Ba nhóm chính sách hỗ trợ người lao động cơ bản đã vào cuộc sống
10/11/2021 05:05 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Quan tâm đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động khắc phục khó khăn do đại dịch Covid - 19 gây ra, các ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc), Dương Minh Ánh (Hà Nội)... nêu chất vấn với Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.
Đại biểu Trần Văn Tiến nêu chất vấn: Bộ trưởng đánh giá về các chính sách đã và đang thực hiện sự tiếp cận và tiếp nhận đối với các gói hỗ trợ Covid-19? Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ trưởng có tham mưu, đề xuất gì với Chính phủ nhằm giúp người lao động và doanh nghiệp không những khắc phục khó khăn mà còn phục hồi và phát triển?
Đại biểu Dương Minh Ánh nêu vấn đề: Cử tri phản ánh về việc các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Chính phủ rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ bởi thủ tục còn rườm rà, khó khăn. Đại biểu đề nghị, Bộ trưởng cho biết quan điểm về việc đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian để người dân được nhanh chóng tiếp cận các gói hỗ trợ trên. Ngoài ra, sự tác động kép của đại dịch của Covid- 19 và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã, đang và sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về việc làm, thị trường lao động và người lao động. Do vậy, đại biểu đề nghị, Bộ trưởng cho biết cần đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Tiến, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2021 chúng ta đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến các đối tượng, từ bảo trợ, người có công, trẻ em đến chuẩn bị một số chính sách liên quan đến người nghèo, người nghỉ hưu. “Chúng ta đã đi rất bài bản đến tất cả các đối tượng bảo trợ xã hội”, Bộ trưởng nhận định.
Về các chính sách hỗ trợ triển khai sau khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đã có tham mưu báo cáo với cấp có thẩm quyền, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo ban hành khẩn trương một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động nhằm giảm bớt khó khăn, bớt gánh nặng và chia sẻ với các doanh nghiệp cùng phát triển. Bộ trưởng nhận định, hầu hết những chính sách nêu trên đều là chính sách có tính chất tình thế, mang tính chất hỗ trợ tức thời cho người lao động, người sử dụng lao động.
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu
Chia sẻ với mối quan tâm của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quyết liệt chỉ đạo ngành lao động - thương binh và xã hội. "Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm ngày, làm đêm để cùng một lúc ban hành 3 nhóm chính sách trong thời gian qua, nhất là Nghị quyết 68, Nghị quyết 116, Nghị quyết 126 liên quan".
Liên quan đến mức độ tiếp cận các chính sách hỗ trợ nêu trên, Bộ trưởng cho biết, đến nay, cơ bản 3 nhóm chính sách vừa đi vào cuộc sống, đã giải ngân khoảng 60 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 40 triệu lượt người và trên 500 nghìn người sử dụng lao động. “Về cơ bản, việc triển khai này công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội) phát biểu
Nhưng, trong quá trình thực hiện, Bộ trưởng cũng nhận thấy, có một số hiện tượng phát sinh do thực hiện giãn cách xã hội; số lượng người phục vụ quá lớn cùng thời điểm, tính chất cấp bách; cộng thêm khâu tổ chức thực hiện của ngành lao động - thương binh và xã hội cũng như lực lượng ở cơ sở "còn điều này, điều kia, nên có những khuyết điểm nhất định". Ví dụ như, "một bộ phận người dân phản ánh chưa nhận được, chậm nhận được hỗ trợ, thậm chí có cả trường hợp phát nhầm, nhận nhầm". Khẳng định điều này, Bộ trưởng nêu rõ, đây là những vấn đề cần chú ý, nhưng về cơ bản chính sách đang đi vào cuộc sống. Quan trọng hơn là trên cơ sở các chính sách được Trung ương ban hành, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách và huy động rất nhiều các nguồn lực xã hội để hỗ trợ cho người dân.
Toàn cảnh phiên họp
Với những chính sách mới hỗ trợ cho doanh nghiệp sau đại dịch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, thực thi chính sách này, song "Bộ của chúng tôi được giao 5 nhiệm vụ và hiện đã hoàn thành 4 nhiệm vụ". Thứ nhất đã tham mưu triển khai chính sách, trong đó, tham mưu sửa đổi Nghị định 152; giảm bớt thủ tục để thu hút lao động có chất lượng cao; hỗ trợ tạm dừng đóng, hoãn đóng, chậm đóng một số tiền bảo hiểm xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ hai, ban hành chương trình phục hồi lao động để hỗ trợ người lao động, chủ sử dụng lao động. Thứ ba, đào tạo, đào tạo lại người lao động. Thứ tư, triển khai các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chăm lo đời sống cho công nhân. Bộ trưởng khẳng định, "những vấn đề này sẽ được báo cáo kỹ trong chương trình phục hồi nền kinh tế".
PV