"Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về BHXH và có ý thức chủ động tham gia BHXH"
18/11/2021 02:23 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 17/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Xã hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 4 bằng hình thức trực tuyến. Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp. Tham dự Phiên họp có: đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LD-TB&XH) Nguyễn Bá Hoan, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung cùng đại diện một số Bộ, ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh cho biết, theo quy định của Luật BHXH, Luật Việc làm thì định kỳ 3 năm Chính phủ báo cáo tình hình quản lý, chi phí BHXH, BH thất nghiệp. Do đó, Ủy ban tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 4 để thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 và đề xuất mức chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2022-2024. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội mong muốn các đại biểu Quốc hội, thành viên Ủy ban tiếp tục phát huy trí tuệ, tập trung thảo luận, đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao để Báo cáo thẩm tra của Ủy ban đạt chất lượng tốt nhất.
Toàn cảnh Phiên họp
Báo cáo tại phiên họp, ông Võ Thành Hưng – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2019- 2021, cơ quan BHXH đã sử dụng hiệu quả chi phí để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nhiều phần việc trước đây người dân phải làm nay đã được ngành BHXH Việt Nam đảm nhiệm. Từ đó đã khiến người dân thuận lợi hơn khi thực hiện giao dịch cũng như giảm giờ giao dịch, giảm thời gian giải quyết các chế độ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Công tác giao dự toán và thực hiện chi phí quản lý được thực hiện đúng theo Luật BHXH, Luật Việc làm và Nghị quyết số 58 của Uỷ ban TVQH đã tạo điều kiện cho ngành BHXH Việt Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019-2021
và đề xuất mức chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2022-2024.
“Trong đó ấn tượng là việc phát triển BHXH tự nguyện vượng mục tiêu kế hoạch đến năm 2025 đề ra tại Nghị quyết 28… Dự kiến đến hết năm 2021, ngành BHXH Việt Nam quản lý trên 90,1 triệu người tham gia BHXH, BHYT; chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho trên 3,3 triệu người; 890.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp; chi trả chế độ ốm đau, thai sản, DS-PHSK, BHXH một lần cho hơn 8,6 triệu lượt người; thanh toán chi phí KCB BHYT cho hàng trăm triệu lượt người…” Thứ trưởng Hưng nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến trên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Đặng thuần Phong cũng cho rằng, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc ban hành văn bản thực hiện chính sách BHXH, BH thất nghiệp và ngành BHXH Việt Nam cũng rất nỗ lực thực hiện trong điều kiện áp lực rất lớn. “Như để triển khai gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng từ quỹ BH thất nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, toàn ngành BHXH Việt Nam từ Trung ương tới địa phương đều đã làm ngày, làm đêm với trách nhiệm và sự nhiệt huyết rất cao. Tuy nhiên trong Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích cụ thể vấn đề này. Tôi xin chia sẻ với những nỗ lực của ngành BHHX Việt Nam và ủng hộ quan điểm chi phí quản lý giai đoạn 2022-2024 dựa trên dự toán thu-chi” Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Đặng thuần Phong bày tỏ quan điểm.
Phân tích thêm về đề xuất chi phí quản lý giai đoạn 2022-2024, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban xã hội Lâm Văn Đoan nhận định: Giai đoạn vừa qua, ngành BHXH Việt Nam đã tiết kiệm chi phí quản lý và đạt nhiều thành tựu khả quan như thực hiện chuyển đổi số, giảm biên chế. Bên cạnh việc thu và mở rộng diện bao phủ, ngành BHXH Việt Nam còn nhiệm vụ quan trọng là chi lương hưu, ốm đau, thai sản, KCB BHYT cho gần 90 triệu người tham gia… “Nếu so sánh về khối lượng công việc thì cán bộ BHXH áp lực rất lớn, chỉ được hưởng hệ số lương và phải làm nhiều việc hơn…” ông Đoan phân tích.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh giải trình một số vấn đề tại Phiên họp
Giải trình một số vấn đề tại Phiên họp, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, chi phí giai đoạn 2019- 2021 giảm nhiều so với quyết định giao, thế nhưng công việc lại tăng lên. Nhất là trong năm 2021, gây áp lực lớn cho các cán bộ trong toàn Ngành. Cũng theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, chi BHXH, BH thất nghiệp ở Việt Nam có đặc thù so với quốc tế, bởi theo quy trình, sau khi người lao động đề xuất chi trả thì cơ quan BHXH phải rà soát chính sách, chế độ như mức đóng, hưởng, chuyển vị trí công tác như thế nào; bên cạnh đó không chỉ chi lương hưu mà còn rất nhiều chế độ khác nên mất nhiều chi phí thực hiện..
Tại Phiên họp, các đại biểu tập trung thảo luận về việc phát triển đối tượng tham gia; công tác tổ chức thu, chi trả chế độ; hoạt động đầu tư quỹ; tổ chức bộ máy và biên chế; cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin; công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật…
Theo đó, chỉ tiêu phát triển đối tượng giai đoạn 2022-2024 được dự báo theo kịch bản đại dịch COVID-19 sẽ cơ bản được kiểm soát vào cuối năm 2021, cùng với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang được Chính phủ xây dựng với các giải pháp tổng thể, trong đó có giải pháp khôi phục thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người lao động; căn cứ chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị quyết số 20-NQ/TW, dự kiến: Phấn đấu đến năm 2024 số người tham gia BHXH đạt 42,7%; số người tham gia BH thất nghiệp đạt 33,4%; số người tham gia BHYT đạt 94,1%.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại Phiên họp
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan đã khẳng định, giai đoạn 2019-2021, BHXH Việt Nam đã thực hiện hiệu quả chi phí quản lý, đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra, nhiều hoạt động lớn được triển khai và thực hiện tốt như: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CSDL về BHXH, từng bước thay thế sổ BHXH, thẻ BHYT giấy bằng sổ, thẻ điện tử…). “Ứng dụng VssID rất tốt và tôi cũng đang sử dụng để theo dõi quá trình đóng - hưởng của mình”. – Thứ trưởng Hoan chia sẻ;
Kết luận Phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, các đại biểu đều đánh giá cao nỗ lực của cơ quan BHXH cũng như chi phí quản lý theo Nghị quyết của Uỷ ban TVQH với những kết quả tích cực. Giai đoạn tới, các đại biểu cũng thống nhất chi phí quản lý BHXH cũng như mức tiền lương cho cán bộ ngành BHXH Việt Nam theo đề xuất của Chính phủ. Để thực hiện tốt chính sách, pháp luật về BHXH, BH thất nghiệp, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về BHXH và có ý thức chủ động tham gia BHXH. Đổi mới cách thức tuyên truyền, đảm bảo toàn diện cả về nội dung, hình thức và phương pháp, tập trung trực tiếp vào các nhóm đối tượng.
PV