Tình trạng người già nghèo đói ở Romania - vấn đề ngày càng gia tăng
29/11/2021 08:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tỷ lệ người cao tuổi nghèo đói ở Romania là một thách thức, không chỉ đối với đối tượng này, mà còn đối với đất nước. Gần đây, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, tỷ lệ người nghỉ hưu và người già trên 65 tuổi đã tăng lên đáng kể.
Theo số liệu thống kê của Chính phủ, tỷ lệ người già có nguy cơ nghèo đói của Romania đã đạt mức cao kỷ lục 25,1% vào cuối năm 2020, tăng so với mức 14,4% năm 2012. 24,5% nữ giới cao tuổi thuộc diện nghèo có lương hưu, tương đương với mức cao kỷ lục trong lịch sử là 25,7% (năm 2016). Nam giới cao tuổi có lương hưu đạt mức cao kỷ lục 18% (năm 2020) và mức thấp kỷ lục là 7,9% (năm 2012). Như vậy, qua thời gian, tỷ lệ người cao tuổi nghèo đói đang nhanh chóng tăng lên, khiến họ phải kiếm việc làm thêm ở tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, để có thể tồn tại. Chỉ một số người cao tuổi có lương hưu, những người khác rơi vào cảnh nghèo đói, thậm chí dưới mức nghèo đói.
Romania có một hệ thống chăm sóc sức khỏe “kép”, có nghĩa là có cả hệ thống chăm sóc sức khỏe khu vực công và khu vực tư nhân. Tuy nhiên, cả 2 hệ thống đều có sự tham gia của Chính phủ. Chính phủ Romania chi trung bình 4% GDP cho chăm sóc sức khỏe- đây là một trong quốc gia có tỷ lệ chi thấp nhất EU. Hơn nữa, người trả tiền cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân không phải lúc nào cũng nhận được sự chăm sóc tốt hơn, do cơ chế tự chủ, khu vực tư nhân có xu hướng tính phí cao cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, kể từ năm 2007, khoảng 15.700 chuyên gia y tế Romania từ các cơ sở tư nhân và do Chính phủ tài trợ đã rời đất nước để theo đuổi mức lương cao hơn ở các quốc gia châu Âu khác.
Hình minh hoạ (nguồn: Internet)
Xét về tỷ lệ người già nghèo đói ở Romania, rõ ràng họ không được chăm sóc sức khỏe đến nơi đến chốn, thậm chí sức khỏe thể chất của họ thường bị bỏ qua. Tính đến năm 2020, chỉ 23,4% người Romania trên 65 tuổi tham gia khảo sát của Chính phủ đánh giá tình trạng sức khỏe của họ là “Tốt” hoặc “Rất tốt”, trong khi mức trung bình của EU gần như gấp đôi (41,1%); 66,7% cho biết họ gặp vấn đề với xương khớp, 51,9% có vấn đề về thị lực… song không có điều kiện điều trị.
Hệ thống lương hưu của Romania đang phải đối mặt với những thách thức do dân số già, cùng sự sụt giảm dân số ước tính khoảng 25%, từ 21,4 triệu (năm 2008) xuống còn khoảng 15 triệu vào năm 2050. Tỷ lệ người cao tuổi có thể đạt 29,9% vào năm 2050, dẫn đến sự thiếu hụt lương hưu mặc dù hiện tại Romania có một quỹ lương hưu dựa trên sự đóng góp của công dân trong thời gian đóng góp tối thiểu là 15 năm. Cuối cùng, một vấn đề khác với hệ thống lương hưu Romania là vấn đề gian lận trong lương hưu (một trong những vụ bê bối lớn nhất xảy ra vào năm 2009, tổng số tiền gian lận lương hưu lên tới 7,15 triệu USD).
Tình trạng người già nghèo đói ở Romania đã và đang là một vấn đề ngày càng gia tăng trong vòng một thập kỷ qua và có thể sẽ tiếp tục là một vấn đề trong tương lai. Chính phủ Romania sẽ phải giải quyết vấn đề này trước khi dân số già đạt đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, vẫn có hy vọng rằng dân số sẽ tự điều chỉnh, hoặc nền kinh tế sẽ mở ra nhiều việc làm hơn cho NLĐ cao tuổi và NLĐ cao tuổi trong diện nghèo khó. Với sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành chức năng; sự hỗ trợ của các tổ chức và nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục sau ảnh hưởng của đại dịch, hy vọng tỷ lệ người cao tuổi nghèo đói sẽ giảm trong những năm tới.
PV