính