Lao động di cư cần tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản
09/12/2021 02:27 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đại dịch COVID-19 đã làm bộc lộ nhiều khoảng trống trong chăm sóc sức khoẻ người di cư. Điều này đặt ra bài toán bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ y tế, dân số.
Di cư là một hiện tượng mang tính toàn cầu. Trên thế giới hiện có khoảng 272 triệu người di cư trong tổng dân số hơn 7 tỷ người. Hai phần ba trong tổng số người di cư là lao động di cư. Tại Việt Nam, số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế- xã hội, nhưng cũng tác động đến các dòng di cư. “Việc bảo đảm người di cư được tiếp cận đầy đủ và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản, trong đó có dịch vụ y tế, dân số cần được chú trọng”- ông Nguyễn Doãn Tú- Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) nhấn mạnh.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Cũng theo ông Tú, người di cư khỏe mạnh là lực lượng lao động quan trọng góp phần phát triển kinh tế- xã hội đất nước, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa. Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người di cư là sự tổng hòa các mối quan hệ, hợp tác giữa các bên có liên quan. Do đó, tháng 5/2021, Bộ Y tế đã thành lập Nhóm Kỹ thuật sức khỏe người di cư Việt Nam, nhằm xây dựng chính sách, chương trình, dự án liên quan đến sức khỏe người di cư trong lĩnh vực y tế, dân số.
Bà Mihyung Park- Trưởng phái đoàn Di cư quốc tế tại Việt Nam cũng cho biết: “Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) lấy sức khỏe người di cư làm ưu tiên xuyên suốt, với việc đề cập đến vấn đề sức khỏe và tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe trong một số mục tiêu của thỏa thuận. Theo đó, việc thực hiện Thỏa thuận toàn cầu mang đến cơ hội to lớn trong việc nâng cao sức khỏe người di cư, thúc đẩy các quan hệ đối tác cũng như chính sách đa ngành có liên quan.
“Không quốc gia nào có thể tự giải quyết những thách thức cũng như cơ hội của di cư toàn cầu. Với cách tiếp cận toàn diện, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho di cư an toàn, hợp pháp và trật tự; đồng thời giảm tỷ lệ và tác động tiêu cực của di cư trái phép thông qua hợp tác quốc tế và kết hợp các biện pháp được đưa ra trong Thỏa thuận toàn cầu này”- bà Mihyung Park nhấn mạnh.
Dựa trên các khuyến nghị, Bộ Y tế cùng với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang xây dựng kế hoạch hành động về sức khỏe người di cư Việt Nam. Qua đó, việc thực hiện kế hoạch này sẽ góp phần thúc đẩy khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người di cư ở Việt Nam, bằng cách đưa ra các chính sách và tạo ra các dịch vụ y tế đáp ứng được nhu cầu của người di cư.
PV