Kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội: Giải quyết kịp thời với những vấn đề cấp bách
31/12/2021 02:02 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trước bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại ở nhiều tỉnh, thành phố ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân cũng như việc khôi phục, phát triển KT-XH đất nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử của Quốc hội, nhằm giải quyết kịp thời với những vấn đề cấp bách trong thực tiễn, đáp ứng mong mỏi của cử tri và Nhân dân.
Khoản 2 Điều 83 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam quy định: “Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ. Trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Ủy ban thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp Quốc hội.” Cụ thể hóa quy định này, chương V của Luật Tổ chức Quốc hội quy định rõ về kỳ họp Quốc hội, trong đó có nội dung về việc Quốc hội họp bất thường. Như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có đầy đủ cơ sở pháp lý, đủ thẩm quyền trong việc tổ chức kỳ họp bất thường.
Quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể được coi là quyết định lịch sử khi chưa từng có kỳ họp bất thường nào trong suốt 75 năm lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam. Đưa ra quyết định này cho thấy bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hơn hết là đặt người dân ở vị trí trung tâm của mọi quyết sách của Quốc hội. Bởi đại dịch COVID-19 chưa từng có tiền lệ, khó dự báo, tạo thách thức chưa từng có đối với hệ thống y tế của các nước, tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh trật tự an toàn xã hội và đời sống vật chất, tinh thần của người dân vô cùng lớn.
Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách. Ngay sau khi Nghị quyết số 30/2021/QH15 được ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tích cực vào cuộc để xử lý các yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch theo yêu cầu tại Nghị quyết này. Và chỉ 9 ngày sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bất thường, ban hành Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành Nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.
Hình ảnh phiên bế mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu cần củng cố nhận thức về bối cảnh “bình thường mới”, cân bằng mục tiêu chống dịch và phục hồi kinh tế, đảm bảo nguồn lực phòng chống dịch một cách bền vững; cụ thể hóa trên thực tế bước chuyển về chiến lược sang mô hình thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh COVID-19, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội với các giải pháp, cơ chế đột phá, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, chú trọng việc tạo động lực tăng trưởng mới phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế thế giới hiện nay. Sử dụng linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các công cụ tiền tệ, tài khóa để giữ vững kinh tế vĩ mô, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng gói chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Đồng hành với Chính phủ trong quá trình này, thời gian qua, lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã thường xuyên có các buổi làm việc, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện đề nghị của các cơ quan hữu quan và việc bảo đảm chất lượng các nội dung để đi đến quyết định tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách, cần thiết, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Điều này tiếp tục thể hiện rõ tinh thần “Chủ động, Trí tuệ, Đoàn kết, Đổi mới và Trách nhiệm” của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường của Quốc hội tại phiên họp thứ 6 (tháng 12/2021)
Cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội tại phiên họp thứ 6, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhấn mạnh đề cao chất lượng nội dung của kỳ họp, do đó phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và việc bố trí thời gian cho đại biểu thảo luận đầy đủ tại tổ và hội trường, bày tỏ chính kiến đi đến thống nhất đồng thuận cao trong quyết định vấn đề quan trọng của đất nước.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh khẳng định việc tổ chức kỳ họp bất thường là đủ cơ sở chính trị, cơ sơ pháp lý và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Lưu ý nội dung của kỳ họp bất thường lần này là rất quan trọng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng cần phải có thời gian thỏa đáng để các đại biểu Quốc hội có thời gian tham gia ý kiến, xem xét, quyết định vấn đề quan trọng quốc gia; nhấn mạnh kỳ họp bất thường, cấp bách nhưng không vì thế mà quyết định vội vàng.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, điều quan trọng nhất là công tác chuẩn bị và thảo luận, ban hành nghị quyết của Quốc hội, do đó, việc lựa chọn thời gian diễn ra kỳ họp bảo đảm được sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thời gian thỏa đáng cho đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tiếp cận tài liệu và cho ý kiến vào những nội dung quan trọng của kỳ họp. Việc bố trí chương trình, thời gian kỳ họp cũng cần bảo đảm khoa học, bố trí đủ thời gian cho đại biểu thảo luận tại Tổ và hội trường và không quá gò ép thời gian kỳ họp.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường của Quốc hội
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, để chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường, dưới sự chỉ đạo, điều hòa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã vào cuộc từ sớm, từ xa nhiều tháng nay. Các nội dung được xem xét nhiều vòng và đến nay một số nội dung đã đủ điều kiện trình Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng bày tỏ, việc sắp xếp thời gian cần bảo đảm đủ cho các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng và đi đến đồng thuận, thống nhất cao, cũng như dành thời gian cho các cơ quan giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết trước khi thông qua.
Ngoài ra, kỳ họp bất thường lần này tiếp tục phát huy những cải tiến, đổi mới về cách thức tổ chức Kỳ họp tiếp tục được áp dụng, đem lại hiệu quả cao như chia tổ thảo luận cả ở Nhà Quốc hội và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, biểu quyết điện tử, có tổng hợp nhanh và giải trình bước đầu ý kiến thảo luận tổ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đầu tư nhiều thời gian và tổ chức nhiều cuộc họp để tập trung xem xét các vấn đề về nội dung của kỳ họp bất thường của Quốc hội. Theo đó, nhấn mạnh chất lượng nội dung của kỳ họp phải đặt lên hàng đầu bởi đây là những vấn đề quan trọng quốc kế dân sinh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề cùng với đó là phục hồi phát triển kinh tế. Với tính chất đặc biệt, cấp bách nên càng cần phải đảm bảo chất lượng, hoàn chỉnh tất cả các nội dung sẽ triệu tập kỳ họp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sau khi xem xét Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất chủ trương tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV theo hình thức trực tuyến cả kỳ và dự kiến khai mạc vào ngày 04/01/2022.
Dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định, gồm: (1) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số luật (gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự); (2) Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; (3) Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; (4) Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Quán triệt sâu sắc bài học, đồng thời cũng là chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV là “Quốc hội luôn có ý thức tự đổi mới để hoàn thiện mình”, Quốc hội khóa XV đã chủ động, không ngừng tìm tòi các dư địa đổi mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của Nhân dân. Lần đầu tiên Quốc hội tiến hành một kỳ họp bất thường và cũng là lần đầu tiên một kỳ họp của Quốc hội được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến cả kỳ, điều này tiếp tục thể hiện rõ nét hình ảnh một “Quốc hội hành động”, chuyển mình mạnh mẽ “từ tham luận sang thảo luận, tranh luận” và đặt những nền tảng vững chắc, quan trọng để tiến tới một “Quốc hội hoạt động thường xuyên”./.
PV