Thứ trưởng Bộ Y tế: Việt Nam đủ vaccine tiêm mũi 3
03/12/2021 05:29 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 2/12, trả lời câu hỏi của báo chí về vấn đề tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, ông Trần Văn Thuấn cho hay, hiện ngành Y tế ưu tiên tối đa để tiêm đủ liều cơ bản cho người dân; sau đó sẽ tiêm mũi 3, lần lượt là liều bổ sung và liều nhắc lại để tăng cường miễn dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, đến ngày 1/12, cả nước đã tiêm trên 125 triệu liều vaccine cho người trên 18 tuổi và trẻ em ở độ tuổi 12-17. Tỷ lệ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine hơn 94% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 68% dân số từ 18 tuổi trở lên. Nhiều tỉnh, thành phố tiêm đủ 2 mũi cho 80-90% người trên 18 tuổi.
"Dự kiến hết năm nay chúng ta có hợp đồng với các đơn vị tổng số lượng khoảng 200 triệu liều", ông Thuấn nói, cho hay theo chỉ đạo Thủ tướng, Bộ Y tế đã và đang đàm phán các đối tác, sắp tới sẽ tiếp tục có vaccine cho Việt Nam, "trong đó đặc biệt là Pfizer và AstraZeneca, đủ để tiêm các mũi tăng cường miễn dịch thời gian tới".
Với liều bổ sung, Bộ Y tế hướng dẫn tiêm cho người từ 18 tuổi, ưu tiên tiêm trước cho người 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản và có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng, như: Người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng. Loại vaccine tiêm bổ sung cùng loại với liều cơ bản hoặc mRNA; khoảng cách sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vaccine.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.
Liều nhắc lại tiêm cho người từ 18 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung; ưu tiên người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19, nhân viên y tế.
Ông Thuấn cho hay, nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vaccine thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA; nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. Khoảng cách tiêm mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung.
Về việc ứng phó với tình trạng dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số mắc cao, ca tử vong có chiều hướng tăng, ông Trần Văn Thuấn cho hay qua thống kê hầu hết số ca tử vong tăng ở nhóm trên 50 tuổi kết hợp với các bệnh nền tiểu đường, ung thư, tim mạch (chiếm trên 80%).
Bộ Y tế đã đề ra một số giải pháp, đầu tiên là quan tâm theo dõi người có bệnh nền, tuổi trên 50 tuổi và phân tầng điều trị phù hợp. Các bệnh viện đánh giá phân loại nguy cơ và theo dõi sát bệnh nhân. "Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân loại cụ thể, dễ thực hiện", ông Thuấn nói, cho hay Bộ tiếp tục hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có số ca nặng tăng cao; kích hoạt lại trung tâm hỗ trợ điều trị bệnh nhân từ xa.
Bộ Y tế hướng dẫn tiêm cho người từ 18 tuổi, ưu tiên tiêm trước cho người 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương cử người có năng lực, trực tiếp chỉ đạo thực hiện thu dung một cách thích hợp, tránh chuyển tầng quá sớm. "Nếu chuyển tầng quá sớm thì quá tải, còn quá muộn lại tăng nguy cơ tử vong, nên cần thiết phải chuyển tầng theo đúng hướng dẫn phân loại của Bộ Y tế", ông Thuấn giải thích.
Hôm qua (1/12), Bộ trưởng Y tế đã có công điện về các giải pháp giảm tử vong do Covid-19, trong đó, "nêu cụ thể từng biện pháp tại các tỉnh, thành, cơ sở y tế".
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 13.568 ca mỗi ngày; cùng thời gian này, trung bình số tử vong ghi nhận là 179 ca mỗi ngày. Tổng số ca tử vong tại Việt Nam tính đến nay là 25.658 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
PV